Nhớ trời ban Tây Bắc Mường Lò

Xuân về, đất trời Tây Bắc Mường Lò lại dậy lên âm hưởng của một làn điệu Thái thiết tha: "Muốn chơi hãy chơi khi mùa ban nở; Muốn vui hãy vui khi mùa ban chưa tàn". Song chừng như nó chỉ còn là tiếng vọng của dĩ vãng trong một nỗi nhớ mênh mang dội về từ quá khứ.

Xuân này, ban vẫn còn e ấp, trốn tìm giữa rạo rực hoa đào, hoa mận. Và xuân này đã là cái xuân thứ bao nhiêu người Thái vùng lòng chảo Mường Lò chỉ còn vui lễ hội hoa ban trong hồi tưởng? Đó là một câu hỏi buồn.

Mường Lò mờ xa

Mới nghe có lễ hội hoa ban của người Thái ở giữa vùng lòng chảo Mường Lò, chúng tôi vội ngược nguồn Tây Bắc tìm về. Đúng là có một lễ hội như thế thật. Song có điều là, nó chỉ từng diễn ra ở trong quá vãng. Và lần cuối cùng người ta được nghe thấy bài cúng “só khai tu Thẳm Lé” (bài cúng xin mở cửa hang Thẳm Lé khai hội, để bà con từ khắp các bản mường vào chơi); được hoà mình vào giữa làn điệu Han Nê (điệu múa hát riêng của lễ hội này, cũng gọi là điệu Thẳm Lé) mềm mại, uyển chuyển; được náo nức rủ nhau đi hái hoa ban trong nghi lễ núi rừng… đã cách nay đúng tròn 50 năm.

Háo hức trong chuyến hành trình về cội nguồn Tây Bắc này không chỉ vì vẻ đẹp nguyên sơ vốn có của những lễ hội nơi núi thẳm, rừng sâu. Mà còn bởi nó gắn liền với một thiên tình sử trong trắng đến tinh khiết được truyền kể trong truyện cổ của người Thái ở tam tổng Mường Lò xưa. Nó đồng thời còn là lời lý giải cho tên gọi của một loài hoa mượt mà trong những vần thơ, câu hát đẹp nhất: Hoa ban. Chuyện về thiên tình sử kia, có thể đang còn tồn tại nhiều típ chuyện, người này truyền người kia lại sinh tam sao thất bản, song vẻ đẹp nguyên khôi thì chung có một.

Xin mạn phép được kể ra sau đây câu chuyện của ông Lò Văn Biến – người bản Căng Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ. Theo ông Biến, từ xửa xưa, có nàng Khôm sinh ra trong phận nhà nghèo và chàng Tào Nu sinh ra trong giàu sang. Gia cảnh khác biệt, nhưng họ lại đem lòng yêu nhau. Thế nhưng, nhà Tào Nu không chấp nhận cho “đôi đũa lệch”. Yêu nhau mà không lấy được nhau, hai người rủ nhau lên hang Thẳm Ngoạng (theo tiếng Thái nghĩa là hang Rừng Ve, tức Thẳm Lé bây giờ) tâm sự. Phải chăng câu chuyện buồn giữa họ càng khoét thêm mối tương tư trong chàng Nu, mà về nhà chàng đổ bệnh nặng. Rồi Nu chết, biến thành con Tô Mánh Lúk (giống con ve nhưng kêu to hơn) cứ suốt ngày ra rả than thở cho phận tình duyên bạc bẽo.

Buồn nhớ, thương cảm, Khôm cũng theo chân Nu khuất phía mường trời rồi hoá thân thành một loài hoa xuân tuyệt diệu mọc tràn khắp núi rừng. Thứ gì đẹp đẽ nhất, ngọt ngào nhất theo tiếng Thái đều được gọi là ban. Thế nên gọi hoa ban là để tôn vinh người con gái xinh đẹp, nết na. Loài hoa cũng là để ngợi ca mối tình đôi nam nữ. Nó tinh khôi như cánh ban trắng. Nó son sắc như cả chùm ban tím điểm. Ông Biến trích lời lý giải của ông Cầm Biêu – nguyên Giám đốc Ty Văn hóa thể thao (VHTT) Khu tự trị Thái Mèo – về màu tím điểm hoa ban rằng: Họ nhà Khôm ép gả nàng cho một chàng trai khác. Nàng không chịu, chạy băng qua những bãi cỏ bụi cây hoang rậm vào rừng, gai góc cào cấu khiến dòng máu chảy đỏ biến thành màu tím thuỷ chung…

Thường lệ mùng 05/02 âm lịch ngày trước, người Thái khắp tam tổng Mường Lò lại tìm về Thẳm Lé (giờ thuộc xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn) dự lễ xin mở cửa hang. Một ông mo cầu khấn: “Mường Lò rộng nhiều cánh đồng; Mường Lò rộng xa như nếp nghĩ; Núi tiếp núi lô nhô, vách đá dựng nên hang; Phía tay trái trâu đá to nằm phục; Lễ đặt đây: Hang ăn trước, trâu đá ăn sau; Mời bốn phương trời, mười phương đất cùng ăn. Xin mở cửa hang cho bà con dân bản, cho trai gái vào chơi hang”. Rồi cứ các ngày 5, 10, 15, 20, 25 trong liền tháng 2, tháng 3 âm lịch, dân bản, đặc biệt là các đôi nam thanh, nữ tú lại ùa nhau về cúng lễ, vui hội mà đợi chờ nhất có lẽ chính là màn rủ nhau đi hái hoa ban. Từng tốp dăm ba đôi trai gái, con trai trèo lên cây, con gái đứng dưới hứng ớp (giỏ) đón hoa.

Mùa xuân rộn ràng suốt 3 tháng. Tình duyên ấp ủ những ngày này. Không thiêng liêng như các lễ hội Xên Mường, Xên Bản, Xên Hươn…, song lễ hội hoa ban vẫn luôn được chờ mong. Bởi ngoài việc tưởng nhớ nàng Khôm, chàng Nu thì chính là ngày dân bản gặp gỡ trong những “tháng ăn chơi”. Người ta chúc nhau sức khoẻ cho một năm làm ăn tốt lành, bởi từ tháng tư ban rụng lại là những tháng ngày quần quật ruộng nương. Các đôi trai gái đã sẵn ý tình thì mong được loài hoa đẹp se duyên. Không biết bao đôi trai gái đã nên vợ thành chồng qua những chùm ban như thế. “Ta yêu nhau khi ban còn đơm nụ; Ta yêu nhau khi ban nở trên cành” (trích tình ca Thái)…

 
Phụ nữ Thái với những cánh hoa ban đầu tiên của xuân này.

Thi sĩ tóc trắng buồn giữa cánh đồng xuân

Trong ký ức của những người tóc đã ngả màu ban trắng, lễ hội hoa ban thật là những ngày nô nức. Nhưng là của những 50 năm trước. Chẳng trách suốt dọc đường từ Văn Chấn vào Nghĩa Lộ, bao nhiêu người được hỏi, cả những người Thái nữa, không hề biết. Lục cục tìm tới Phòng VHTT huyện Văn Chấn, anh Hoàng Hải Long – Phó trưởng phòng – cũng ngẩn ngơ. Cả anh Nguyễn Xuân Hồng – cán bộ văn hoá của phòng, người được cho là có thông tin về lễ hội – cũng chỉ còn mang máng. Lục số điện thoại, gọi điện, mãi rồi cũng được giới thiệu tìm tới nhà ông Lò Văn Biến. Lời ngợi tụng quả là không quá đáng: Ông là pho sử sống của cộng đồng người Thái đen, có lẽ là khắp cả vùng Mường Lò này.

Năm nay, ông Biến đã bước sang tuổi 75. Mái tóc dài chỉ còn một màu sương núi, cũng đẹp như màu trắng hoa ban. Cuộc đời con người này, có lẽ để ra ngọn ra ngành thì phải viết cả một truyện dài. Song có thể phác thảo một vài nét đại khái thế này. Ông là người chính gốc ở bản Căng Nà (theo tiếng Thái nghĩa là bản nằm lọt thỏm giữa cánh đồng rộng lớn), nơi mà ông một mực khẳng định người Thái Mường Lò đầu tiên đã ở đó, từ gần một thế kỷ trước tới nay. Lên 7 tuổi, ông nằng nặc đòi mẹ cho đi học tiếng Thái cổ. Liền 7 đêm, ông vác 7 bung thóc (1 bung bằng 15 cân gạo) tới nhà ông mo Lò Văn Phớ để học chữ. Thầy thì cứ vừa đun bếp, vừa đan chài, vừa lấy than củi viết chữ lên chiếc mo cau, mặc 3 đứa học trò bắt chước rồi tự nhớ. Hai người kia đến đêm thứ ba dở chừng là bỏ.

Riêng ông Biến học hết 5 đêm chữ cái, lại cả 2 đêm đánh vần. Thế mà rồi ông nắm hết được chữ nghĩa Thái cổ; lại như ngấm vào máu những câu chuyện kể, những điệu khèn, pí thia, pí ló, pí pặp, tính tẩu… được nghe. Ý thức tìm tòi, gìn giữ những giá trị văn hoá của cộng đồng dân tộc Thái luôn cháy trong ông như một ngọn lửa suốt những tháng năm đi dọc mảnh đất địa đầu Tây Bắc trong nhiều vai trò. Có khi là thầy giáo, khi là nhà thơ, khi là anh cán bộ văn hoá.

Cả những đận hơn ba năm ròng (từ 1953 tới 1957), ông lội bộ 7 ngày trời với chiếc ba lô nặng 20 ký vượt rừng đi học ở Trường Sư phạm khu tự trị Thái Mèo bên Sơn La, từng giáp mặt với hổ, với báo rồi về làm Hiệu trưởng Trường cấp 1 Than Uyên (1958 – 1962); phụ trách ca nhạc Đài phát thanh Tây Bắc (1965 – 1972); Trưởng ban VHTT tiểu khu 5 thị xã Nghĩa Lộ (từ 1972)… Những năm tháng ấy, bàn chân ông có dịp tới khắp các nẻo rừng xa xôi, đôi mắt tỉ mỉ thu lượm các giá trị văn hoá vĩnh hằng của dân tộc mình. Thế là đôi bàn tay ông bắt đầu viết nhạc, làm thơ, ghi chép nghiên cứu…

Đến mùa xuân này, trong căn nhà sàn khoáng đãng, ông đã có cho riêng mình 3 hòm đầy tư liệu văn hoá Thái. Vì thế mà bất kỳ ai muốn nghiên cứu văn hoá Thái Mường Lò cũng đều phải tìm tới cậy nhờ ông cả. Hàng trăm bức ảnh của những cuộc gặp gỡ trao đổi được dán chi chít lên bốn bức tường như là một minh chứng.

Cũng chính xuất phát từ tâm thức của một người mê mải với quê hương, cho nên ông Biến là người buồn hơn ai hết khi lễ hội hoa ban chẳng còn. Đôi mắt ông rực lên mỗi khi ngâm những vần thơ ngợi ca những cánh hoa ban trong trắng. Cái thứ hoa “đặc sản” của Tây Bắc kia dường như đã trở thành biểu trưng của các bản người Thái, cũng giống như hoa đào trong các bản người Mông, người Dao.

Rồi cũng chính đôi mắt ấy lại rơm rớm vấn vương khi cây ban đang bỏ núi rừng. Những cánh rừng ngút ngàn, mướt mát ngày xưa, cây ban mọc thành từng vạt, từng dải, trong những ngày xuân hoa nở trắng rừng, như những trời ban. Thế mà những trời ban ấy đâu rồi? Những cuộc du xuân trong lễ hội hái hoa đâu rồi? Vẫn biết rằng nó chỉ còn trong xa xăm trí tưởng, mà sao vẫn chẳng giấu được niềm rầu rĩ. Giá như… Tôi đoán đọc được từ trong đôi mắt thẳm sâu của ông hai chữ đượm màu tâm trạng ấy.