Một cách tiếp cận bảo tồn mới

ThienNhien.Net – Cách tiếp cận bảo tồn động vật hoang dã truyền thống thường là dựng lên một ranh giới ngăn cách giữa môi trường sống của con người và tự nhiên. Trong nhiều trường hợp, cách tiếp cận này đã tỏ ra có hiệu quả, khi các khu bảo tồn trở nên quan trọng đối với nhiều loài và sự sống còn của hệ sinh thái. Tuy nhiên, mô hình này đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, nhất là khi môi trường sống của con người và của động vật hoang dã trên thực tế không mấy ngăn cách. Câu chuyện bảo tồn ở Pantanal dưới đây hẳn sẽ là một gợi ý mới về cách tiếp cận bảo tồn.


Về cách tiếp cận bảo tồn truyền thống, Alan Rabinowitz, chủ tịch Tổ chức Bảo tồn các loài thú lớn họ mèo (Panthera) chia sẻ: “Trong đời mình, tôi đã thiết lập rất nhiều khu bảo tồn và theo sát chúng, rồi tôi nhận ra là chúng đang hoạt động không mấy hiệu quả”.

Vấn đề mà Rabinowitz nhận ra là các động vật ông cố gắng bảo tồn thường vượt ra khỏi khỏi khu vực mà chúng được giới hạn để xâm nhập vào lãnh thổ của con người.
Do đó, việc thiết lập một hàng rào có vẻ như không còn phù hợp để bảo tồn động vật, bỡi lẽ “chúng ta sẽ không bao giờ có đủ các khu bảo tồn để bảo tồn động vật hoang dã một cách toàn diện”.

Rabinowitz đã phải tìm cách bảo vệ loài mèo lớn ngay trong môi trường sống của con người và phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa: làm thế nào để con người sống gần những con thú ăn thịt lớn ấy hỗ trợ công tác bảo tồn?

Xung đột giữa con người và loài báo đốm Mỹ ở Pantanal

Câu hỏi này trở nên vô cùng quan trọng đối với các nhà bảo tồn đang nỗ lực bảo vệ loài báo đốm Mỹ. Bị đe dọa bởi mất môi trường sống nghiêm trọng, những con báo Mỹ còn sống sót đang phải di chuyển giữa các môi trường sống còn lại của chúng nằm rải rác từ Bắc Mexico đến Argentina.

Chiến dịch bảo tồn loài báo đốm Mỹ có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn sự cô lập nguồn gen, nguyên nhân chính dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài động vật. Và tổ chức Panthera đang hoạt động để giảm nhẹ nguy cơ này bằng cách xác định và bảo vệ những đường mòn mà loài báo đốm Mỹ di chuyển giữa các môi trường sống mà họ gọi là “hành lang di truyền”.

Thực sự, không có địa điểm nào lý tưởng và phù hợp hơn cho kế hoạch này bằng Pantanal của Brazil, một vùng đất ngập nước trải rộng, nơi mối quan hệ giữa người dân và báo đốm Mỹ đã trở nên cực kỳ phức tạp.

Vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới Pantanal có diện tích rộng gấp mười lần Vườn quốc gia Everglades của Mỹ. Nơi đây, những cơn mưa nhiệt đới dai dẳng đã mang về những cơn lũ nuôi dưỡng một dải đất có độ đa dạng sinh học đáng ngạc nhiên. Pantanail đồng thời là điểm giao thoa môi trường sống của con người và thiên nhiên, với 95% diện tích đất do tư nhân sở hữu và phần lớn được sử dụng như trang trại nuôi gia súc.
Số gia súc lang thang ở vùng đất ngập nước này lên tới tám triệu con và lẽ dĩ nhiên, nơi nào có gia súc và báo đốm Mỹ, nơi ấy có xung đột. Nhiều chủ trang trại trong khu vực coi báo đốm Mỹ là sát thủ gia súc và họ thường đáp trả bằng súng đạn.

Bảo tồn báo đốm và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

Alan Rabinowitz và tổ chức Panthera đang nỗ lực để ngăn chặn những xung đột có vẻ không thể tránh khỏi giữa con người và báo đốm. Phối hợp với Trường Y Mount sinai của Viện Dịch tễ và Sức khỏe Toàn cầu, Panthera đang cố gắng xoay chuyển mối quan hệ giữa loài người và báo đốm thông qua việc cung cấp dịch vụ sức khỏe và giáo dục miễn phí cho người dân sống trong hành lang di chuyển của loài báo đốm.

Mục tiêu của họ là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho cư dân địa phương để thông qua đó thúc đẩy bảo tồn. Bởi lẽ, họ tin rằng thái độ của người địa phương có thể thay đổi nếu công tác bảo tồn mang lại cho người dân những ưu đãi nhất định.

Chiến dịch của Panthera bắt đầu bằng việc xây dựng trường học và trạm y tế miễn phí cho người địa phương. Trước kia, các chủ trang trại gia súc ở đây phải gửi con nhỏ tới học ở các thị trấn xa xôi. Họ cũng không có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ y tế vì các bệnh viện gần nhất cũng cách xa vài dặm.

Thực ra, đây cũng chẳng phải là một ý tưởng mới mẻ gì, bởi các nhà bảo tồn trước kia đã từng thực nghiệm. Duy chỉ có điều là họ không tạo được mối liên kết hiệu quả giữa bảo tồn và việc mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân và Panthera đã học được nhiều điều từ chính những sai lầm này.

Thay vì chỉ đơn giản kỳ vọng vào một sự tự nguyện bảo tồn, Panthera đã tạo ra những động lực để thay đổi hành vi. Khi mọi người nhận thức được giá trị của các dịch vụ do Panthera và Mount Sinai mang lại, họ cũng buộc phải công nhận giá trị của loài báo đốm.

Panthera hy vọng rằng việc giao tiếp và gắn kết với cộng đồng một cách thực tế như vậy sẽ tạo ra áp lực xã hội mạnh mẽ chống lại cách ứng xử bằng súng đạn với động vật trong tương lai: “Chúng tôi không hề che giấu thực tế là tất cả những ưu đãi ấy sẽ không còn nếu loài báo đốm biến mất.”

Panthera cũng đề ra chiến lược giúp các chủ trang trại nâng cao thu nhập và bảo vệ gia súc của họ khỏi sự tấn công của loài báo đốm. Panthera kết nối các chuyên gia với các chủ trang trại nhiều kinh nghiệm ở Pantanal để tạo ra các mô hình trang trại hiệu quả, sinh lợi nhiều hơn, đồng thời hỗ trợ hợp lý để bảo vệ loài báo đốm.

Panthera đã đưa ra những ý tưởng đơn giản, không tốn kém để tối đa hóa lợi nhuận của các trang trại và giảm xung đột với loài báo đốm xuống gần như bằng không. Một trong những ý tưởng đơn giản ấy là treo đèn ở bãi quây gia súc vào ban đêm khiến loài báo đốm Mỹ vốn nhút nhát sẽ e ngại tấn công.

Trên thực tế, mối quan hệ giữa con người và báo đốm ở Pantanal phức tạp hơn người ta vẫn tưởng. Nếu con người không chăn thả gia súc, hẳn sẽ chẳng còn mấy báo đốm trong khu vực. Hàng triệu gia súc chăn thả ở Pantanal đã thay đổi đời sống thực vật nơi đây, làm cho nó phù hợp hơn với con mồi tự nhiên của báo đốm Mỹ. Và nhiều con mồi hơn đồng nghĩa với việc nhiều báo đốm hơn.

Hơn thế nữa, Panthera còn là một địa điểm lý tưởng để nghiên cứu về các bệnh dịch của động vật như sốt xuất huyết, virus West Nile, cúm gia cầm và cúm lây lan từ động vật sang người… Các nhà nghiên cứu đang truy tìm nguồn gốc của các dịch bệnh này, và hơn thế, tìm nguồn gốc dẫn đến sự mất cân bằng của một hệ sinh thái lành mạnh. Nếu một hệ sinh thái mà mất đi động vật ăn thịt ở cấp cao nhất như báo đốm, số lượng con mồi của nó sẽ trở nên bùng nổ, tạo ra môi trường để bệnh dịch bùng phát. Điều này minh hoạ một cách rõ ràng mối liên hệ giữa sức khỏe của con người và công tác bảo tồn trong việc duy trì một hệ sinh thái khỏe mạnh.

Chương trình của Panthera còn đang ở giai đoạn đầu tiên, nhưng những kết quả đạt được hoàn toàn cho hy vọng vào việc nhân rộng các mô hình bảo tồn tương tự trong tương lai.