Bến Tre: Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp

ThienNhien.Net – Bến Tre là một tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp khá phát triển với nhiều sản phẩm đặc trưng, có chất lượng, uy tín cao trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đa số các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản thường bán với giá thấp, bị tư thương ép giá, bấp bênh và nông dân là người chịu nhiều rủi ro nhất khi có sự biến động thị trường. Do đó, để nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản của Bến Tre nhằm góp phần nâng cao đời sống người nông dân cũng như giá trị sản lượng cho ngành nông nghiệp thì việc xây dựng và đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là vấn đề cần sớm quan tâm thực hiện.


Tại Bến Tre, có 3 vùng nông nghiệp là vùng ngọt, vùng lợ và vùng mặn. Ở vùng ngọt, với điều kiện tự nhiên thuận lợi thì kinh tế vườn phát triển mạnh như trồng dừa, sản xuất hoa kiểng, cây ăn trái, chăn nuôi,… Tại vùng lợ và mặn, có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển mạnh nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Theo số liệu báo cáo, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2009 tăng khá, đạt 7,706 tỷ đồng, bằng 103,18% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng của các lĩnh vực như sau: nông nghiệp 66,61%, lâm nghiệp 0,32%, thủy sản 33,07%.

Theo Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 03/10/2000 của Chính phủ thì chỉ dẫn địa lý trên hàng hóa là thông tin về nguồn gốc địa lý của hàng hoá, được thể hiện dưới dạng một từ ngữ, dấu hiệu, biểu tượng hoặc hình ảnh trên hàng hóa, bao bì hàng hoá hay giấy tờ giao dịch liên quan tới việc mua bán hàng hoá; dùng để chỉ dẫn rằng hàng hoá nói trên có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương thuộc một quốc gia, mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hoá này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên.

Người có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý là mọi tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất hàng hoá mang chỉ dẫn đó tại lãnh thổ quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương tương ứng, với điều kiện hàng hoá do người đó sản xuất phải bảo đảm uy tín hoặc danh tiếng vốn có của loại hàng hoá đó.

Ngoài ra, người dùng chỉ dẫn địa lý còn có quyền thể hiện chỉ dẫn đó trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, giấy tờ giao dịch nhằm mua bán hàng hoá và quảng cáo cho hàng hoá tương ứng. Có thể nói, trong tương lai nếu quan tâm thực hiện tốt việc xây dựng, quản lý, khai thác càng nhiều sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý càng mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho hàng nông sản. Thông qua đó, giá bán của một số sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý thường cao hơn giá bán các sản phẩm cùng loại.

Do vậy, việc sớm triển khai thực hiện, xây dựng mô hình chuẩn về quản lý, khai thác các sản phẩm có tiềm năng được chỉ dẫn địa lý có thể giúp nâng cao giá trị thương mại, thúc đẩy phát triển sản xuất, từ đó góp phần nâng cao đời sống người nông dân, đồng thời góp phần rất lớn vào quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của tỉnh nhà.