Các loài linh trưởng của Việt Nam bên bờ vực tuyệt chủng

ThienNhien.Net – Các chuyên gia linh trưởng trên thế giới vừa công bố Danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất toàn cầu giai đoạn 2014-2016, trong đó có ba loài ở Việt Nam.

Voọc mũi hếch - Tonkin snub-nosed monkey (Ảnh do FFI cung cấp)
Voọc mũi hếch – Tonkin snub-nosed monkey (Ảnh do FFI cung cấp)

Bản công bố diễn ra tại cuộc họp tuần trước ở Singapore. Các chuyên gia linh trưởng trên khắp thế giới đã cùng tụ họp tại đây để đánh giá hiện trạng tất cả các loài linh trưởng ở Châu Á, đồng thời thảo luận về Danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất. Cụ thể: các chuyên gia đánh giá các mối đe dọa của 182 loài linh trưởng ở Nam Trung Quốc, Nam Á và Đông Nam Á, bao gồm cả 25 loài phân bố ở Việt Nam.

Kết quả thảo luận cho thấy linh trưởng ở Việt Nam đang ở tình trạng đặc biệt nghiêm trọng. Số loài được xếp ở mức Cực kỳ nguy cấp toàn cầu đã tăng lên từ 7 loài năm 2008 lên 11 loài năm 2015. Việc có nhiều loài nguy cấp đã làm cho Việt Nam trở thành tâm điểm về đa dạng linh trưởng cũng như các mối đe dọa mà các loài này đang gặp phải chủ yếu là săn bắn và mất sinh cảnh. Trừ một loài, còn lại tất cả được xếp vào mức độ bị đe dọa toàn cầu.

11 loài ở Việt Nam đang trên bờ vực tuyệt chủng bao gồm:

1.     Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) < 70 cá thể

2.     Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) < 200 cá thể

3.     Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) < 200 cá thể

4.     Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) < 1.500 cá thể

5.     Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus) – chưa rõ số lượng quần thể

6.     Chà vá chân đen (Pygathrix nigripes) – chưa rõ số lượng quần thể

7.     Vượn Cao Vít (Nomascus nasutus) ~ 130 cá thể

8.     Vượn đen tuyền Tây Bắc (Nomascus concolor) < 60 cá thể ở Việt Nam

9.     Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) < 300 đàn ở Việt Nam

10.  Vượn đen má trắng siki (Nomascus siki) – chưa rõ số lượng quần thể

11.  Khỉ đuôi dài Côn Đảo (Macaca fascicularis condorensis) < 2.000 cá thể

291115_voocmuihech_anh2
Vượn Cao Vít – caovitgibbon (Ảnh do FFI cung cấp)

“Những đánh giá mới này càng làm rõ tầm quan trọng của Việt Nam như một trung tâm linh trưởng quan trọng trên toàn cầu” – Tiến sỹ Ben Rawson, Giám đốc FFI-Chương trình Việt Nam kiêm đồng Trưởng nhóm IUCN SSC khu vực Nam và Đông Nam Á nhận định. Ngoài ra, các đánh giá cũng nhấn mạnh Việt Nam đang có nguy cơ là quốc gia đầu tiên có linh trưởng bị tuyệt chủng. Cho tới nay chưa có ghi nhận về linh trưởng bị tuyệt chủng trong thế kỷ 20 và thế kỷ 21.

Tiến sỹ Lê Khắc Quyết, một trong những nhà linh trưởng học hàng đầu của Việt Nam khẳng định: “Chúng ta cần hành động nhiều hơn nữa để bảo tồn các loài linh trưởng nguy cấp và sinh cảnh của chúng tại Việt Nam bằng cách tăng cường bảo vệ các quần thể, phục hồi rừng, thực thi pháp luật và thực hiện các nghiên cứu sinh học bảo tồn cũng như thu hút sự tham gia của người dân vào bảo tồn động vật hoang dã”.

Tiến sỹ Russell Mittermeier, Trưởng nhóm Chuyên gia về linh trưởng của IUCN và Phó Giám đốc điều hành Tổ chức Bảo tồn quốc tế (Conservation International) cũng cho hay: “Mục đích công bố Danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới nhằm nhấn mạnh những loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng nhất, qua đó thu hút sự quan tâm của công chúng, khuyến khích các chính phủ hành động nhiều hơn nữa và đặc biệt là để tìm kiếm nguồn lực thực hiện những giải pháp bảo tồn cần thiết”.

Được biết, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) – Chương trình Việt Nam hiện đang thực hiện các hoạt động bảo tồn đối với 5 loài: Voọc Cát Bà, Voọc mũi hếch, Vượn Cao Vít, Chà vá chân xám, Vượn đen tuyền. Tuy nhiên, công tác bảo tồn sẽ cần thêm nhiều nỗ lực hơn nữa nhằm ngăn chặn tình trạng suy giảm, tuyệt chủng của linh trưởng tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới:

Voọc Cát Bà (Voọc đầu vàng) – 60 cá thể
Voọc mông trắng (Voọc quần đùi trắng) – 234-275 cá thể
Voọc mũi hếch – dưới 250 cá thể
Vượn cáo lùn Lavasoa (Lavasoa dwarf lemur) – chưa rõ tình trạng quần thể
Vượn cáo tre Lac Alaotra (Lac Alaotra bamboo lemur) – khoảng 2,500-5,000 cá thể
Vượn cáo cổ đỏ (Red ruffed lemur) – chưa rõ tình trạng quần thể
Vượn cáo Northern sportive lemur – khoảng 50 cá thể
Khỉ Perrier’s sifaka (Perrier’s sifaka) – 1,700-2,600 cá thể
Vượn cáo Rondo lùn (Rondo dwarf galago) – không rõ số lượng nhưng sinh cảnh còn lại chỉ khoảng 103 km2 (40 dặm vuông)
Khỉ Roloway (Roloway monkey) – chưa rõ tình trạng quần thể và đang trên bờ tuyệt chủng
Voọc đỏ Preuss (Preuss’s red colobus monkey) – chưa rõ tình trạng quần thể
Voọc Sông Hồng Tana (Tana River red colobus monkey) – 1,000 cá thể và đang giảm
Tinh tinh đất thấp (Eastern lowland gorilla) – 2,000-10,000 cá thể
Cu li Philippine (Philippine tarsier) – chưa rõ tình trạng quần thể
Cu li Java (Javan slow loris) – chưa rõ tình trạng quần thể
Voọc đuôi lợn (Pig-tailed langur) – 3,300 cá thể
Voọc xám Kashmir (Kashmir grey langur) – chưa rõ tình trạng quần thể
Voọc mặt hồng (Western purple-faced langur) – chưa rõ tình trạng quần thể
Vượn Hải Nam (Hainan gibbon) – 25
Đười ươi Sumatra (Sumatran orang-utan) – 6,600
Khỉ Ka’apor capuchin (Ka’apor capuchin) – chưa rõ tình trạng quần thể
Khỉ San Martin titi monkey (San Martin titi monkey) – chưa rõ tình trạng quần thể
Khỉ hú nâu (Northern brown howler monkey) – dưới 250 cá thể trưởng thành
Khỉ nhện nâu Colombia (Colombian brown spider monkey) – chưa rõ tình trạng quần thể
Khỉ nhện đầu nâu Ecuador (Ecuadorian brown-headed spider monkey) – chưa rõ tình trạng quần thể

(Những loài không có ở Việt Nam tên Tiếng Việt là không chính thức)