Người phụ nữ Đức bảo vệ voọc Cát Bà

Có một căn phòng nhỏ nằm ở giữa Vườn Quốc gia Cát Bà. Đó là nơi sống và làm việc của bà Rossi Stenke, một tiến sĩ động vật học người Đức. Bà đã tình nguyện sống độc thân ở khu rừng này trong năm năm qua. Công việc chính của bà là cùng các đồng sự nghiên cứu và đề xuất các phương pháp bảo tồn loài voọc đầu trắng.

Người phụ nữ “yêu” voọc

“Từ khi tôi còn là một bé gái nhỏ, tôi đã thích các loài linh trưởng. Khi lớn lên, tôi đã học và nghiên cứu về loài này. Về sau, tôi biết có một số loài voọc ở Cát Bà đang trong tình trạng đặc biệt nguy cấp. Khi có một số tổ chức nói với tôi họ có thể phối hợp tiến hành công việc bảo tồn chúng, tôi đồng ý ngay”, bà Rossi tâm sự.

Năm 2000, khi bà Rossi tình nguyện đến khu rừng này, loài voọc đặc hữu của Cát Bà lúc đó chỉ còn 59 cá thể và chúng bị săn đuổi ráo riết. Trong thời gian đầu, bà đã tiến hành hàng loạt các khảo sát, nghiên cứu về loài linh trưởng này. Những thông tin về các đàn voọc như thời gian di chuyển, số lượng cá thể voọc…được bà Rossi cập nhật từng ngày để có biện pháp bảo vệ thích hợp. Ngay từ những ngày đầu tiên đến Cát Bà, bà Rossi đã nhận ra săn bắn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc số lượng đàn voọc Cát Bà bị suy giảm nhanh chóng. Ngay trong vùng đệm và vùng chuyển tiếp của vườn, có hàng chục ngàn người dân sinh sống. Có hai xã với hơn 1000 người dân sống ngay trong vườn quốc gia. Để săn bắn động vật, trong đó có loài voọc, nhiều thợ săn đã không ngần ngại sử dụng mọi thủ đoạn và phương tiện, từ cạm, bẫy đến các vũ khí hạng nặng như súng săn. Ở đây đã từng xảy ra trường hợp người dân dùng lưới để quây bắt cả đàn voọc khi chúng vào trong hang để nấu cao.
Từ tháng 11/2000, với sự hỗ trợ của Hội động vật về bảo tồn loài và quần thể của Đức, bà Rossi đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm triển khai một chương trình lớn về bảo vệ voọc đầu trắng. Một bán đảo dài khoảng 8 km và rộng khoảng 3,5 km, nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật, trong đó có loài voọc đầu trắng được xác định là phù hợp nhất cho việc thiết lập một khu vực bảo vệ nghiêm ngặt. Bên trong những chiếc phao quây, mọi hoạt động săn bắt, khai thác bị nghiêm cấm tuyệt đối.

Bà cùng cộng sự của mình đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, giải thích. Ông Nguyễn Hữu Tỉnh – một thợ săn cừ khôi của xã Gia Luận, huyện Cát Hải nói: “Bà Rossi là người nước ngoài mà còn có tinh thần và trách nhiệm cao như vậy trong việc bảo vệ loài voọc thì người địa phương mình cũng cần phải có ý thức và tích cực bảo vệ chúng”. Ông cùng với sáu người dân địa phương đã tình nguyện thành lập đội tự quản để bảo vệ loài voọc đầu trắng. Chỉ được trả có 200 ngàn đồng tiền công cho việc bảo vệ 25 ha rừng, số tiền không lớn, lại vất vả hơn nhưng ông Tỉnh vẫn rất nhiệt tình tham gia công việc này.

Ở quần đảo Cát Bà, có lẽ bà Rossi là một trong rất ít người biết được gần như tất cả các điểm cư trú của các đàn voọc trên một diện tích trải dài đến 50 km2. Từ những chuyến khảo sát hàng tháng trong rừng với các lực lượng kiểm lâm, bà biết rõ số lượng, cấu trúc của từng đàn. Bà nhận thấy số lượng voọc sống rất rải rác trong các đàn, mỗi đàn chỉ có 3 – 7 cá thể, cá biệt có 3 – 4 đàn chỉ có toàn voọc cái nên không thể sinh sản được. Và bà Rossi đã tiến hành một phương án độc đáo, là làm những chiếc cầu tre nối một số hòn đảo với nhau để voọc có thể đi chuyển và sinh sản. Kết quả đã không phụ lòng mong mỏi của bà, từ năm 2000 đến nay, đàn voọc Cát Bà không những được bảo vệ an toàn mà còn sinh sản thêm được bốn con, đưa số lượng đàn voọc lên 63 cá thể.