Hướng tới một ngành công nghiệp mây bền vững

ThienNhien.Net – Giám đốc Chương trình Mây của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) mới đây vừa cho biết, mục tiêu vào cuối năm 2011, một ngành công nghiệp mây (cây mây) sạch và bền vững sẽ bước đầu được thiết lập ở Lào, Campuchia, và Việt Nam.


Vừa qua, 9 Công ty mây của Việt Nam đã đến huyện Khamkeut, tỉnh Borikhamxay của Lào để thăm quan Khu quản lý Mây bền vững.

Ông Maychome, Trưởng phòng Nông Lâm (DAFO) huyện Khamkeut cho biết, mô hình sản xuất mây bền vững dựa vào cộng đồng do phòng Nông Lâm huyện Khamkeut và WWF phối hợp thực hiện.

Được biết, dự án “Thiết lập hệ thống sản xuất sản phẩm song mây bền vững tại Campuchia, Lào và Việt Nam” được WWF thực hiện từ năm 2009-2011 tại 3 nước Campuchia, Lào và Việt Nam.

Và mục tiêu đến cuối năm 2011, một ngành công nghiệp mây sạch và bền vững sẽ bước đầu được thiết lập ở Lào, Campuchia, và Việt Nam. WWF sẽ cấp chứng nhận FSC rừng mây cho quản lý rừng cũng như khuyến khích các công ty mây áp dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn.

FSC là một hệ thống chứng nhận cung cấp chuẩn mực, thương hiệu và độ tin cậy được quốc tế thừa nhận cho các công ty, tổ chức, và cộng đồng quan tâm đến ngành lâm nghiệp.

Tiến sỹ Vũ Quế Anh, Quản lý Dự án Mây Việt Nam của WWF cho biết, nguồn mây ở Việt Nam đang suy giảm đáng kể vì nhu cầu ngày càng cao và khai thác không bền vững.

Những loài mây quan trọng hiện giờ rất hiếm và thường xuyên phải mua từ Lào. Các nhà sản xuất mây ở miền Nam Việt Nam đã bắt đầu ký hợp đồng phụ với các nhà sản xuất ở phía Bắc hoặc phải dừng hoạt động.

Cũng trong chuyến thăm, các công ty Việt Nam cũng đã thảo luận và trao đổi kinh nghiệm với phòng Công nghiệp và Thương mại quốc gia Lào và phòng Công nghiệp và Thương mại tỉnh Borikhamxay về các thủ tục mua bán cũng như xuất khẩu mây khai thác bền vững.

Hiện tại, Việt Nam phải nhập hơn 40% mây từ Lào và một số lượng lớn từ Campuchia. Việt Nam thiếu nhiều loài mây có giá trị thương mại cao hiện chỉ có ở Lào.

Ông Nguyễn Trường Thiên – Giám đốc Xí nghiệp Mây Tre Lá xuất khẩu Âu Cơ cho hay, mỗi năm nhập khẩu từ 5 đến 7 nghìn tấn mây từ Lào, nhưng không có lượng mây nào được lấy từ khu vực quản lý bền vững.

Được biết, 54 trong số 600 loại mây trên thế giới có mặt tại khu vực tiểu vùng sông Mê Kông. Các làng xã ở Lào, Campuchia và Việt Nam phụ thuộc nhiều vào hoạt động mua bán mây, tại một số vùng nông thôn, 50% thu nhập của người dân là từ bán mây.