Ô nhiễm làng nghề Đồng Xâm – nỗi lo đâu chỉ một… làng

ThienNhien.Net – Nỗi lo về tình trạng ô nhiễm tại làng chạm bạc Đồng Xâm, Kiến Xương, Thái Bình ngày càng tăng khi tất cả những con sông chảy qua đây đều trở nên đen đục và bị rác bao phủ dày. Người dân địa phương cũng ý thức được điều này nhưng họ vẫn phải bám trụ với nghề vì không tìm được kế sinh nhai nào hơn.

 

Đến nay, số người làm chạm bạc ở Đồng Xâm đã lên tới con số đông nhất nhì cả nước nhưng vẫn chưa có một cơ sở tập trung để làm hóa mạ, công việc này hiện vẫn được thực hiện chủ yếu ở… giữa cánh đồng, gây ô nhiễm nặng đến môi trường và làm ô nhiễm nguồn nước ở các nhánh sông chảy qua. Trước đây, người dân thường sử dụng trực tiếp nguồn nước sông trong sinh hoạt nhưng nay nước sông đen đục và bị rác thải phủ dày…

 

Mặt khác, do các hộ thường xuyên sử dụng axit để rửa bề mặt kim loại nên nguồn nước thải nơi đây có rất nhiều thành phần độc hại, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 – 2 lần. Đáng chú ý là dù phải tiếp xúc với các loại hóa chất và khói bụi hàng ngày nhưng người dân nơi đây chỉ dùng khẩu trang để… chống ô nhiễm.

 

Làng nghề chạm khắc Đồng Xâm có 150 cơ sở thu hút 2.000 lao động, trung bình một tháng sản xuất 5 tấn thau, 2 tạ bạc để làm ra các loại mặt hàng như đỉnh, vạc, lư hương, đĩa quả, ngai, mũ thờ, hoa tai, nhẫn, trâm, vòng, thánh giá, lắc… Đây là mặt hàng “chiến lược” đem lại nguồn thu nhập chính cho người thợ Đồng Xâm nhưng cũng là thủ phạm khiến cả làng sống trong ô nhiễm.

Tại một hội thảo bàn về thực trạng và giải pháp môi trường làng nghề Việt Nam do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phối hợp tổ chức (ngày 30/11), ông Nguyễn Văn Ngoan – Chủ tịch Hội làng nghề chạm khắc Đồng Xâm đã kiến nghị, để giải quyết tình trạng ô nhiễm làng nghề hiện nay cần phải có giải pháp toàn diện, trong đó, phải đưa việc thực hiện các tiêu chuẩn về môi trường vào quá trình sản xuất của các đơn vị; nghiên cứu việc thành lập Trung tâm hỗ trợ xử lý môi trường làng nghề trực thuộc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

 

Được biết, hiện nay không chỉ có Đồng Xâm mà rất nhiều địa phương và làng nghề cũng đang ở trong tình trạng tương tự, điển hình là làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), làng nghề chế biến tinh bột sắn Cát Quế (Hoài Đức, Hà Nội), sản xuất rượu Vân Hà (Bắc Giang), tái chế chì (Chỉ Đạo, Hưng Yên)…

 

Theo khảo sát của Bộ Tài nguyên & Môi trường tại 52 làng nghề điển hình trong cả nước thì có tới 46% số làng nghề môi trường bị ô nhiễm nặng, 27% ô nhiễm vừa và 27% ô nhiễm nhẹ. Mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề có xu hướng gia tăng.