Vườn Quốc gia Cát Bà: Rừng chịu áp lực từng ngày

ThienNhien.Net – Do nhu cầu sinh kế của người dân trên đảo, Vườn Quốc gia Cát Bà đang đối mặt với nguy cơ suy giảm tính đa dạng sinh học, đa dạng nguồn gen động thực vật vì rừng bị khai thác quá mức.


Vườn Quốc gia Cát Bà trải rộng trên địa phận 5 xã: Hiền Hào, Xuân Đám, Gia Luận, Trân Châu, Việt Hải. Theo một nghiên cứu năm 2007 của Thạc sỹ Phạm Thị Vân thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Phát triển Bền vững, thì 20,6% thu nhập của người dân 5 xã này là từ rừng, trong đó 90% là thu nhập từ khai thác lâm sản ngoài gỗ (chủ yếu là mật ong rừng và săn bắt động vật hoang dã).

Cũng theo Nghiên cứu này, dù việc săn bắt động vật hoang dã trong Vườn Quốc gia Cát Bà đã bị nghiêm cấm, nhưng người dân vẫn lén lút vào rừng sắn bắt và đặt bẫy thú rừng.

Năm 2006, số động vật hoang dã bị săn bắn mà cơ quan chức năng phát hiện là 222 cá thể.
 
Năm 2007, kết quả một cuộc khảo sát cho biết trên 3.000 con tắc kè đã bị người dân bắt và bán vì mục đích thương mại, chủ yếu là bán cho khách du lịch ra thăm đảo.

Bên cạnh áp lực về sinh kế cũng như nhận thức chưa cao của người dân địa phương trong việc bảo vệ động vật hoang dã, thì vai trò quản lý của cơ quan chức năng cũng như các quy phạm pháp luật còn có những bất cập khiến tình trạng khai thác lâm sản ở Cát Bà ngày càng khó kiểm soát.

Báo Công an Nhân dân ngày 1/7/2010 dẫn lời ông Hoàng Xuân Kiên – cán bộ công an huyện đảo Cát Bà cho biết, thời gian gần đây kiểm lâm đã có văn bản cho phép người dân địa phương khai thác tận thu lâm sản phụ trong rừng, vô hình trung đã tạo ra kẽ hở pháp luật để lâm tặc dựa vào đó khai thác, tàn phá rừng sau lưng các cơ quan chức năng.