Quảng Nam: Sông Trường Giang bị bức tử

Theo nhiều nguồn thông tin, Nhà máy thuỷ sản Núi Thành – thuộc Công ty cổ phần (CP) xuất nhập khẩu (XNK) thuỷ sản Quảng Nam – bị buộc tạm dừng hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện dòng sông Trường Giang của tỉnh này cũng đã "quá tải" vì phải gánh hậu quả từ tình trạng phát triển nông công nghiệp (CN) và hồ tôm.

Hồ tôm lấn sông

Sông Trường Giang chảy ngang ven biển từ huyện Núi Thành ra đến biển tại thị xã Hội An. Dòng sông vừa là tuyến đường thuỷ nội địa thuận tiện theo chiều nam – bắc duy nhất ở tỉnh, vừa là “nồi cơm” của hàng chục ngàn hộ dân sinh sống ven sông. Thế nhưng, hiện dòng sông ngày càng ô nhiễm, hẹp dòng, môi sinh bị hủy diệt.

Đầu tiên phải kể đến tình trạng nuôi tôm tự phát ven sông. Người dân các huyện từ Núi Thành qua Thăng Bình đến Duy Xuyên mạnh ai nấy đào ao nuôi tôm, lấn cả dòng chảy của sông. Nước hồ tôm xả ra cũng sông Trường Giang, mà hút vào cũng từ sông Trường Giang, khiến nạn ô nhiễm môi trường nước trầm trọng, dẫn đến tôm chết hàng loạt năm nào cũng tái diễn. Năm 2007, theo thống kê của ngành thuỷ sản, khoảng 2.500ha tôm sú thì hết 500ha phải “thu hoạch sớm” do dịch bệnh, thất thu 11% sản lượng.

Hết tôm sú bức tử dòng sông, đến lượt phong trào nuôi tôm trên cát, và nay đang “nóng” là nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm 2007, có đến hơn 100ha ao nuôi “thử nghiệm”. Tại xã Tam Hoà, huyện Núi Thành, hàng chục hộ dân triệt hạ rừng dương, đắp hồ nuôi tôm kiểu mới. Nước thải từ các hồ tôm không được xử lý, vô tư thải ra môi trường, đổ vào sông Trường Giang.

Túi chứa chất thải công nghiệp

Tình trạng phát triển CN khá nóng ở khu vực vùng cát ven biển thời gian qua đã kéo theo những hệ luỵ môi trường, mà sông Trường Giang phải “gánh” cả. Đặc biệt, với việc thiếu kiểm soát vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường của các cơ sở CN ở Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, đã khiến khu vực này trở thành “điểm nóng” kiện tụng, trong đó có kiện tụng do môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ông Phan Như Diễn – Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp: “Trước đây, toàn xã có 207 hộ nuôi tôm, với tổng diện tích 160ha ao nuôi. Từ ngày mở ra các khu CN Tam Hiệp, Bắc Chu Lai, diện tích này thu hẹp lại còn khoảng 115ha. Từ vụ 2 năm 2006, chỉ còn khoảng 40ha được nuôi tôm, tất cả cũng đều là do môi trường ô nhiễm mà thôi”.

Ngoài ra, hàng loạt cơ sở công nghiệp, cơ sở khai thác titan tràn lan thiếu kiểm soát về môi trường cũng đang từng ngày bức tử sông Trường Giang.