Họa "ông hỏa" rình rập khắp Bắc, Nam

ThienNhien.Net – Số liệu của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết năm 2009 cả nước bị cháy 1.557,20ha rừng. Còn theo Tổng cục Thống kê, chỉ trong hai tháng đầu năm 2010, đã có 1.210,8ha rừng trên toàn quốc bị thiệu rụi. Cháy rừng đang là hiểm họa thực sự trong thời kỳ cao điểm này, chỉ một chút chủ quan, chậm trễ, "giặc" lửa có thể phá hủy những cánh rừng rộng lớn, gây ra thiệt hại khôn lường về kinh tế, môi trường.


Cấp bách phòng, chống hạn hán và cháy rừng

Nguy cơ cháy rừng “thường trực” nhiều nơi
 
Bước vào những ngày đầu năm mới 2010, từ những tỉnh địa đầu như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang cho đến vùng Đất Mũi tận cùng tổ quốc, nỗi lo cháy rừng luôn làm đau đầu chính quyền các cấp, và nhân dân địa phương. Trên phạm vi cả nước, đã nhiều tháng nay lượng mưa không đáng kể trong khi đó, nhiệt độ trong không khí cao hơn mức bình thường nhiều năm, độ ẩm trong khí thấp làm cho nhiều cánh rừng luôn luôn trong tình trạng báo động “đỏ” về nguy cơ cháy rừng.

Mới đây nhất, ngày 27/2/2010, tại tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra 10 vụ hỏa hoạn, trong đó có 5 vụ cháy rừng, thiêu rụi khoảng 11ha rừng. Vụ cháy rừng lớn nhất ở thôn Nà Váng, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, phá hủy 4ha rừng.

Láng giềng của tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Cao Bằng cũng xuất hiện vụ cháy rừng lớn, kéo dài hai ngày (ngày 26 – 27/2), phá hủy tới khoảng 130ha rừng, chủ yếu là rừng mới trồng.

Có thể nói, hiện tại, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nguy cơ cháy rừng đang ở mức báo động với hầu hết các tỉnh, trong khi đó tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn cảnh báo cháy rừng đã ở mức nguy hiểm.

Ở phía Nam, khu vực Tây Nguyên – “Kho vàng xanh” của cả nước cũng đang từng ngày bị “giặc” hỏa rình rập, khi nguy cơ cháy rừng ở Gia Lai, Lâm Đồng được đặt ở mức đặc biệt nguy hiểm.

Cháy rừng cũng đang là nỗi lo thường trực của nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhất là ở những tỉnh có diện tích rừng tràm phong phú như vùng U Minh của 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang.

Vượt khỏi đất liền, nguy cơ cháy rừng cũng đang báo động ở huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Những cánh rừng tại Hòn đảo du lịch này cũng đang trong cảnh “khô khát” nghiêm trọng. Sau tết Canh Dần, uỷ ban nhân dân huyện Phú Quốc đã khẩn trương chỉ đạo các ngành chuyên môn, Ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy địa phương triển khai các phương án phòng chống cháy rừng trong mùa khô 2009 – 2010. Hơn 30 máy bơm chữa cháy cố định và cơ động, gần 1.000 bình chữa cháy các loại, 5 giếng khoan công nghiệp, 3 đập nước tại các suối… đã được huyện đảo du lịch này chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất xảy ra.

Căng mình chống giặc lửa

Ngày 12/02/2010, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số: 270/CT-TTg Về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng, trong đó quy rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: “Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Nếu để xảy ra cháy rừng tại địa phương nào thì trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”…

Tiếp sau đó, ngày 15/02/2010, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cũng ra Công điện số 08/CĐ-BNN-KL yêu cầu UBND các tỉnh Gia Lai, ĐăkLăk, Đăk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế gấp rút chỉ đạo quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, đặc biệt lưu ý kiểm soát việc đốt nương làm rẫy trên địa bàn, đồng thời bào báo cáo kịp thời lên Ban chỉ đạo nếu địa phương xảy ra cháy rừng.

Theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ và của Ban chỉ đạo Trung ương, nhiều tỉnh, thành phố đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lực lượng phòng, chống cháy rừng ở địa phương mình.

Hải Phòng – một thành phố ven biển của đồng bằng sông Hồng, UBND thành phố cũng ra chỉ thị phân định nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành của thành phố, cho UBND các quận, huyện thực hiện các biện pháp nhằm phòng, chống cháy rừng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến bảo vệ an toàn Vườn Quốc gia Cát Bà – một khu rừng đặc dụng của Việt Nam, thuộc huyện Cát Lái.

Phòng cháy rừng, bên cạnh việc giữ nước, chuẩn bị các điệu kiện chữa cháy (nếu xảy ra), một số địa phương đã chủ trương dừng những hoạt động diễn ra ở nơi có nguy cơ hỏa hoạn cao, thể hiện sự quyết tâm bảo vệ rừng và hệ sinh thái rừng. Đó cũng chính là biện pháp mà UBND tỉnh Bạc Liêu áp dụng khi quyết định tạm thời đóng cửa vườn chim Bạc Liêu (phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu), ngừng các hoạt động đón khách du lịch tham quan nhằm bảo đảm tổt nhất vườn chim nổi tiếng này.

Có thể nói, dư âm vụ cháy rừng nghiêm trọng ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên – Sa Pa (tỉnh Lào Cai) trong dịp tết Canh Dần là một tiếng chuông cảnh tỉnh rộng khắp và là bài học kinh nghiệm đắt giá cho tất cả những địa phương có rừng: Kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt từ ban đầu, ngay từ khâu phòng cháy, vì trong hỏa hoạn, khoảng cách giữa cái “sảy” và cái “ung” thật khó mà lường trước!