Cơ chế vận hành REDD

ThienNhien.Net – Việc đưa Sáng kiến giảm thiểu phát thải do mất rừng và suy thoái rừng – REDD – vào hiệp ước chống biến đổi khí hậu mới thay thế cho nghị định thư Kyoto (sẽ hết hiệu lực vào năm 2012) hiện vẫn đang được xem xét, dự kiến sẽ được kết luận tại hội nghị các nước thành viên công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được tổ chức tại Mexico (COP 16) trong năm nay. Xin giới thiệu với bạn đọc một số thông tin về cơ chế hoạt động của REDD hiện đang được đề xuất.

Các nội dung chính đang được thảo luận để đưa ra cơ chế hoạt động cụ thể cho REDD bao gồm: Phạm vi các hoạt động, Các vấn đề về tài chính và phân bổ tài chính, Phương pháp định lượng, Đánh giá tác động.

REDD

                                                               Sơ đồ cơ chế thực thi REDD đề xuất

Phạm vi

Các hoạt động phục vụ cho mục tiêu bảo vệ rừng bao gồm ngăn chặn nạn phá rừng, hạn chế tốc độ suy thoái và thực hiện các chương trình tăng cường quản lý, bảo tồn, trồng rừng. Thời gian đầu, các hoạt động ngăn chặn phá rừng được quan tâm nhiều hơn. Song, sau này các bằng chứng khoa học cho thấy suy thoái rừng làm phát thải một lượng lớn khí nhà kính. Hiện nay, ngăn chặn phá rừng và hạn chế suy thoái rừng được xem là những ưu tiên trước mắt và sẽ được đưa vào phạm vi hoạt động của REDD.

Nhiều ý kiến khác trong hội nghị các nước tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu cho rằng các hoạt động như tăng cường quản lý, bảo tồn, trồng rừng cũng cần được đưa vào khung thực hiện.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi về mặt chính trị cũng như đảm bảo khoảng thời gian cần thiết cho các nước đang phát triển tăng cường năng lực về định lượng giảm thải, trước mắt REDD chỉ đề cập đến 2 hoạt động là giảm thiểu phát thải do phá rừng và suy thoái rừng.

Các vấn đề về tài chính

Nguyên tắc tài chính chung của REDD là các nước phát triển chi trả tài chính cho các nước đang phát triển để bảo vệ rừng. Các nước nhận được chi trả tài chính có trách nhiệm thực hiện các chương trình/dự án để hạn chế nạn phá rừng và suy thoái rừng trong phạm vi quốc gia.

Hiện nay có 2 cơ chế chi trả tài chính được đề xuất. Cơ chế thứ nhất được đề xuất dựa trên nguyên tắc của thị trường các bon. Cơ chế thứ hai là dựng quỹ để thực hiện các dự án bảo vệ rừng.

Có nhiều ý kiến cho rằng cả hai cơ chế này đều nên được áp dụng tùy thuộc tính chất của từng hoạt động. Cơ chế dựng quỹ phù hợp với các hoạt động như tăng cường năng lực về quản lý rừng, giám sát thực thi chính sách….Cơ chế thị trường các bon có thể được sử dụng để nhân rộng quy mô thực thực thi các hoạt động REDD.

Định lượng

Theo cơ chế của thị trường các bon, để nhận được chi trả tài chính, các nước đang phát triển phải định lượng được mức độ giảm thải CO2 trong phạm vi quốc gia hoặc trong một vùng nào đó.

Đến nay, phương pháp chuẩn để định lượng mức độ giảm thải cho các nước tham gia REDD chưa được thống nhất. Nhiều quốc gia như Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mexico…cho rằng mức độ giảm thải khí nhà kính có thể được tính toán dựa trên các số liệu sẵn có về phát thải và hệ số hiệu chỉnh về mức độ phát triển. Mức độ giảm thải khí nhà kính có thể được định lượng theo quy mô quốc gia hoặc quy mô vùng.

Tuy nhiên, theo xu hướng của các cuộc đàm phán gần đây, việc định lượng có thể được thực hiện ở cấp quốc gia. Định lượng quy mô vùng sẽ được áp dụng trong trường hợp quốc gia không có khả năng đưa ra phương pháp và số liệu phù hợp cho việc tính toán lượng tổng lượng giảm thải.

Mối liên hệ giữa REDD và chống biến đổi khí hậu

Rừng giữ ổn định hàm lượng CO2 trong khí quyển nhờ quá trình quang hợp của quần thể thực vật (quá trình chuyển hóa CO2 từ không khí thành các hợp chất hữu cơ). Khi rừng bị phá hoặc bị suy thoái, vai trò này mất đi và chu trình tuần hoàn các bon trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, quá trình suy thoái rừng (chẳng hạn cháy rừng) còn phát sinh một lượng lớn khí nhà kính qua phản ứng cháy hoặc phản ứng phân hủy các hợp chất hữu cơ từ mô thực vật.

Số liệu nghiên cứu cho biết mất rừng và suy thoái rừng phát sinh khoảng 18% tổng lượng phát thải CO2 trên toàn cầu. Đề xuất việc thực hiện REDD, người ta hy vọng sẽ hạn chế phần nào biến đổi khí hậu.

Phân bổ lợi nhuận

Đối tượng của REDD là các nước đang có nạn phá rừng ở quy mô lớn. Nguyên tắc của REDD là chi trả tiền đền bù cho các nước đó đề chấm dứt nạn phá rừng. Câu hỏi đặt ra là các nước có diện tích rừng bao phủ lớn và tệ nạn phá rừng chưa diễn ra ở quy mô lớn (HFLD) sẽ được hưởng lợi ích gì trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu?

Một số ý kiến trong hội nghị cho rằng một phần lợi nhuận từ việc thực thi REDD cần chuyển cho các nước HFLD. Việc chuyển lợi nhuận này có thể được thực hiện dựa trên cơ chế là trích tỷ lệ nhất định hoặc dựng quỹ hỗ trợ các nước HFLD thực hiện các chương trình bảo tổn.

Cơ chế hoạt động hoàn chỉnh và các điều khoản của REDD sẽ được kết luận tại hội nghị lần thứ 16. Ngoài các nội dung cơ bản trên, một số vấn đề liên quan như đa dạng sinh học, quyền của người dân tộc thiểu số trong việc thực thi REDD cũng sẽ được đề cập và đưa vào REDD.