Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển văn hóa

ThienNhien.Net – Phát triển văn hóa nông thôn sẽ gắn liền với việc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, trong đó phương châm là phát huy vai trò chủ động của cộng đồng dân cư địa phương là chính. Việc xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại phải bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.


Đây là nội dung của Đề án “Phát triển văn hoá nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án bao gồm 4 nội dung chính, gồm: Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa; nâng cao chất lượng làng văn hóa; thực hiện tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã; hoàn thiện hệ thống thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn.

Đề án cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2015, vùng đồng bằng có 50% người dân nông thôn tham gia thường xuyên các hoạt động văn hoá, thể thao; 70% nhà văn hoá và khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; 70% gia đình giữ vững và phát huy danh hiệu “Gia đình văn hoá”; 60% làng giữ vững và phát huy danh hiệu “Làng văn hoá”; 80% nông dân được phổ biến pháp luật và các quy định về văn hoá; 90% cán bộ văn hoá, thể thao ở nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ.

Mục tiêu này đối với miền núi, hải đảo, biên giới cụ thể là khoảng 30% người dân ở nông thôn tham gia thường xuyên vào các hoạt động văn hoá, thể thao; 50% nhà văn hoá và khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; 60% gia đình giữ vững và phát huy danh hiệu “Gia đình văn hoá”; 50% làng giữ vững và phát huy danh hiệu “Làng văn hoá”; 70% nông dân được phổ biến pháp luật và các quy định về văn hoá; 80% cán bộ văn hoá, thể thao ở nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ.

Đến giai đoạn năm 2020, phấn đấu 100% thôn có nhà văn hoá và khu thể thao thôn đạt quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hoá theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Để đạt những chỉ tiêu trên, cần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn và tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực này. Đề án cũng yêu cầu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thí điểm phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã từ 1-3 xã giai đoạn từ năm 2010-2012.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông thôn, hiện cả nước đang thực hiện 11 Chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều chương trình, dự án lớn khác liên quan đến phát triển nông thôn.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn gồm 19 tiêu chí cụ thể.

Điều quan trọng nhất của việc xây dựng nông thôn mới là tạo ra những giá trị mới của nông thôn, một nông thôn hiện đại phải có những giá trị mới về kinh tế, văn hóa nông thôn văn minh, hiện đại nhưng vẫn phải bảo tồn, gìn giữ bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc ta.