Đập thủy điện làm trầm trọng thêm vấn đề nước nhiễm asen ở Campuchia

ThienNhien.Net – Việc phát triển các công trình sử dụng nguồn nước, đặc biệt là đập thủy điện, đang làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm asen (thạch tín) trong nước ngầm ở Campuchia. Đó là khẳng định được đưa ra trong nghiên cứu của Đại học Stanford mới được công bố trên Tạp chí Nature Geoscience.

Mục đích của nghiên cứu là để tìm hiểu về tình trạng nguồn nước bị nhiễm độc asen ở Campuchia và một số khu vực khác ở Nam và Đông Nam Á.

Một người đàn ông ở làng Prek Russey, huyện Kandal, tỉnh Koh Thom, Campuchia khoe vết loét ở tay do nhiễm độc asen (Ảnh: Heng Chivoan/Phnom Penh Post)
Một người đàn ông ở làng Prek Russey, huyện Kandal, tỉnh Koh Thom, Campuchia khoe vết loét ở tay do nhiễm độc asen (Ảnh: Heng Chivoan/Phnom Penh Post)

Sau khi thực hiện một loạt thí nghiệm ở khu vực đất ngập nước thuộc tỉnh Kien Svay, Campuchia, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nước ở các khu vực đất ngập nước có trải qua các chu kỳ tự nhiên theo mùa mưa và mùa khô thì hoàn toàn không có asen hoặc nếu có thì cũng ở mức rất thấp; ngược lại, ở những vùng đất ngập nước quanh năm, các vi khuẩn sẽ sản sinh ra nhiều asen trong nước hơn.

Theo Giáo sư Scott Fendorf, Khoa Khoa học Trái Đất, Năng lượng và Môi trường, Đại học Stanford, những phát hiện của nghiên cứu có thể giúp dự đoán được những tác động của các dự án thay đổi chế độ thủy văn đối với nồng độ asen trong nước ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Trong khi đó, nồng độ asen trong nước ở các khu vực này vốn đã thường xuyên cao hơn 20 đến 100 lần mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đập thủy điện Kamchay (tỉnh Kampot) là thủy điện lớn đầu tiên ở Campuchia, chính thức đi vào hoạt động vào năm 2011, một số các đập khác cũng đang được lên kế hoạch trên sông Mê Công. Theo nhà khoa học, chính phủ Campuchia vẫn chưa đánh giá được đầy đủ các tác động về môi trường và xã hội của các dự án thủy điện.

Một người đàn ông đang bơm nước ở một khu vực được xác định là bị ô nhiễm asen thuộc tỉnh Kanda, Campuchia (Ảnh: Heng Chivoan/Phnom Penh Post)
Một người đàn ông đang bơm nước ở một khu vực được xác định là bị ô nhiễm asen thuộc tỉnh Kanda, Campuchia (Ảnh: Heng Chivoan/Phnom Penh Post)

Nhiễm asen trong nước ngầm ở Campuchia là vấn đề đã tồn tại từ lâu. Theo ước tính của UNICEF, khoảng 2,25 triệu người Campuchia có nguy cơ bị ngộ độc asen; báo cáo năm 2013 của Tổ chức này cho biết hơn 500 trường hợp bị bệnh nan y, trong đó nhiều trường hợp phải cắt bỏ chi hoặc tử vong do sử dụng nước có nhiễm độc asen. Còn theo nghiên cứu của Đại học Stanford, hơn 100 triệu người Nam Á và Đông Nam Á đã bị ngộ độc do uống nước nhiễm asen.

Ở Campuchia, asen nhiễm vào nước do phân tách từ các hợp chất oxit sắt bị rửa trôi từ dãy Himalaya. Những hợp chất oxit sắt sau khi bị rửa trôi sẽ tích tụ ở các vùng đồng bằng, vùng đất trũng dưới dạng trầm tích. Trong nước, ở trong tình trạng thiếu oxy, vi khuẩn trong các lớp trầm tích sẽ phá vỡ cấu trúc phân tử, tách asen từ các oxit sắt và chuyển vào nước ngầm. Nếu vùng đất ngập nước được trải qua mùa khô, các vi khuẩn sẽ tiêu thụ tất cả các thực phẩm có sẵn, hấp thụ đầy đủ oxy, loại trừ nguy cơ phá vỡ các oxit sắt chứa asen của vi khuẩn. Ngoài ra, sang mùa mưa, vi khuẩn có thể không còn gì để ăn, như vậy cũng sẽ không có năng lượng để thực hiện quá trình tách asen ra khỏi oxit sắt. Để có bằng chứng khoa học, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một thí nghiệm trong đó chuyển một khu vực nhỏ ngập nước theo mùa thành ngập nước vĩnh viễn. Kết quả đúng như dự đoán, nồng độ asen trong nước của khu vực đã tăng lên.

Hưởng ứng kết quả nghiên cứu, ông Steven Iddings, người đứng đầu Ban Bệnh không truyền nhiễm và Sức khỏe môi trường của WHO tại Campuchia cho rằng sự phát triển của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công đang làm trầm trọng hơn các vấn đề sức khỏe liên quan tới nhiễm độc asen của nước này. Việc xây dựng các đập thủy điện kết hợp với biến đổi khí hậu sẽ làm thay đổi chế độ thủy văn của Campuchia theo cách làm phát thải nhiều asen vào nước ngầm hơn. Và phát thải asen chính là tác động tiềm ẩn của việc xây dựng thủy điện và biến đổi khí hậu.