Các hãng hàng không lớn ủng hộ kế hoạch cắt giảm khí thải

ThienNhien.Net – Lần đầu tiên bốn hãng hàng không lớn nhất thế giới đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch toàn cầu về cắt giảm khí thải bằng một bản đề xuất các giải pháp hạn chế lượng khí thải carbon trong ngành gửi lên Ủy ban Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc với hy vọng nó sẽ được xem xét cho bản hiệp ước chống biến đổi khí hậu thay thế Nghị định thư Tokyo.

Hiện mỗi năm ngành hàng không tạo ra khoảng 2% lượng khí thải nhà kính toàn cầu và dự tính tỉ lệ này sẽ còn tăng lên. Các nhóm tiên phong “xanh” và Liên minh Châu Âu đã yêu cầu ngành này “xanh hóa” hoạt động của mình.

Hãng hàng không France-KLM (AIRF.PA, Pháp), British Airways (BAY.L, Anh), Cathay Pacific (0293.HK, Hồng Kông) và Virgin Atlantic (VA.UL) cùng Công ty cảng hàng không BAA (FER.MC, Anh), và Tổ chức phi chính phủ về khí hậu The Climate Group mới đây đã đề nghị đưa ra một thỏa thuận nhằm kiểm soát toàn bộ nguồn phát thải cacbon từ ngành hàng không thế giới.

Điều này đảm bảo sự đối xử công bằng đối với tất cả các hãng hàng không và mở ra một hướng mới về kinh doanh khí thải toàn cầu trong nội bộ ngành hàng không và có thể với cả các ngành công nghiệp và các quốc gia khác.

Ông Kenber, giám đốc chính sách của nhóm The Climate Group, một tổ chức chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp và các chính phủ về giải pháp cắt giảm lượng khí thải cacbon, cho hay một số hãng hàng không vẫn giữ nguyên nhận định rằng lượng khí thải do ngành gây ra chỉ chiếm 2% lượng khí thải toàn cầu và vì thế can thiệp vào hoạt động kinh doanh của họ là không cần thiết.

Ông Kenber cho biết, nếu các hãng hàng không không có đề xuất nào vừa bảo vệ được môi trường đồng thời vẫn đảm bảo lợi ích kinh tế, họ sẽ phải đương đầu với một sự lựa chọn khác.

Bản đề xuất của sáu thành viên nhóm đàm phán trên được đệ trình lên diễn đàn về biến đổi khí hậu tại Bonn, Đức vào cuối tháng 3 vừa qua, nơi các đại diện từ 175 quốc gia nhóm họp về một hiệp ước chống biến đổi khí hậu thay thế Nghị định thư Kyoto. Những vòng đàm phán cho những hiệp ước chính của Nghị định thư Kyoto sẽ được giành lại cho hội nghị tháng 12 tới tại Copenhagen – Đan Mạch.

Các tổ chức bảo tồn như WWF cho rằng, ngành hàng không chưa có những động thái thích đáng để hạn chế sự gia tăng lượng khí thải nhà kính của ngành và họ phải trả phí cho lượng khí thải đó như bất cứ ngành công nghiệp nào khác.

Nhiều hãng hàng không cho rằng chỉ có phương pháp tiếp cận mang tính toàn cầu là công bằng và họ chỉ trích quyết định của Liên minh Châu Âu khi đưa ngành hàng không vào kế hoạch kinh doanh khí thải của khối bắt đầu từ năm 2012.

Ông Kenber cho biết nhóm Aviation Global Deal Group (Tạm dịch: Nhóm Đàm phán Hàng Không Toàn Cầu) đang hi vọng các hãng vận tải khác sẽ cùng tham gia ủng hộ kế hoạch cắt giảm khí thải này. Nhóm đã đàm phán với nhiều hãng hàng không khác trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và Hoa Kì.

Theo điều 43 trong bản đề xuất, mỗi thành viên vận tải hàng không sẽ phải nộp một khoản phí tương ứng với hàm lượng cacbon trong lượng nhiên liệu mua vào hàng năm của họ. Một ủy ban của Liên Hợp Quốc sẽ kiểm soát hệ thống này bao gồm cả hoạt động bán đấu giá giấy phép phát thải.

Lợi nhuận thu được từ hoạt động bán đấu giá sẽ được chia làm hai phần, một phần đưa vào Quỹ Thích nghi Biến đổi khí hậu của Nghị định thư Kyoto dành cho các nước đang phát triển, tài trợ cho hoạt động nghiên cứu năng lượng sinh học bền vững sử dụng trong ngành hàng không và một phần cho sáng kiến hỗ trợ của Liên Hợp Quốc nhằm bảo vệ rừng tại những quốc gia nghèo để đối lấy thẻ carbon trên thị trường khí thải.

Ông Kenber cho hay nhóm sẽ tiến hành một phân tích sâu hơn về việc cắt giảm khí thải hàng không cũng như cách thức để hợp nhất kế hoạch này vào thị trường cacbon. Mục đích cuối cùng là đưa bản kế hoạch đã được thông qua như một trong những đề xuất cho cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc lần tới vào tháng 6 tại Bonn, Đức.