Diễn đàn Khuyến nông với chuyên đề cây lâm nghiệp

ThienNhien.Net – Trung tuần tháng 12 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hà Giang đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ công nghệ với chuyên đề: “Các loại cây lâm nghiệp ưu tiên cho các tỉnh miền núi phía Bắc”.


Đến dự diễn đàn có lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia, Cục Lâm nghiệp; các Giáo sư, Tiến sỹ thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp và trường Đại học Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang, cùng các đại biểu là cán bộ khuyến nông và đại diện bà con nông dân các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La.

Đây là diễn đàn lần thứ 10 được tổ chức trong năm 2009, là sân chơi, nơi giao lưu, trao đổi của nhà nông với ba nhà (nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) nhằm mục đích giải quyết những vấn đề cấp bách trong lĩnh vực lâm nghiệp, phần nào giúp bà con nông dân khắc phục khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật, chính sách cũng như thị trường.

Diễn đàn đã nghe báo cáo đề dẫn của Viện Khoa học Lâm nghiệp và trường Đại học Lâm nghiệp giới thiệu về các chuyên đề như: trồng rừng thâm canh và thâm canh rừng trồng; tại sao phải trồng rừng thâm canh, mục tiêu; các biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng trồng mang tính mũi nhọn…; phát triển bền vững nông, lâm nghiệp kết hợp và cây lâm nghiệp ở miền núi phía Bắc Việt Nam…

Tại Diễn đàn, trên 30 câu hỏi của bà con nông dân, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông đã được các nhà khoa học, nhà quản lý giải đáp cặn kẽ, tập trung vào các vấn đề: xác định loài cây ưu tiên cho vùng nói chung và cho Hà Giang nói riêng; quản lý rừng hiệu quả; kỹ thuật trồng xen canh các loại cây để lấy ngắn nuôi dài; kỹ thuật thâm canh rừng trên đất dốc; những chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng; vấn đề tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp…

Kết luận tại Diễn đàn, TS. Tống Khiêm – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia nhấn mạnh, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ (vay vốn tín dụng, hỗ trợ khai thác, vận chuyển, chế biến) người trồng rừng hơn nữa và nên đánh giá giá trị của rừng trên cả góc độ môi trường.