Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tỉnh phía Bắc năm 2009

ThienNhien.Net – Sáng ngày 17/2/2009 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh các tỉnh phía Bắc năm 2009. Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Diệp Kỉnh Tần, Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có gần 200 đại biểu là lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm trực thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo các Sở NN và PTNT 24 tỉnh thành phía Bắc; đại diện cán bộ các cơ quan, đơn vị, Hiệp hội trong ngành; các cơ quan thông tấn báo chí đã đến dự và đưa tin hội nghị.

Theo báo cáo của Cục Thú y trong năm 2008, công tác phòng chống dịch đã nhận được sự chỉ đạo kịp thời của cả Trung ương và địa phương, cụ thể là chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đã được ban hành; công tác kiểm tra giám sát được chú trọng với nhiều đoàn công tác được triển khai. Tuy nhiên trong năm 2008, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 80 xã thuộc 54 huyện, quận, thị xã của 27 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm chết và và buộc phải tiêu huỷ là 106.508 con (gồm 40.525 con gà, 61.027 con vịt và 4.506 con ngan).

Tính từ đầu năm đến ngày 15/2/2009, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 31 xã thuộc 16 huyện của 9 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Thái Nguyên, Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh và Quảng Trị. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu huỷ là 32.815 trong đó gà là 11.499 con, vịt 21.018 con và ngan 298 con. Về tình hình dịch cúm trên người trong năm 2008, Việt Nam có 6 ca nhiễm cúm, trong đó 5 ca đã tử vong, năm 2009 có 2 ca nhiễm tại Thanh Hoá và Quảng Ninh; đến nay nước ta đã có 109 người bị nhiễm vi rút cúm trong đó 52 người đã tử vong.

Trong năm 2008, dịch lở mồm long móng (LMLM) trên trâu bò xảy ra ở 128 xã của 47 huyện thuộc 14 tỉnh làm 2.408 con trâu bò và 67 con lợn mắc bệnh. Tổng số trâu bò phải giết huỷ là 219 trâu bò và 39 con lợn. Năm 2009, dịch LMLM trên trâu bò đã xảy ra ở 38 xã 11 huyện của 5 tỉnh là Long An, Kon Tum, Hoà Bình, Sơn La và Quảng Bình làm 1.027 con trâu bò mắc bệnh (574 bò và 453 con trâu). Số gia súc đã tiêu huỷ là 188 con trâu bò.

Hiện nay, cả nước đã kiểm soát được dịch tai xanh và từ tháng 9 năm 2008 đến nay không xảy ra dịch ở diện rộng, vẫn còn một vài ổ dịch nhỏ lẻ xuất hiện nhưng đã được xử lý kịp thời. Các loại dịch bệnh khác như Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng, Đóng dấu lợn, Phó thương hàn, Newcastle, Gumboro, Dại, Nhiệt thán, Giun bao… là những bệnh nổi cộm và có nhiều địa phương có dịch như Hà Tĩnh, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang….

Về dịch bệnh thuỷ sản xảy ra rất phức tạp, trong năm 2008 do có sự chuyển giao công tác quản lý dịch bệnh thuỷ sản từ các đơn vị của Bộ Thuỷ sản (cũ) sang Cục Thú y nên nhiều trường hợp dịch bệnh xảy ra không được thông báo và xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, hệ thống nuôi trồng thuỷ sản nói chung chưa đảm bảo nên dẫn đến lây lan qua nguồn nước cấp – thải trong cùng khu vực nuôi.

Mục tiêu chung trong công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong năm 2009 của Bộ NN và PTNT là tập trung khống chế được các loại dịch bệnh nguy hiểm ở động vật như cúm gia cầm, LMLM, PRRS, dịch tả lợn và bệnh thuỷ sản không để lây lan ra diện rộng; duy trì được các kết quả phòng chống dịch bệnh ở nhiều địa phương trong năm 2008 không có dịch xảy ra; xây dựng và tổ chức các lực lượng triển khai có hiệu quả bền vững các kế hoạch, chương trình, cơ chế chính sách về phòng chống dịch bệnh; quan tâm phòng chống các loại dịch bệnh động vật thuỷ sản, đặc biệt dịch bệnh trên tôm và các loài thuỷ sản có giá trị, tiếp tục củng cố, tăng cường và duy trì hoạt động của hệ thống Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các cấp; tổ chức tuyên truyền về phòng chống các bệnh động vật nguy hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương tới địa phương; tăng cường năng lự của hệ thống thú y, đặc biệt là thú y xã, phường theo văn bản số 1569/TTg-NN ngày 19/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nhân viên thú y cấp xã…

Cục Thú y nhấn mạnh các biện pháp cụ thể cần thực hiện như sau:

– Đối với dịch cúm gia cầm, các tỉnh đang có dịch cần tập trung mọi nguồn lực để bao vây, dập tắt ngay ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng, tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin cúm gia cầm, nhất là cho đàn vịt từ nay đến hết tháng 3 năm 2009.
– Đề nghị UBND các tỉnh Kon Tum, Hoà Bình, Quảng Bình bao vây xử lý các ổ dịch để nhanh chóng dập tắt dịch LMLM, không để lây lan ra các địa phương khác, đồng thời các địa phương khác cần chủ động tăng cường công tác kiểm soát vận chuyển ngăn không cho dịch xâm nhập địa bàn.
– Tổ chức tuyên truyền hướng dẫn người dân chủ động phòng chống bệnh tai xanh ở lợn bằng cách chăm sóc, nuôi dưỡng đảm bảo sức đề kháng cho con vật. Giám sát chặt chẽ nguồn lợn giống, lợn thịt…
– Thống nhất về hệ thống tổ chức, chức năng nhiệm vụ về thú y thuỷ sản trong toàn bộ hệ thống từ trung ương đến địa phương. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ phụ trách thú y thuỷ sản.
– Đối với các bệnh khác trên gia súc, gia cầm: các tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra dịch bệnh, chú ý chăm sóc, nuôi dưỡng, thức ăn, chuồng trại phòng chống đói rét, đổ ngã trong vụ Đông Xuân.