Phát triển bền vững vùng ven biển thích ứng với BĐKH

ThienNhien.Net – Ngày 21/12/2009, tại Thị xã Trà Vinh, UBND 3 tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng và Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Thành phố Cần Thơ đã phối hợp tổ chức “Diễn đàn thích ứng với biến đổi khí hậu – phát triển bền vững vùng ven biển 3 tỉnh Trà Vinh, Bến Tre và Sóc Trăng” với sự tham dự hỗ trợ của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), Trường Đại học Cần Thơ, Viện Địa lý Tài nguyên Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Nghiên cứu Thực nghiệm Đa dạng Sinh học – Đại học Cần Thơ.


Các tham luận và thảo luận tại diễn đàn đều đánh giá cao vai trò của vùng ven biển 3 tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng như một lá chắn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tích cực trong việc giảm thiểu các tác hại của biến đổi khí hậu, của tình trạng nước biển dâng và xâm nhập mặn, là vùng sinh sản của nhiều chủng loại thuỷ sản có giá trị cao… nếu chúng ta biết bảo vệ và phát triển tốt đai rừng phòng hộ nơi đây. Và đai rừng phòng hộ sẽ có vai trò quyết định đối với sự tồn tại và phát huy tác dụng của tuyến đê biển nếu được đầu tư xây dựng bên trong.

Tuy nhiên, việc phát triển đai rừng phòng hộ sẽ có những xung đột nhất định với các nguồn thu nhập của cư dân trong vùng, nhất là đối với nghề nuôi tôm biển nếu chúng ta không có một giải pháp đồng bộ, khả thi, được sự đồng thuận cao của cộng đồng.

Những nghiên cứu của các cán bộ khoa học trường Đại học Cần Thơ, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như kinh nghiệm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bến Tre… cho thấy, lượng muối mặn trên bề mặt các bờ liếp cao tơi xốp sẽ rất dễ được rửa trôi trong mùa mưa, do đó các loại rau màu ngắn ngày hoàn toàn có thể phát triển tốt. Một số giống cỏ chịu mặn như Atriplex barclyana, Sporopolus virginicus cũng có thể được trồng để làm thức ăn phát triển chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trong vùng. Và quan trọng là việc khôi phục rừng phòng hộ bằng cây đước hoặc các loại cây rừng tự nhiên như bần, mắm, sú, vẹt… có kết hợp khai thác hợp lý các nguồn lợi thuỷ sản như cua, tôm, cá các loại, cùng việc xây dựng vùng đệm với hệ canh tác lúa – cá, lúa – tôm… đều có thể mang lại hiệu quả khả quan.

Bên cạnh đó, một yếu tố mang tính quyết định là việc xã hội hoá nghề rừng, giao đất giao rừng hợp lý cho dân cùng việc đầu tư xây dựng tốt các trường học, cơ sở y tế, các hạ tầng thiết yếu về giao thông, điện, nước sinh hoạt… Nếu được triển khai đồng bộ thì việc khôi phục rừng ngập mặn tại đây cũng như việc xây dựng đai rừng phòng hộ vùng ven biển của 3 tỉnh là việc làm hoàn toàn có khả năng được thực hiện tốt.

Cùng với các đề xuất mang tính khả thi cho vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một vấn đề được một số đại biểu đặt ra là việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện tại Trà Vinh và Sóc Trăng rất có thể sẽ ảnh hưởng đến môi trường vốn khá tốt của vùng. Khói, muội than, sỉ than của nhà máy sẽ là nguồn gây ô nhiễm mà đôi khi phải mất hàng chục đến hàng trăm năm mới có thể khắc phục.

Sau diễn đàn, lãnh đạo 3 tỉnh đã nhất trí sẽ phối hợp xây dựng dự án “Vùng quản lý phát triển đa dạng sinh học ven biển 3 tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng” để gửi đến Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, các nhà tài trợ và các cơ quan chức năng Trung ương xem xét đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển nhanh đai rừng phòng hộ và hệ sinh thái đa dạng của vùng, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do biến đổi khí hậu, phát triển bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.