Ấn Độ: Làng trẻ mù vì ô nhiễm

ThienNhien.Net – Shankar Singh, 22 tuổi, sống ở làng Dona Nanka, bị mù từ 10 năm trước. Em trai của anh, Visakha Singh sinh ra với đôi mắt khỏe mạnh, nhưng vài năm sau cũng bị mù. Đó là những hoàn cảnh đáng thương ở ngôi làng Dona Nanka nằm ở vùng biên giới Ấn Độ-Pakistan.


Ở Teja Ruhela và Noor Shah, những ngôi làng lân cận cũng có nhiều trẻ em bị mù bẩm sinh hoặc bị mất dần ánh sáng khi chỉ mới vài tuổi đầu. Theo người dân địa phương, số trẻ và người trưởng thành bị mù ở những ngôi làng này ít nhất phải lên tới 50 người và nguyên nhân được cho là do nguồn nước bị ô nhiễm.

Người dân sống tại các ngôi làng này chủ yếu dùng nguồn nước ngầm, được bơm lên bằng các máy bơm tay.

Trước thực trạng này, chính quyền đã cho vẽ những thông cáo để cảnh báo người dân rằng nguồn nước ở đây không đạt tiêu chuẩn cho sinh hoạt và yêu cầu người dân không dùng nguồn nước này nữa. Tuy nhiên, chính quyền lại chỉ lên kế hoạch cung cấp nước sạch cho duy nhất một ngôi làng trong khi người dân không có điều kiện tiếp xúc với nguồn nước hợp vệ sinh.

Một số tổ chức phi chính phủ đã tiến hành nghiên cứu mẫu nước tại đây. Các tổ chức này cho rằng nguồn nước bị nhiễm độc là nguyên nhân chính gây ra bệnh mù lòa và các bất thường về thể chất và tinh thần ở người dân nơi đây.

Theo Neeraj Atri, chủ tịch của tổ chức Acitve Voice thì các ngôi làng bị ô nhiễm này nằm gần con mương Chand Bhan, nguồn mang chất thải công nghiệp chứa các độc tố chưa qua xử lý vào nguồn nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Viện nghiên cứu Giáo dục Y tế PGIMER tại Chandigarh lại cho rằng, nguyên nhân gây ra mù lòa không phải do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Giáo sư Amod Gupta, người đứng đầu Viện này cho biết vấn đề này thực sự nghiêm trọng và họ đang tiến hành những nghiên cứu cần thiết để tìm ra nguyên nhân thực sự.

Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Punjab (PPCB) sau khi điều tra, nghiên cứu cũng kết luận rằng nguồn nước ngầm không độc hại. Theo họ, nguyên nhân làm cho tỷ lệ mù lòa tăng lên là có thể do nước sông bị ô nhiễm bẩn từ các khu công nghiệp tại Pakistan.

Ông Babu Ram, thành viên thư ký PPCB cho biết, dù cho nguyên nhân là gì, họ cũng đang tiến hành các biện pháp để đảm bảo tất cả chất thải phải được xử lý trước khi thải vào môi trường.