Còn ở trong rừng, người dân còn… trữ súng

ThienNhien.Net – Chuyện làm súng, sử dụng súng trong một bộ phận dân cư, nhất là người dân tộc Mông di cư vào Tây Nguyên lâu nay tồn tại dai dẳng như một tập quán rất đáng lo ngại. Một bài viết trên báo Lao Động mới đây nhận định rằng chừng nào người dân còn lẩn trốn trong rừng, còn giữ khoảng cách với chính quyền, chừng đó nỗi lo về những "họng súng vô tình" vẫn còn tồn tại.


Nỗi lo này không phải không có lý bởi chính những “siêu súng” và “siêu quả nổ” tự chế đã gây nên biết bao nhiêu tai nạn thương tâm, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình và thách thức đối với các lực lượng thi hành công vụ.

Lý giải về “thói quen” trữ súng của người dân, ông Lương Vĩnh Linh – Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sing, Đăk Lăk cho biết, chuyện săn bắt thú rừng vốn có từ thời tổ tiên chúng ta, song trước đây các tộc người bản địa như Ê Đê, M’Nông chỉ sử dụng các loại bẫy, cung nỏ. Khi một bộ phận người Mông di cư đến Tây Nguyên, cái “tập quán” giết hại thú rừng bằng súng mới xuất hiện. Lúc đầu là súng kíp, rồi những loại súng tự chế không tên, bây giờ là “siêu súng”.

Theo ghi chép của Lao Động, ở Đăk Lăk, trong 10 năm qua đã xảy ra 81 vụ dùng vũ khí và vật liệu nổ gây án, làm chết 15 người, bị thương 70 người. Cơ quan công an đã khởi tố 36 vụ và 56 đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí và vật liệu nổ.

Cũng trong thời gian trên, tỉnh Đắc Lắc đã vận động người dân giao nộp 2.092 khẩu súng săn, 669 khẩu súng quân dụng, 79 khẩu súng thể thao cùng hàng nghìn viên đạn, hàng trăm quả lựu đạn, gần một tấn thuốc nổ…

Theo ông Đàm Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Đắc G’long, Đăk Nông, muốn hạn chế người dân sử dụng vũ khí nóng, giết hại muông thú, chống người thi hành công vụ… thì chúng ta cần phải đưa họ lại gần (bằng các biện pháp di cư, tái định cư), giúp họ phát triển sản xuất và ổn định kinh tế.