Giữ gìn và phát huy giá trị các lễ hội, di tích

ThienNhien.Net – Hiện nước ta có khoảng hơn 8.000 lễ hội từ qui mô làng, xã đến quốc gia. Cùng với những nét tích cực của lễ hội truyền thống như: khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, đoàn kết cộng đồng, lưu giữ và trao truyền văn hóa truyền thống thì vẫn tồn tại một số hoạt động “phi văn hóa” cần chấn chỉnh.


Lễ hội hướng con người về với cội nguồn

Cứ mỗi độ xuân về, trên đất nước ta lại diễn ra hàng nghìn lễ hội khác nhau. Lễ hội có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của người dân mỗi thôn, xóm, làng, bản, là nếp sinh hoạt văn hóa dân gian, một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân ở mọi vùng quê. Đây là ngày hội biểu trưng những giá trị của đời sống tâm linh, đời sống xã hội và văn hoá của cộng đồng, là nơi người dân được hưởng thụ và sáng tạo văn hoá, thỏa mãn khát vọng trở về nguồn cội.

Theo GS-TS Ngô Đức Thịnh – Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, lễ hội hướng con người tới cội nguồn dân tộc. Nhiều lễ hội kỷ niệm đưa con người trở về với cội nguồn với lịch sử dân tộc như hội Đền Hùng, đền Gióng. Lễ hội cũng hướng con người tới cội nguồn tự nhiên. Ví dụ lễ hội Chùa Hương trước khi được Phật giáo hóa thì nó là “lễ hội chơi hang”, tức là con người trở về với tự nhiên, với thiên nhiên.

Không có lễ hội của một cá nhân mà lễ hội là của một nhóm người, của cộng đồng. Trong lễ hội Việt Nam thì cộng đồng tiêu biểu nhất là cộng đồng làng. Trong môi trường hội làng, tùy theo mỗi nơi tập hợp trở thành một vùng. Ví dụ lễ hội Trường Yên, hội Lim, hội Gióng. Từ đó có một lễ hội, như lễ hội Đền Hùng, trở thành Quốc lễ. Trong lễ hội thì bao giờ người ta cũng cố kết với nhau để biểu trưng sức mạnh gắn kết cộng đồng.


Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Mỗi làng quê Việt Nam đều có hội làng. Mỗi lần mở hội là một lần người dân được hiểu thêm về nghi lễ, là dịp để con người bày tỏ sự thành kính với thần linh. Nói cách khác, đây là phương thức làm thoả mãn tâm linh, điều hoà cuộc sống của con người. Hội làng cũng là dịp để lớp người lớn tuổi nhắc lại những phong tục đẹp với thế hệ con cháu. Trong các lễ hội diễn ra các cuộc thi nấu cơm, thi dệt vải… để khuyến khích nữ công gia chánh; thi trâu khoẻ để khuyến khích phát triển nông nghiệp; thi thơ, kéo chữ… mang ý nghĩa khuyến học; thi vật, võ, đánh phết, đua thuyền, thi bơi, thi chạy… nhằm đề cao tinh thần thượng võ, rèn luyện thể lực và ý chí tự cường trong thanh niên… Người ta thường nói “vui như trảy hội” là vậy.

Đổi mới cách tổ chức và quản lý lễ hội là vấn đề cấp bách

Qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 27/CT-TƯ ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII), Chỉ thị 14/1998/CT-TTg ngày 28/03/1998 và Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, các địa phương đã tăng cường công tác quản lý lễ hội, đưa lễ hội dần dần đi vào ổn định. Các lễ hội được đầu tư tổ chức công phu, nghi lễ trang trọng theo truyền thống, nêu bật công đức danh nhân, anh hùng dân tộc, tưởng niệm người có công với dân, với nước, đồng thời khôi phục nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng. Nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số được phục dựng lại.

Loại hình lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch đã góp sức quảng bá, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, làm giàu nguồn ngân sách địa phương và đất nước.

Cơ sở vật chất tại các lễ hội ngày càng được đầu tư nâng cấp, qui hoạch tổ chức dịch vụ có tiến bộ. Trình độ tổ chức và quản lý lễ hội tại một số địa phương từng bước được nâng lên.


Lễ cấp sắc của đồng bào Dao ở tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Tuy nhiên, trong các lễ hội còn bộc lộ một số tồn tại. Chẳng hạn, lượng du khách tăng nhanh đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác tổ chức, quản lý; một số lễ hội dân gian tổ chức có hiện tượng pha tạp, vay mượn hoặc cải biên làm biến dạng nghi lễ, lễ hội truyền thống; tình trạng lập nhiều ban thờ đặt nhiều hòm công đức… còn phổ biến ở nhiểu di tích, làm suy giảm yếu tố tâm linh, coi nặng giá trị vật chất, gây phản cảm trong sinh hoạt xã hội.

Loại hình văn hóa thể thao du lịch đã được phát triển mạnh ở nhiều địa phương với quy mô lớn nhưng lại do một số công ty tổ chức sự kiện nhận khoán, thầu, dàn dựng kịnh bản và vật dụng, biểu diễn na ná giống nhau nên gây sự nhàm chán, làm mất đi sự sáng tạo văn hóa của địa phương, đặc biệt không phát huy được vai trò, vị trí của ngành văn hóa thể thao du lịch trong tổ chức hoạt động loại hình lễ hội này…

Nguyên nhân của tình trạng này trước hết là do chính quyền một số địa phương còn buông lỏng quản lý nên một số tệ nạn “vẫn còn đất sống” nhất là vào các dịp cuối của các lễ hội tổ chức dài ngày; không gian tổ chức lễ hội có giới hạn nhưng lượng du khách tham gia quá lớn, dẫn đến tình trang quá tải, lộn xộn, ùn tắc giao thông, tư thương nâng giá dịch vụ …

Không khí hội hè kéo dài đặc biệt thời điểm đầu năm, dẫn đến tình trạng xao nhãng nhiệm vụ lao động sản xuất; hiện tượng nâng ép giá, cờ bạc, mệ tín dị đoan, ban hành một số ấn phẩm không được phép xuất bản, hành khất đeo bám khách du lịch chưa giảm ở một số lễ hội lớn. Công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả tối ưu nên người dân chưa hiểu thật rõ ràng giá trị của lễ hội, công đức danh nhân để từ đó tự giác bảo vệ nơi thờ tự, bảo vệ môi trường cảnh quan.

Chính vì thế, đổi mới cách tổ chức và quản lý lễ hội là nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới là vấn đề ngày càng trở nên bức thiết.


Lễ hội ở Hà Giang. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Để tăng cường công tác tổ chức quản lý lễ hội trong thời gian tới, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có yêu cầu đối với một số sơn vị thuộc Bộ cũng như các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của lễ hội gắn với việc giới thiệu, tôn vinh công trạng của danh nhân được thờ tại các di tích và khu vực tổ chức lễ hội; chấn chỉnh việc thu tiền công đức; xã hội hóa rộng rãi nhưng không buông lỏng công tác quản lý, khai thác nguồn lực của toàn xã hội cho việc giữ gìn và phát huy giá trị của lễ hội và di tích.