10 loài bị đe dọa nhất trước biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Những chú cá Nemo, chim cánh cụt hoàng đế trong phim hoạt hình của Disney, hay gấu túi – biểu tượng của nước Úc… đều nằm trong danh sách 10 loài bị đe dọa nhất trước biến đổi khí hậu toàn cầu. Thông tin này đã được Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP15) tại Copenhagen, Đan Mạch vừa qua.

 

 Đứng đầu danh sách bị đe doạ biến mất là loài cá hề thuộc chi Amphiprion (chú cá Nemo thân quen trong phim hoạt hình Disney) chuyên sống cộng sinh với đám hải quỳ trong các rạn san hô. Nhiệt độ của đại dương tăng lên cộng với nồng độ axít trong nước biển gia tăng là nguyên nhân chính khiến 160 loài san hô bị tẩy trắng. Điều này khiến môi trường sống cùng nguồn thức ăn của những chú cá hề này bị suy giảm.

 

 Báo cáo của IUCN cho biết, nếu nhiệt độ Trái đất gia tăng, các lớp băng ở Bắc Cực biến mất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của loài cá heo trắng hay còn gọi là cá heo Beluga. Điều này còn cho phép con người tiếp cận dễ dàng hơn tới khu vực sống nguyên sơ của chúng để săn bắt. Thêm vào đó, tiếng ồn của động cơ tàu và ô nhiễm nguồn nước đang khiến loài cá heo trắng giảm dần số lượng.

 

 Băng tuyết tan chảy cũng khiến khu vực sinh sống của cáo Bắc cực (Alopex Lagopus) bị đẩy xa về phía Bắc. Băng mỏng, dễ vỡ, không khí tăng độ ẩm khiến nguồn thức ăn của chúng trở nên khan hiếm, kéo theo sự suy giảm số lượng cá thể loài.

 

 Cũng giống như cáo Bắc cực, hải cẩu đeo vòng (Pusa hispida) sống nhờ vào lớp băng mùa hè ở Bắc Cực. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra với chúng và các loài khác khi lớp băng  này biến mất do sự nóng lên toàn cầu.

 

 Tương tự, Nam Cực cũng sẽ phải gánh chịu cảnh băng tan do sự ấm lên toàn cầu, dẫn đến tình trạng nơi sinh sống của loài chim cánh cụt hoàng đế (Aptenodytes forsteri) dần bị thu hẹp. Và khi chim non chưa thể thích nghi với môi trường sống, lại không còn nhiều nơi để di chuyển, chúng sẽ dễ bị rơi xuống đại dương và chết. Các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên 2 độ C, khoảng 40% chim cánh cụt hoàng đế sẽ biến mất.

 

Thêm một loài cũng đang phải “gồng mình” trước biến đổi khí hậu là cây lô hội cành phân đôi (Aloe Dichotoma) – loài cây bản địa của Nam Phi, chuyên mọc trên sa mạc với chiều cao có thể lên tới 10m. Khi Trái đất nóng lên, loài này đang ngày càng khó khăn để thích nghi với tình trạng hạn hán gia tăng. 

 

Với nhiều nước trên thế giới, cá hồi (Salmo salar) – nguồn lợi thủy sản hàng trăm triệu USD – cũng đang bị đe doạ suy giảm số lượng do biến đổi khí hậu. Nguyên nhân là nước biển ngày càng dâng cao khiến nguồn nước ngọt của chúng bị xâm mặn; nhiệt độ nước tăng lên khiến nồng độ ôxy trong nước giảm, kết hợp với tình trạng  ô nhiễm nguồn nước khiến sự tồn tại của chúng đang bị đe doạ trầm trọng. 

 

 Giống như một số loài bò sát khác, sự cân bằng giới của loài Rùa biển cũng bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ. Khi nhiệt độ trung bình gia tăng, trứng loài rùa này có xu hướng nở ra nhiều con cái hơn, dẫn tới sự mất cân bằng sinh thái. Thêm nữa, nhiệt độ gia tăng cũng khiến những con rùa dễ bị mắc kẹt khi phải lên đẻ trứng trên những bãi biển bị xói mòn nghiêm trọng bởi bão tố do nhiệt độ mặt nước tăng cao.

 

 Lượng khí CO2 trong khí quyển tăng lên làm những cây bạch đàn Úc sản xuất ít protein trong lá hơn, khiến loài gấu túi (Phascolarctos cinereus) ăn không ngon miệng. Loài gấu túi sẽ bị đói vì chúng chỉ ăn lá bạch đàn. Thêm vào đó, nạn cháy rừng và hạn hán xảy ra thường xuyên ở châu Úc cũng khiến nguồn thức ăn của loài này trở nên eo hẹp hơn. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, với đà biến đổi khí hậu và phá rừng như hiện nay, tới năm 2030, một trong những biểu tượng của nước Úc sẽ chỉ còn thấy trong các cửa hàng lưu niệm.

 

 Cùng với các loài trên, rất nhiều rạn san hô Staghorn đang bị suy giảm do quá trình axít hoá đại dương khiến chúng bị tẩy trắng, bộ xương bị ăn mòn và chết. Sự huỷ hoại thảm thực vật dưới đáy đại dương sẽ kéo theo sự suy giảm nguồn thức ăn và trữ lượng các loài cá.