Phải xét cả ý nghĩa di sản chứ không chỉ giá trị thủy lợi

ThienNhien.Net – Cách đây 10 năm, PGS. TS. Lưu Như Phú (bấy giờ còn là cán bộ Viện Khoa học Thủy lợi, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nay đã nghỉ hưu) đã từng dẫn đầu hàng chục nhà khoa học trong lĩnh vực thủy lợi lên hồ Ba Bể để đo đạc, nghiên cứu xung quanh cái nguy cơ đã trở thành sự thật: “viên ngọc” treo trên núi đá vôi, hồ nước ngọt lớn, được vinh danh trên toàn cầu này đang bị bồi lấp. Những số liệu đã công bố của ông Phú và cộng sự, đến nay vẫn là các kết quả nghiên cứu duy nhất về vấn đề này. Với những tính toán tỉ mỉ, khoa học, chính ông đã “kết án” hồ Ba Bể chỉ còn tồn tại 90 năm nữa nếu không có giải pháp chống bồi lấp. Dưới đây là cuộc trao đổi của ThienNhien.Net với PGS.TS. Lưu Như Phú:


“Nhà nước bỏ tiền ra thì chúng tôi phải dám mạo hiểm cả tính mạng của mình để làm việc chứ”

– Thưa PGS, được biết, cách đây 10 năm, ông đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu về nạn bồi lấp hồ Ba Bể, rồi cảnh báo, có thể 90 năm nữa di sản được loài người xếp vào danh sách 100 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới này sẽ biến mất. Ông có thể nói rõ hơn về điều này? 

PGS.TS. Lưu Như Phú: Năm 1999, sau khi Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Huy Ngọ (nay là nguyên Bộ Trưởng) thị sát hồ Ba Bể về đã giao cho Viện Khoa học Thủy lợi nghiên cứu về hiện tượng bồi lấp của hồ. Về phía Viện đã giao cho tôi làm chủ nhiệm dự án nghiên cứu này. Tôi lập đề cương “Dự án điều tra cơ bản xác định thực trạng, nguyên nhân và định hướng giải pháp chống bồi lắng tại các cửa sông đổ vào hồ Ba Bể” trình lên Bộ đề xuất kinh phí hơn 1 tỷ đồng, thực hiện trong ba năm với 18 công việc chính, Bộ duyệt ngay. Tôi đã huy động những nhà khoa học trình độ cao nhất, những máy móc đo đạc hiện đại nhất về lĩnh vực này lên để thực hiện nghiên cứu.

Ba năm đó, VQG Ba Bể như là nhà của tôi, 60 kiểm lâm viên coi tôi như là anh, là bác. Chúng tôi lập trạm đo đạc thủy văn rồi mỗi ngày nhờ kiểm lâm đo hai lần. Những lúc lũ lớn khẩn cấp cả đoàn chúng tôi lên khoảng hai tuần và chia nhau đo đạc. Thời kỳ đầu chưa có đường phải đi xe ôm lên tít lên đầu nguồn sông Chợ Lèng rồi đi bộ, mãi sau này, người ta tiến hành làm cầu thì mới đi được.

Trong quá trình nghiên cứu, đo đạc đó, cái khó nhất là nghiên cứu về phá rừng. Người dân thường phá rừng ở trên cao, không thể đi hết để đo được, vì thế chỉ có ảnh vệ tinh mới quan sát được đất trống đồi trọc. Chúng tôi đã phải mua ảnh vệ tinh của Mỹ và Nga với giá rất đắt rồi thuê người phân tích để so sánh tốc độ phá rừng ở đây theo các mốc 1970, 1990 và 2000.

– Nhóm nghiên cứu của ông đã thu được kết quả gì sau ba năm nghiên cứu vất vả đó? 

PGS.TS. Lưu Như Phú: Nói tóm lại chuyện bồi lấp ở hồ Ba Bể không chỉ là cái hồ mà là thủy lợi của hai huyện trọng điểm của Bắc Kạn là Ba Bể và Chợ Đồn. Khó nhất của thủy lợi ở đấy là chống ngập úng cho các cánh đồng lớn nhất của Bắc Kạn là Nam Cường rộng hàng trăm ha. Hang Bó Lù cao tới 50m, nơi sơ tán của Đài Tiếng nói Việt Nam trong kháng chiến, nhưng khi mưa lũ dồn về thì dâng nước lên, phải bơi thuyền hết, bùn cát cũng theo đó mà tràn vào hồ Ba Bể. Trong hang máy móc không đo tới được, anh em chúng tôi phải mặc quần đùi chui vào xem tình hình ngập lụt, đường thoát nước, đường thoát bùn như thế nào, vì Nhà nước bỏ tiền ra thì chúng tôi phải dám mạo hiểm cả tính mạng của mình để làm việc.

Đáng lẽ dự án của chúng tôi chỉ dừng lại ở nghiên cứu tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân bồi lấp, nhưng tôi đã cùng anh em làm thêm một bước nữa là lập dự án tiền khả thi chống bồi lấp cho hồ Ba Bể.

Cũng trong thời gian nghiên cứu về hồ Ba Bể, UNESCO Việt Nam đề nghị tỉnh Bắc Kạn lập hồ sơ để công nhận Ba Bể là di sản thiên nhiên thế giới. Vườn Quốc gia Ba Bể đã nhờ tôi lập hồ sơ về hồ Ba Bể. Số liệu về hồ tôi đã lấy từ số liệu nghiên cứu của dự án.

– Giải pháp ông đưa ra để cứu hồ sau rất nhiều công sức bỏ ra để nghiên cứu là gì? 

PGS.TS. Lưu Như Phú: Giải pháp tôi đưa ra là chống lũ cho Nam Cường để không xả đất cát xuống hồ Ba Bể nữa. Muốn chống úng cho Nam Cường phải làm một cái hồ trên sông Bó Lù cách Nam Cường 7km, hồ đó phải cao hơn hồ Ba Bể để tích nước cung cấp cho Nam Cường, chứ không để có bao nhiêu nước tràn về ngập úng Nam Cường nữa. Một hồ khác xây trên sông Tà Han, nối thông hai hồ bằng đường hầm tuy nen dài 3km. Nước hai hồ này được xả qua sông Năng, sau thác Đầu Đẳng chảy về sông Năng, chứ không xả vào hồ Ba Bể nữa vì lượng bùn cát chủ yếu là của hai sông này. Lượng bùn ít ỏi còn lại tràn vào hồ có thể nạo vét được.

Vậy mà dự án đó người ta không làm, lại đưa ra dự án đục thông quả núi để thoát lũ cho Nam Cường. Họ hiểu đơn giản quá, không nghĩ đến chuyện bao nhiêu bùn cát sẽ trôi xuống lấp hồ luôn, mà chỉ nghĩ đến chuyện thoát lũ, mà làm sao cho nổ được hang Bó Lù cao 50m ấy, trên nó là quả núi cơ mà!

(Dự án thoát lũ Nam Cường cuối cùng đã không được thực hiện sau khi Vườn Quốc gia Ba Bể đấu tranh gay gắt. Từ một giải pháp có thể giải quyết được cả hai việc: chống bồi lấp Ba Bể và úng lũ cho Nam Cường của Viện Khoa học Thủy lợi năm 2003 do PGS Phú đề xuất nhưng không được duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lại yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Kạn xây dựng thành hai dự án riêng: phân lũ cho Nam Cường và chống bồi lấp hồ Ba Bể – PV).

Nếu phá rừng nhiều hơn, thời gian để Hồ Ba Bể biến mất có thể còn không đến… 90 năm nữa!

– Sau ba năm nghiên cứu, ông đã “kết án” hồ chỉ còn 90 năm tồn tại nếu không có giải pháp chống bồi lấp. Liệu kết luận đó có quá vội vàng không, thưa PGS? 

PGS.TS. Lưu Như Phú: Sau khi thu thập được các số liệu, chúng tôi dùng phương pháp mô hình toán để phân tích, sử dụng phần mềm của Đan Mạch hỗ trợ để tính ra tốc độ xói mòn và dự báo, so sánh. Dựa vào tốc độ xói mòn bồi lấp mạnh mẽ trong giai đoạn 1990-2002, có thể tính ra khoảng 90 năm nữa hồ Ba Bể sẽ bị lấp đầy. Đó là với tốc độ phá rừng của thời điểm đó, còn nếu phá rừng mạnh hơn, thời gian có thể còn ngắn hơn nữa. Giải pháp cứu hồ mà tôi đưa ra trong dự án tiền khả thi có thể giúp kéo dài tuổi thọ của hồ lên 400 năm, thế cũng là được rồi.

– Mặc dù thế, vẫn có nhiều người nghi ngờ rằng dự án của ông chưa nghiên cứu đầy đủ địa hình kart của lòng hồ. Hồ Ba Bể đã tồn tại hàng nghìn, hàng triệu năm mà không bị bồi lấp, biết đâu dưới hồ có những hang động mà đất bồi lấp có thể theo đó trôi ra cửa sông chứ không đọng lại ở hồ. Ông suy nghĩ gì về ý kiến này? 

PGS.TS. Lưu Như Phú: Những người nói như thế là họ không hiểu chúng tôi đã nghiên cứu như thế nào. Lòng hồ Ba Bể chúng tôi đo bằng máy siêu âm hiện đại và vẽ ra từng mét một, từng khe kẽ. Hồ đã bị bồi lấp hàng trăm năm nay, bồi lấp như thế nào chúng tôi có hết, kết quả đầy đủ cả ba năm. Hồ như cái bể, có dung tích từng năm thì sẽ chia ra bao nhiêu năm thôi, tất nhiên còn phụ thuộc vào xói mòn, mưa rào, phá rừng…

Kết quả nghiên cứu của dự án đó, tôi đã báo cáo tỉnh, Bộ, các Hội nghị khoa học và được đánh giá rất cao. Hội đồng đánh giá nghiệm thu do Bộ lập có 9 người thì 7 người cho xuất sắc, hiếm có dự án nào được như vậy. Sau đó Bộ còn duyệt cho dự án giai đoạn 2 thêm hai năm nữa với kinh phí 700 triệu đồng để tiếp tục nghiên cứu về bồi lấp của hồ.

Xin đừng đưa ra thêm những “đề án” lặp lại và lãng phí!

– Ông có thể tiết lộ vì đâu mà đề án tiền khả thi với đề xuất 263 tỷ chống bồi lấp hồ Ba Bể ngày đó đã không được duyệt? 

PGS.TS. Lưu Như Phú: Vì tỉnh Bắc Kạn nghèo quá. Tôi đã từng làm những dự án thủy lợi lớn trị giá 500 tỷ đồng ở nhiều tỉnh khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn duyệt ngay vì nó mang lại hiệu quả kinh tế. 95% kinh phí của Bộ là đầu tư vào thủy lợi vì thủy lợi cần số tiền rất lớn và đầu tư thủy lợi phải có hiệu quả suất đầu tư. Trong đầu tư thủy lợi, hồ thì phải sinh ra điện hoặc tưới tiêu cho nông nghiệp được bao nhiêu ha, mà hồ Ba Bể chỉ tưới cho 140 ha đất thôi, chỉ đáng đầu tư vài chục tỷ, trong khi dự án lại đề xuất vài trăm tỷ đồng. Nhưng Bộ đã không tính đến rằng, đó là một di sản thiên nhiên, một thắng cảnh có giá trị quốc tế cần phải bảo vệ đặc biệt.

– Hiện tại, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Kạn đang tiếp tục xây dựng một dự án chống bồi lấp hồ Ba Bể. Theo ông, họ cần phải làm gì? 

PGS.TS. Lưu Như Phú: Nghiên cứu về bồi lấp hồ Ba bể của tôi đã rất tỉ mỉ, khoa học, trang thiết bị rất hiện đại, được Bộ cung cấp rất nhiều tiền, hồ sơ kết quả điều tra chất đầy bàn, đầy tủ… Ai nghiên cứu tiếp thì trước hết phải dựa vào đó thôi. Mà ai còn làm hơn được? Ai làm gì đấy là một sự lặp lại quá ư lãng phí. Nếu lập lại dự án thì trình độ người đó phải hơn chúng tôi, phải thuê chuyên gia nước ngoài đến, chứ còn cán bộ thủy lợi của tỉnh thì chỉ là … học trò của chúng tôi. Dự án mới đó nếu có gì khác, mới mẻ tôi sẵn sàng góp ý, còn thô sơ quá thì để làm gì?

Theo tôi, việc làm cần thiết bây giờ là phải tiếp tục đấu tranh để hoàn thiện đề án tiền khả thi kia, chứ tài liệu cơ bản, nghiên cứu khoa học đã xong hết. Để có dự án khả thi thì phải mất thêm vài tỷ đồng nữa để đưa máy lên khoan địa chất, đo đạc cụ thể, tính toán chi tiết hơn.

– Xin cảm ơn PGS!


Một số hình ảnh về hồ Ba Bể, chụp tháng 3/2010 (Nguồn: ThienNhien.Net):

 

 

 

 

 

Sau một năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn viết lại dự án chống bồi lấp hồ Ba Bể, Sở mới chỉ thành lập được các tiểu ban. Các đơn vị như: Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão, Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên – Môi trường… đều tham gia xây dựng dự án.

Ông Hà Kim Oanh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão cho biết, tiểu ban do ông phụ trách được giao viết về phần thủy lợi của dự án này. Mọi việc lại làm từ đầu, và ông chỉ mới đang nghiên cứu tìm hiểu về bồi lấp ở Ba Bể rồi mới có thể đưa ra giải pháp được. Mặc dù chưa viết thành văn, nhưng theo ông Oanh, nội dung chủ yếu của dự án chỉ xoay quanh việc trồng rừng, ổn định dân cư để hạn chế chặt phá rừng nhằm giải quyết bài toán lâu dài giảm bồi lắng vào lòng hồ. Ông Oanh nói, ông chưa hề được đọc dự án nghiên cứu bồi lấp Ba bể lần trước, nếu có thì ông sẽ tham khảo (?).


Chống bồi lắng hồ Ba Bể: Cần chờ đến bao giờ?