Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 4

Sáng ngày 29- 5, tại thành phố Sơn La, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022.

Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao tổ chức thực hiện hội nghị. Hội nghị đối thoại lần thứ 4 này được tổ chức với chủ đề: “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị.

Cùng dự hội nghị có lãnh đạo các ban của Trung ương Đảng, các ủy ban của Quốc hội; Hội đồng dân tộc của Quốc hội; các đồng chí bộ trưởng, trưởng ban ngành, đoàn thể Trung ương; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố tại 62 điểm cầu trên cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị sáng ngày 29-5

Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương. Đặc biệt, Hội nghị có sự tham dự của 300 đại biểu nông dân tiêu biểu, trong đó có 30 nông dân tiêu biểu sẽ trực tiếp đặt câu hỏi và đối thoại với Thủ tướng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho hay: Qua chuẩn bị Hội nghị đối thoại, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai lấy ý kiến sâu rộng trong các cấp Hội, hội viên nông dân cả nước; đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Những vấn đề chính, vấn đề lớn, nổi cộm kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị lần này:

Thứ nhất là, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nông dân cũng như doanh nghiệp đối tác nhà nông nhiều nơi bị ảnh hưởng nặng nề. Nông dân là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi giá vật tư đầu vào tăng phi mã, cụ thể giá phân bón có loại tăng 250%, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng, trong khi đó đầu ra nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Nông dân cần được hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Thứ hai là, liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế và yêu cầu trong quá trình phát triển, liên kết “4 nhà”, trong đó liên kết trung tâm “Nhà nông – Doanh nghiệp” nhiều nơi gặp thử thách, thậm chí đứt gãy. Vấn đề đặt ra, đó là cần tập trung giải quyết mối liên kết “4 nhà”, trong đó trọng tâm là phát triển các HTX nông nghiệp kiểu mới như thế nào?

Thứ ba là, chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong 8 nội dung của Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia; nhiều Nghị quyết của Đảng đều xác định vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, mục tiêu tỷ lệ kinh tế số trong GDP đến năm 2025 là 20%, năm 2030 là 30%. Như vậy, muốn có một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn hiện đại, thì cần có những người nông dân văn minh, nông dân có tri thức. Do vậy đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cần phải đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nông dân đủ tri thức, văn hóa, kỹ năng sản xuất nông nghiệp để thực hiện vai trò chủ thể của mình và có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ tư là, thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có cả một số doanh nghiệp nước ngoài, làm xuất hiện hình thức “gia công trong nông nghiệp”, điều này đem đến lợi ích lớn cho doanh nghiệp nhưng nông dân hưởng lợi ít và phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp. Giải pháp nào để giải quyết vấn đề này.

Thứ năm là, những năm qua, Việt Nam xuất khẩu nông sản trên 48 tỷ USD, tuy nhiên vẫn chủ yếu là xuất khẩu thô, chế biến tinh còn rất hạn chế, 70-80% là xuất khẩu tiểu ngạch, trong số đó hơn 70% xuất khẩu lệ thuộc một thị trường lớn, rủi ro cao (đây chính là một trong những rào cản để phát triển nông nghiệp)

Thứ sáu là, chủ trương và khẩu hiệu “sản xuất theo tín hiệu thị trường”, nhưng hiện nay nông dân rất khó khăn trong việc định hướng sản xuất, tiếp nhận thông tin thị trường và hỗ trợ tổ chức sản xuất. Do vậy, cần thiết phải có một tổ chức chịu trách nhiệm tổng hợp thông tin thị trường và phát đi chỉ báo cho nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường, đảm bảo cho sản xuất hàng hóa của nông dân không rơi vào tình trạng được mùa – rớt giá; nông sản hàng hóa thừa, thiếu cục bộ ở từng địa phương.

Thứ bảy là, Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nêu chủ trương định hướng nông dân tham gia cổ phần hóa bằng đất, nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa trở thành một xu hướng hợp tác lớn như kỳ vọng của nông dân lẫn doanh nghiệp. Nông dân góp đất có nguy cơ tăng rủi ro hoặc giảm cơ hội nhận được lợi ích tương xứng vì đất được doanh nghiệp định giá thấp, nông dân có cổ phần ít, lợi nhuận không đáng kể, không đảm bảo cuộc sống, cổ phần ngày càng nhỏ qua mỗi đợt huy động vốn mới. Người nông dân nhiều nơi mong muốn định giá quyền sử dụng đất sát với giá thị trường, được đảm bảo sinh kế, việc làm khi đất bị thu hồi…

Thứ tám là, phong trào khởi nghiệp quốc gia hiện nay đang được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, chú trọng. Khởi nghiệp đã khó nhưng khởi nghiệp trong nông nghiệp còn khó hơn vì đây là một lĩnh vực nhiều rủi ro và cần đầu tư lâu dài; thực tế hiện nay cho thấy, các ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp do nông dân khởi xướng thực hiện còn rất ít, quy mô còn nhỏ, khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Thứ chín là, một trong những khó khăn và thua kém về lợi thế cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam là chưa làm chủ được nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi. Trân trọng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học để làm chủ một số loại giống cây, con chủ lực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành tham dự hội nghị

Tsọ hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao đổi, chia sẻ với những khó khăn, thách thức của nông dân trong 2 năm qua đã cùng với cả nước gồng mình chống đại dịch Covid-19. Mặc dù dịch bệnh ở nước ta đã được khống chế, tuy nhiên diễn biến dịch  bệnh này vẫn còn diễn biến phức tạp khó lường, chúng ta không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác đối với công tác chống dịch. Xung đột giữa Nga-Ukraine đã ảnh hưởng tới các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có nước ta vì Việt Nam với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và có hiệu lực, độ mở của nền kinh tế hiện khoảng 200% so với GDP nên bị ảnh hưởng là không tránh khỏi. Chúng ta  xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng vẫn cần phải chủ động hội nhập chứ không có nghĩa là chỉ dựa vào tự cung, tự cấp. Chúng ta cần bám sát thực tiễn để đưa ra các giải pháp phù hợp để hóa giải khó khăn, thách thức để thúc đẩy kinh tế phát triển. Khó khăn, thách thức liên tục xảy ra vì thế chúng ta cần chủ động, đoàn kết, bám sát thực tiễn để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp để giải quyết khó khăn, thách thức này.

Thủ tướng nhấn mạnh: Qua 3 cuộc đối thoại trước đây cần xem xét những gì làm tốt và chưa tốt để phát huy những điểm tốt, khắc phục những điểm hạn chế, bất cập còn tồn tại. Để phát triển quan trọng nhất vẫn là nội lực của chúng ta trong đó con người là quan trọng nhất. Thứ hai cần sử dụng tài nguyên (đất, nước) một cách hiệu quả, phù hợp.

Trong tình hình thực tế hiện nay, phải đổi mới khoa học công nghệ, đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm tránh quá phụ thuộc vào một thị trường, kết nối chặt chẽ giữa công nghiệp với nông nghiệp, hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, nền nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong khó khăn chúng ta cần phải hết sức bình tĩnh, nắm chắc thông tin để đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ không thể giải quyết mọi vấn đề mà nông dân nêu ra. Hiện nay, chúng ta đã phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, chính quyền địa phương. Vì thế, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương… phải cùng chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của nông dân, doanh nghiệp, các hợp tác xã, giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: Các doanh nghiệp không thể thực hiện việc liên kết từng hộ nông dân vì vậy chúng ta phải xây dựng các hợp tác xã. Sắp tới chúng ta sẽ phải tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể. Nhà nước cần phải ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách thực hiện, cơ chế giám sát thực hiện. Về chủ trương chuyển đổi số và tri thức hóa nông dân đây là một chủ trương lớn, các bộ, ngành trung ương phải cùng vào cuộc hỗ trợ còn nông dân cũng phải chủ động để thích ứng, học hỏi.Về vấn đề khắc phục đầu vào của sản xuất nông nghiệp, tận dụng tối đa khả năng của nền nông nghiệp của đất nước để đáp ứng một phần cho chăn nuôi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Thủ tướng gợi mở, Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện đối thoại với nông dân cả nước hằng năm vào tháng 5, còn Chủ tịch UBND tỉnh phải tổ chức đối thoại với nông dân vào tháng 10,11. Vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn là rất quan trọng đối với việc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Thu nhập của nông dân vẫn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn vẫn còn cao… Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi chúng phải thích ứng cho phù hợp. Mục tiêu của chúng ta là xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn thông minh.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, cơ quan nhất là Hội nông dân Việt Nam và các đơn vị cơ sở trực tiếp làm việc hằng ngày với người dân, lắng nghe tìm hiểu các nhu cầu, nguyện vọng của người dân, kịp thời có các hỗ trợ, định hướng và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ, nâng cao giá trị, hiệu quả. Cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Đẩy mạnh khởi nghiệp trong nông dân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khu vực nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao năng lực cung cấp thông tin, dự báo thị trường, qua đó góp phần điều chỉnh sản xuất phù hợp.

“Phải nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh. Tăng cường đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ bà con, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ.

Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới các bộ, ngành trung ương, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ, để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân; chính quyền các địa phương cần phải quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng, phù hợp với quy định chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước của nông dân để kịp thời tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền để để đời sống của nông dân ngày càng ấm no, sung túc hơn.