Rừng nghèo thành cao su, dân vẫn nghèo

ThienNhien.Net – Dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo, đất trống đồi núi trọc của tỉnh Gia Lai sang trồng cao su đã được phê duyệt Quy hoạch phát triển đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Đây là một dự án được kỳ vọng sẽ giúp phát triển kinh tế, xã hội ở một địa phương có nhiều tiềm năng về đất. Tuy nhiên, để một chủ trương lớn thực sự đem lại lợi ích cả về kinh tế, an sinh xã hội cũng như môi trường thì sự giám sát một cách chặt chẽ của các cơ quan chức năng là hết sức cần thiết.


Chủ trương lớn…

Đây là một chính sách lớn cho vùng đất đỏ bazan trù phú này, nhằm phát triển kinh tế địa phương và cải thiện đời sống của người dân. Chính vì mục tiêu này, việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, một loại cây công nghiệp đa chức năng, được cán bộ cũng như người dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Nói về chủ chương này, ông Phan Văn Lâu, Trưởng Phòng Xây dựng và Phát triển rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho rằng: Việc triển khai chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cao su là rất phù hợp với điều kiện của địa phương. Bởi lẽ rừng nghèo không có giá trị kinh tế, ít giá trị sinh thái, trong khi tồn tại một thực tế là hiện nay nhiều diện tích rừng ở Gia Lai chỉ còn trên giấy tờ và thực chất chỉ là đất trống đồi núi trọc.

… và thực tế triển khai còn nhiều trở ngại

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Nông, Đắc Lắc, Lâm Đồng đánh giá thì rừng của các địa phương này nói riêng và Tây Nguyên nói chung cách đây khoảng 10 năm có độ che phủ chiếm trên 60%, song hiện nay diện tích đất có rừng che phủ chỉ chiếm chưa đầy 50%, diện tích rừng nghèo và nghèo kiệt tăng hơn 30%. Ông Nguyễn Nhĩ, Chi cục phó Chi cục kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết: Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, trung bình mỗi năm diện tích rừng giảm khoảng 12 nghìn ha, do các nguyên nhân cháy, lũ lụt, lâm tặc chặt phá và do người dân tự ý phát đốt để làm nương rẫy, nhưng việc trồng và tái sinh rừng mỗi năm cũng chỉ được khoảng 2 nghìn ha.

Điều này đang đặt ra một câu hỏi về hiện trạng quản lý và sử dụng tài nguyên rừng trong khu vực.

Tình trạng này không chỉ tác động xấu tới tài nguyên, môi trường, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của đồng bào. Nhiều ý kiến cho rằng, những chương trình, những chính sách ưu tiên cho phát triển đã chuyển đổi rất nhiều diện tích rừng tự nhiên sang rừng sản xuất và biến rất nhiều cánh rừng có tính đa dạng sinh học cao thành khu vực rừng nghèo và hiện nay những cánh rừng nghèo này lại đang được tiếp tục chuyển đổi thành các đồn điền cao su và các cây công nghiệp khác.

Khoan chưa bàn đến những tác động về môi trường, mục tiêu của chủ trương chuyển đổi diện tích đất rừng nghèo sang diện tích trồng cao su rõ ràng hứa hẹn mang lại cho Gia Lai một hướng phát triển kinh tế và cho người dân tại chỗ một hướng sinh kế mới và lâu dài. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, mục tiêu này không phải lúc nào cũng đạt được.
Theo ông Rơ Lan Ghênh, Chủ tịch xã Ia Puch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai thì từ năm 2006 đến nay, diện tích đất rừng và đất canh tác của xã này đã giảm đi hơn 50%, một phần là do chính sánh chuyển đổi đất lâm nghiệp, phần khác là do người dân đã tình nguyện bán cho các đơn vị trồng cao su.

Tuy nhiên, đời sống của người dân không vì thế mà bớt khó khăn. Bởi lẽ, sau khi bán đất, họ đã sử dụng số tiền này để mua sắm các phương tiện và tiện nghi trong gia đình, một thời gian sau hết tiền, họ lại trở về tình trạng đói nghèo.

 Rung cao su

 Có nhà ở nhưng cuộc sống vẫn còn ngổn ngang khó khăn (Ảnh: Hoàng Anh)

Ông Rơ Lan Ghênh cho biết thêm, trên địa bàn xã hiện có 5 đơn vị đến nhận đất rừng để trồng cao su là Công ty Bình Dương thuộc Binh đoàn 15, Công ty Quang Đức, Công ty Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Quốc Cường và Công ty cao su Chư Prông.

Thực hiện nghĩa vụ xã hội của mình, các đơn vị này đã cam kết nhận người dân địa phương vào làm công nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, việc người dân địa phương làm việc cho các công ty này cũng gặp không ít trở ngại, cả từ phía doanh nghiệp, cả do phía người dân.

Về phía đồng bào dân tộc tại chỗ, do trình độ dân trí thấp cùng với các phong tục tập quán lạc hậu và thói quen làm việc tự do, khiến các đơn vị không mấy mặn mà với việc tiếp nhận họ vào làm công nhân.

Về phía doanh nghiệp, bên cạnh cam kết đóng góp cho địa phương thông qua việc tuyển dụng lao động tại chỗ, họ vẫn phải đảm bảo mục tiêu lợi nhuận, vì thế ngoài chất lượng lao động, họ có nhiều lý do để buộc phải tuyển dụng lao động từ nơi khác.

Đó là nguyên do của thực tế là đến hết tháng 4/2010, cả xã có gần 2000 nhân khẩu nhưng số lao động vào làm công nhân trồng cao su tính ra chưa đầy 120 người.

Từ lý do này, ông Nguyễn Hồng Nam, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Gia Lai cho rằng: Việc chuyển rừng nghèo sang trồng cao su ở một mức độ nhất định là cần thiết. Tuy nhiên, việc cấp đất rừng cho doanh nghiệp tư nhân cần rất thận trọng vì họ chỉ ưu tiên lợi nhuận mà chưa chú ý đúng mức đến việc đảm bảo đời sống cho bà con và an sinh xã hội.

Rừng ra đi vì ai?

Không chỉ Chư Prông, các huyện khác như Chư Pưh, Chư Pảh, Mang Yang, Đắc Đoa, Đức Cơ, Chư Sê…của tỉnh Gia Lai cũng đang khẩn trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su theo thông báo số 136/TB-UBND do ông Đào Xuân Liên, Phó chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 11/11/2009.

Theo thông báo này, UBND tỉnh đã giao cho 16 đơn vị trong và ngoài tỉnh với tổng diện tích trồng cao su là 60.119,9 ha, vượt quá xa so với thông tư số 58/2009/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2009 của Bộ NN&PTNT về việc hướng dẫn và quy hoạch diện tích đất chuyển đổi sang trồng cao su trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, với diện tích được quy hoạch cho Gia Lai là 50.000 ha.

Nếu những cánh rừng, dù “nghèo”, vẫn bị hy sinh cho mục đích kinh tế, song đời sống của người dân địa phương tại chỗ, những người từng sống phụ thuộc vào rừng, không được cải thiện, thì những cánh rừng ấy “ra đi” vì ai? Thiết nghĩ, để đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu, việc triển khai chuyển đổi đất lâm nghiệp cần được giám sát chặt chẽ hơn nữa.