CITES có còn quan trọng?

ThienNhien.Net – Tháng trước, tại cuộc hội thảo của các bên tham gia Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động vật nguy cấp (CITES) tại Doha (Quatar), các chính phủ, các nhà bảo tồn và các nhóm ủng hộ buôn bán động vật hoang dã đã để lại ấn tượng rằng các bên đều đang chú trọng nhiều vào việc bảo vệ các lợi ích thương mại hơn là bảo vệ động vật hoang dã. Và câu hỏi được đặt ra là liệu Công ước đã kéo dài 37 năm này có thể thực hiện thành công vai trò, sứ mệnh đã đặt ra khi mới thiết lập hay không?


CITES có sứ mệnh bảo đảm rằng các hoạt động buôn bán động thực vật hoang dã và các sản phẩm từ chúng không đe dọa sự sinh tồn của các loài này. Công ước đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của 175 nước thành viên với cam kết bảo vệ khoảng 5.000 loài động vật và 28.000 loài thực vật.

Tuy nhiên, diễn biến trong cuộc Hội thảo tháng trước cho thấy quá trình đưa ra quyết định của các bên tham gia CITES ngày càng mang tính chính trị sâu sắc. Các bên tham gia chỉ lựa chọn các chứng cứ khoa học để hỗ trợ các quan điểm của họ nếu như các bằng chứng đó ủng hộ họ, và ngược lại, khoa học sẽ chẳng có giá trị gì nếu nó đi ngược lại quan điểm của họ.

Các nước cũng rất biết cách giành lợi thế về mặt chính trị bằng cách cử đoàn đại biểu với các chính trị gia, các quan chức cấp cao tới hội nghị để thuyết phục các nước khác bỏ phiếu ủng hộ.

Giả dụ, trước những đề xuất bảo vệ nguồn dự trữ cá ngừ ở Đại Tây Dương và một số loài cá mập, Nhật Bản đã cử khoảng 50 đại biểu tới dự họp để “lôi kéo” các quốc đảo và các nước đang phát triển ủng hộ sự phiếu chống của họ. Đặc biệt, việc Nhật Bản thết món sushi có nguồn gốc từ loài cá ngừ Đại Tây Dương tại một buổi tiệc chiêu đãi xa xỉ dành cho đại biểu trước hôm bỏ phiếu được coi là một động thái “bất chấp đạo lý”.

Trong một hình thức vận động khác, đoàn đại biểu Zambia lại cử Chieftainess Chiawa, thủ lĩnh một nhóm người bản xứ đến “kể nghèo kể khổ” nhằm thuyết phục Hội nghị cho phép giảm số lượng quần thể voi ở nước họ và để họ có thể bán ngà voi được dự trữ nhằm giải quyết tình trạng đói nghèo.

Khi một quốc gia hoàn toàn tin tưởng rằng khoa học và các bằng chứng khác ủng hộ quan điểm của họ, liệu việc bỏ phiếu của họ có bị thúc ép bởi những thỏa hiệp chính trị không? Vương quốc Anh đã trả lời “Không!” bằng việc bỏ phiếu tán thành bảo vệ loài cá ngừ Đại Tây Dương, mặc dù vấp phải sự chỉ trích và chắc chắn là cả các biện pháp trừng phạt trong tương lai từ các đối tác thuộc Liên minh Châu Âu.

Song, trên thực tế, những thỏa hiệp chính trị và một vài nhân tố khác đang ảnh hưởng tới việc bỏ phiếu cho rất nhiều đề xuất quan trọng.

Đơn cử, những cố gắng nhằm có được các danh sách của CITES về các loài sinh vật biển đang bị đe dọa tuyệt chủng do khai thác quá mức, bao gồm loài cá ngừ lớn và cá nhám búa, đã không đạt được sự ủng hộ cần thiết mặc dù Tổ chức Nông lương của Liên Hiệp Quốc đã tán thành.

Kết quả là những loài động vật này – cũng giống như nhiều loài cá biển bị đánh bắt quá mức khác – vẫn bị phó mặc cho Các cơ quan Quản lý Đánh bắt cá trong khu vực (RFMOs) định đoạt.

Những lập luận nghèo nàn

Các đoàn đại biểu ủng hộ buôn bán một số loài động vật đang bị đe dọa thường lập luận rằng việc hạn chế thương mại sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế của các cộng đồng nghèo, hoặc làm giảm cơ hội giúp họ tiếp cận với các nguồn tài nguyên thiết yếu.

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết cá mập được các tàu thủy thương mại lớn săn bắt ở các vùng biển quốc tế là dành cho món súp vây cá mập trên bàn ăn của tầng lớp trung lưu vốn đang ngày càng gia tăng tại Đông Á. Thống kê cũng cho thấy 80% số lượng cá ngừ lớn ở Đại Tây Dương bị săn bắt để hy sinh cho món sushi trong các nhà hàng Nhật Bản.

Chưa hết, các dải san hô đỏ và hồng đang biến mất nhanh chóng cũng chỉ để trở thành nguồn cung cho thị trường trang sức. Và tất cả các loài san hô này đều không được bảo vệ.

Dù lập luận thế nào, cũng có một thực tế là không gì có thể làm hại các cộng đồng dân cư nghèo ven biển hơn là sự biến mất hoàn toàn của một loài cá. Bởi lẽ, điều này sẽ khiến cho các thế hệ tương lai của họ mất đi một nguồn tài nguyên lớn.

Những đốm sáng nhỏ cho bảo tồn

Bỏ qua những quyết định nản lòng giới bảo tồn, một vài quyết định được hội nghị thông qua cũng mang lại những lợi ích bảo tồn quan trọng.

Trong đó, một số loài cây ở Madagasca, động vật lưỡng cư ở khu vực Mỹ La Tinh và các loài bò sát đã được CITES liệt kê vào danh sách các loài bị hạn chế buôn bán quốc tế.

Công tác bảo tồn đối với nhiều loài sinh vật khác cũng được tăng cường, bao gồm các loài linh dương, tê giác, hổ, rắn và các loài rùa nước ngọt.

Đặc biệt, Hội nghị cũng bác bỏ các đề xuất của Tanzania và Zambia xin được bán lại kho ngà voi dự trữ.

Nhu cầu của thị trường đóng vai trò quan trọng

CITES dường như thành công nhất trong việc bảo vệ các loài sinh vật mà hoạt động buôn bán quốc tế đe dọa đáng kể đối với chúng nhưng giá trị kinh tế thu được từ chúng còn hạn chế.

CITES cũng gặp khó khăn nhất khi cố gắng giải quyết các vấn đề liên quan đến các loài sinh vật có giá trị thương mại cao.

Giá trị thương mại quốc tế của cá và gỗ đã làm lu mờ nhiều loài sinh vật khác. Tuy nhiên, mặc dù nhu cầu về loài cá và gỗ khiến cho chúng có nguy cơ bị tuyệt chủng trong thế giới tự nhiên, phần lớn những nỗ lực đề xuất hoặc tăng cường bảo vệ các loài này vẫn bị thất bại tại Hội nghị lần này.

Rõ ràng, việc khai thác, buôn bán động vật hoang dã và các sản phẩm từ chúng bị phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng. Trong một thế giới lý tưởng, chúng ta sẽ kiểm soát hoạt động buôn bán các loài nguy cấp bằng cách tuyên truyền, giáo dục người tiêu dùng giảm nhu cầu. Tuy nhiên, trước những chỉ trích liên quan đến “sự can thiệp vào quyền tự chủ”, “truyền thống văn hóa” và “sự thờ ơ với tình trạng đói nghèo”, những nỗ lực như vậy không chắc có thể thành công, và chắc chắn là không kịp cứu nhiều loài sinh vật.

Vì vậy, trong khi tiếp tục cố gắng giảm nhu cầu, chúng ta phải tập trung vào việc kiểm soát lượng cung bằng các quy định trong nước và quốc tế, việc thực thi pháp luật một cách có hiệu quả với hình phạt nghiêm khắc dành cho những kẻ vi phạm.

Hội nghị cũng thừa nhận sự gia tăng của các tổ chức tội phạm buôn bán động vật hoang dã trái phép có vũ trang hoạt động ngày càng tinh vi, có nguồn vốn hậu thuẫn lớn, cùng với sự thiếu hụt những nỗ lực ứng phó hiệu quả với mức độ tinh vi của các tổ chức này. Tội phạm động vật hoang dã hiện nay đã trở thành loại tội phạm nguy hiểm ngang hàng với nạn buôn ma túy, buôn vũ khí và buôn người xét về mức độ nghiêm trọng và thủ đoạn phạm tội.

Liệu CITES có còn là một định chế hiệu quả?

Nhiều nhà bảo tồn cho rằng Hội nghị tại Doha có lẽ là cơ hội cuối cùng của chúng ta nhằm đưa ra các biện pháp bảo vệ có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo tồn một số loài và chúng ta đã để lỡ mất cơ hội đó.

Tuy nhiên, dù vẫn còn khiếm khuyết, CITES vẫn là một công ước quốc tế chuyên kiểm soát hoạt động buôn bán các loài nguy cấp, vì vậy nó là một khung pháp lý quốc tế mà chúng ta phải thực thi.

Hội nghị Doha có ngân sách khoảng 6 triệu USD, chẳng nhiều nhặn hơn giá trị của một vài chiếc du thuyền bỏ neo ở vịnh Doha ngoài trung tâm hội nghị. Phải chăng, điều mà CITES cần lúc này là nguồn ngân sách lớn hơn, quyền lực mạnh hơn và một số giải pháp loại bỏ những quan điểm chính trị và quyền lợi kinh tế trong quá trình tiến tới một quyết định?

Trên hết, việc bảo vệ sinh vật hoang dã bị hoạt động buôn bán tác động đòi hỏi sự cộng tác và đồng lòng quốc tế. Vậy, nếu CITES không đưa ra giải pháp bảo vệ mang tính quốc tế, thì ai sẽ làm điều đó?