Biến đổi khí hậu và di cư vì môi trường

ThienNhien.Net – Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã và đang gây ra tình trạng di cư và mất chỗ ở của loài người. Mặc dù chưa có con số dự báo chính xác về lượng người phải di cư trong vòng nửa thế kỷ tới, song phạm vi và mức độ của tình trạng này có thể sẽ lớn chưa từng có. Người dân ở các quốc gia và quốc đảo kém phát triển nhất sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề hơn cả. Hậu quả của tình trạng di dân và mất chỗ ở xét trên hầu hết mọi khía cạnh của phát triển và an ninh con người có thể mang tính hủy hoại nghiêm trọng. Thậm chí có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định chính trị.

Biến đổi khí hậu và những tác động không tránh khỏi

 

Biến đổi khí hậu đã và đang dẫn tới tình trạng mất chỗ ở và di cư. Mặc dù kinh tế và chính trị là những nhân tố chính dẫn đến tình trạng mất chỗ ở và di cư như hiện nay, song biến đổi khí hậu đã và đang có những ảnh hưởng rõ rệt.

 

Sự sụp đổ của các dạng sinh kế phụ thuộc vào hệ sinh thái có lẽ sẽ còn là một nhân tố chính của tình trạng di cư dài hạn trong vòng hai đến ba thập kỷ tới. Biến đổi khí hậu sẽ càng làm tình hình xấu đi trừ phi những cộng đồng bị thiệt thòi, đặc biệt là các nhóm nghèo nhất, được hỗ trợ để tạo dựng sinh kế thích nghi với biến đổi khí hậu.

 

Các thảm họa tự nhiên sẽ tiếp tục là nhân tố chủ yếu dẫn đến tình trạng mất chỗ ở và di cư tạm thời. Khi biến đổi khí hậu làm tăng tần suất và cường độ của các thảm họa tự nhiên như lốc xoáy, lũ lụt và hạn hán, số lượng người bị mất chỗ ở tạm thời sẽ tăng lên. Điều này đặc biệt đúng với các quốc gia thất bại trong việc đầu tư vào chiến lược giảm thiểu nguy cơ thiên tai và với các cộng đồng mà khả năng ứng phó với thảm họa thiên nhiên có hạn.

 

Di cư theo mùa đã đóng vai trò quan trọng đối với nhiều gia đình, như một cách chống lại sự thay đổi của môi trường. Điều này dường như đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, khi người dân nông thôn phải di cư từ nơi này sang nơi khác để tìm kiếm những hệ sinh thái phù hợp có thể hỗ trợ sinh kế.

 

Băng tan sẽ ảnh hưởng lớn tới các hệ thống nông nghiệp ở châu Á. Khi lượng nước tích trữ ở các dòng sông băng giảm xuống, nguy cơ lũ lụt ngắn hạn sẽ tăng lên. Điều này sẽ khiến lưu lượng nước giảm về trung hạn và dài hạn. Cả hai hệ quả này của hiện tượng băng tan đều đe dọa sản xuất lương thực ở một số vùng có mật độ dân cư cao nhất thế giới.

 

Nước biển dâng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng xâm mặn, ngập lụt, sóng thần, xói mòn và các thảm họa khác. Nguy cơ này đặc biệt nghiêm trọng với những cộng đồng sống trên đảo. Thực tế đã chứng tỏ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ phá hủy sinh kế và nền nông nghiệp thương mại ở nhiều hòn đảo nhỏ.

 

Tại những vùng đồng bằng đông đúc dân cư như đồng bằng sông Hằng, sông Mê Kông và sông Nile, nước biển dâng cao 1m có thể ảnh hưởng tới 23,5 triệu người và làm giảm diện tích đất nông nghiệp chính hiện nay ở mức ít nhất là 1,5 triệu ha. Nước biển dâng cao 2m sẽ ảnh hưởng thêm tới 10,8 triệu người và hủy hoại thêm ít nhất 969.000 ha đất nông nghiệp.

 

Nhiều người sẽ không thể di chuyển đủ xa để tránh những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, trừ khi họ nhận được hỗ trợ. Bên cạnh đó, các nghiên cứu tình huống điển hình cho thấy những người di cư vì lý do môi trường có thể lại tìm đến những nơi có điều kiện sống bấp bênh y như những vùng đất mà họ buộc phải rời đi.

 

Khuyến nghị chính sách

Một tư duy mới và một cách tiếp cận thực tế là rất cần thiết để đối phó với những nguy cơ mà tình trạng di cư do biến đổi khí hậu gây ra đối với an ninh con người. Trong đó, những nguyên tắc và những cam kết hành động sau đây cần được thực hiện bởi các bên liên quan ở tất cả các cấp:

 

Tránh biến đổi khí hậu nguy hiểm: Giảm phát thải khí nhà kính đến mức an toàn.

 

Nếu Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc đang diễn ra không mang lại một sự đồng thuận quốc tế nào, chúng ta gần như chắc chắn sẽ bỏ qua mọi kịch bản về mức phát thải an toàn và sẽ đẩy thế hệ tương lai vào một thế giới nguy hiểm hơn, nơi mà tình trạng di cư và mất chỗ ở do biến đổi khí hậu trên diện rộng là thực sự không thể tránh khỏi.

 

Tập trung vào vấn đề an ninh con người: Bảo vệ chân giá trị và quyền cơ bản của những người bị mất chỗ ở do biến đổi khí hậu.

 

Tình trạng mất chỗ ở và di cư liên quan đến khí hậu nên được giải quyết trước hết như một vấn đề “an ninh con người”. Không nên để những cảnh báo mang tính duy cảm châm ngòi cho những chính sách tiêu cực chỉ nhằm ngăn cản luồng di cư của“những người tị nạn môi trường”mà không thực sự quan tâm đến chất lượng cuộc sống của họ.

 

Đầu tư để tăng khả năng thích nghi: Tăng cường khả năng thích nghi của con người trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để giảm số người buộc phải di cư.

 

Sự sụp đổ của các dạng sinh kế phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên có lẽ sẽ còn là nguyên do chính của tình trạng di cư dài hạn trong vòng hai đến ba thập kỷ tới. Biến đổi khí hậu sẽ càng làm tình hình xấu đi trừ phi những cộng đồng bị thiệt thòi, đặc biệt là những nhóm nghèo nhất, được hỗ trợ để tạo lập sinh kế thích nghi với biến đổi khí hậu.

 

Ưu tiên những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất thế giới: Thiết lập những cơ chế và cam kết chặt chẽ để đảm bảo ngân sách hỗ trợ thích nghi đến được với người cần nó nhất.

 

Các thảo luận trong Công ước Khung về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (UNFCCC) hiện nay đang tập trung vào cách thức tạo ra nguồn ngân sách đủ để hỗ trợ thích nghi ở các nước đang phát triển và phương thức quản lý các nguồn ngân sách này. Đây là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, phương thức luân chuyển nguồn quỹ để nó đến được với những người cần nhất cũng là việc quan trọng không kém. Chính vì thế xây dựng những tiêu chuẩn khách quan để đánh giá mức độ tổn thương trước những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, bao gồm cả nguy cơ mất chỗ ở của con người, để đưa ra hướng dẫn cho hỗ trợ ưu tiên là rất cần thiết.

 

Lồng ghép di cư vào các chiến lược thích nghi: Thừa nhận và thúc đẩy vai trò không thể phủ nhận của di cư trong các chiến lược thích nghi của cá nhân, hộ gia đình và quốc gia.

 

Hàng thiên niên kỷ qua, con người đã tiến hành di cư cả ngắn hạn và dài hạn như một cách ứng phó mang tính thích nghi với những sức ép từ khí hậu. Ngày nay, hàng triệu cá nhân và gia đình cũng đang trải qua tình trạng này dưới nhiều hình thức khác nhau. Sự di chuyển của loài người – cả vĩnh viễn và tạm thời, cả bên trong biên giới và xuyên biên giới – phải được tính đến trong các kế hoạch thích nghi của mỗi quốc gia và toàn thế giới.

 

Cơ chế hiện tại cho quỹ hỗ trợ thích nghi, vốn dựa trên sự đóng góp tự nguyện, đã bộc lộ những thất bại khi vận hành. Do vậy, các thỏa thuận trong khuôn khổ Công ước Khung về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc phải thiết lập những cam kết ràng buộc đối với các quốc gia có mức phát thải cao kéo dài để bổ sung vào những nguồn cam kết hiện có như vốn ODA.

 

Lấp đầy lỗ hổng trong chiến lược bảo vệ: Lồng ghép biến đổi khí hậu vào trong các khung chương trình đối phó với tình trạng mất chỗ ở và di cư ở tầm quốc gia và quốc tế hiện có.

 

Những thách thức đặc biệt do biến đổi khí hậu đem lại phải được đưa vào trong các quy chuẩn và các công cụ pháp luật ứng phó với tình trạng mất chỗ ở và di cư.

 

Biến đổi khí hậu sẽ tạo ra các quốc gia biến mất và những xứ sở không thể sinh tồn. Không giống những người bị mất chỗ ở do xung đột hoặc khủng bố, vì họ vẫn có hy vọng trở lại quê hương một ngày nào đó, những người bị mất chỗ ở do ảnh hưởng liên tục và thường xuyên của biến đổi khí hậu cần được tái định cư vĩnh viễn ở một vùng đất khác.

 

Biến đổi khí hậu khiến điều kiện sống bị hủy hoại không thể phục hồi, dẫn tới những trường hợp khó có thể phân biệt là di cư tự nguyện hay di cư bắt buộc. Hiện nay, những người di cư do điều kiện sống dần xấu đi có thể được xếp vào nhóm di cư tự nguyện vì lý do kinh tế, và do vậy nhu cầu được bảo vệ đặc biệt của họ bị phủ nhận.

 

Để đáp ứng một cách hợp lý các thách thức này, những người có trách nhiệm cần những hướng dẫn rõ ràng để bảo vệ quyền lợi cho người di cư do môi trường.

 

Các cơ quan bảo vệ quyền lợi cơ bản của dân di cư và người bị mất chỗ ở hiện đang thiếu ngân sách và bị dàn trải quá mức. Biến đổi khí hậu sẽ càng gây thêm sức ép, khiến cho các hoạt động bảo vệ trở nên khó khăn hơn. Do đó, cộng đồng quốc tế phải bắt đầu những thảo luận nghiêm túc về cách thức thực hiện bổn phận của mình trong việc bảo vệ người di cư và mất chỗ ở do sự thay đổi mạnh mẽ của môi trường. Tăng cường nguồn lực của các cơ quan nhà nước và quốc tế để bảo vệ quyền của những người bị mất chỗ ở do biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách.

 

Hạn chế biến đổi khí hậu và tình trạng di cư – thách thức và nhiệm vụ toàn cầu

 

Biến đổi khí hậu đang xảy ra với tốc độ và cường độ mạnh hơn dự đoán ban đầu. Giới hạn an toàn về khí nhà kính trong khí quyển có thể thấp hơn nhiều so với mức chúng ta đã tưởng và chúng ta có lẽ đang tới gần hơn với điểm bùng phát không thể tránh khỏi. Trong khi đó, lượng phát thải khí CO2 toàn cầu đang tăng với mức độ và tốc độ ngày càng cao. Các nỗ lực nhằm giảm phát thải đều quá ít ỏi và muộn màng.

 

Ảnh hưởng của sự biến đổi về môi trường đối với tình trạng di cư là rất rõ ràng và đang ngày càng tăng lên. Các ước tính hiện tại và dự đoán tương lai về số người buộc phải di cư đang rất cách biệt, dao động từ 25 đến 50 triệu vào năm 2010 cho tới gần 700 triệu vào năm 2050. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đưa ra một con số ở khoảng giữa là 200 triệu người di cư do môi trường vào năm 2050.

 

Hầu hết những người buộc phải di cư đều tìm kiếm nơi trú ẩn ngay trên đất nước mình, trong khi một số khác sẽ tìm kiếm nơi nương náu tốt hơn bên ngoài biên giới. Sự mất chỗ ở và tình trạng di cư có thể được ngăn chặn bằng cách triển khai các biện pháp thích nghi. Tuy nhiên, các nước nghèo không được trang bị đầy đủ để hỗ trợ thích nghi trên diện rộng.

 

Kết quả là các cộng đồng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như bị nhốt trong vòng xoáy của sự hủy hoại sinh thái mà ở dưới đáy, các mạng lưới an sinh xã hội sẽ sụp đổ khi những căng thẳng và bạo lực gia tăng. Trong kịch bản xấu nhất nhưng hoàn toàn có thể xảy ra này, các cộng đồng lớn sẽ buộc phải lựa chọn di cư như một cách thức để tồn tại.

 

Tình trạng di cư và mất chỗ ở liên quan đến khí hậu chỉ có thể giải quyết thành công khi nó được nhìn nhận như một tiến trình mang tính toàn cầu chứ không chỉ là sự khủng hoảng địa phương. Nguyên tắc trách nhiệm chung song cũng có sự khác biệt – cả theo hướng giảm tối thiểu sự mất chỗ ở và cả theo hướng hỗ trợ các trường hợp bắt buộc phải di cư – sẽ là nền tảng cho đàm phán về chính sách và những kết quả tiếp sau đó. Trách nhiệm hỗ trợ và bảo vệ những cộng đồng bị mất chỗ ở không thể chỉ đặt lên vai những quốc gia bị ảnh hưởng.

 

Phạm vi và mức độ của các thách thức mà chúng ta đang phải vượt qua có thể lớn chưa từng có, song chúng ta đã sẵn sàng đối mặt với chúng bằng những nguồn lực sẵn có như kiến thức, kỹ năng và sự hợp tác nhằm bảo vệ chân giá trị và các quyền cơ bản của những người đang bị đe dọa bởi nguy cơ mất chỗ ở do biến động môi trường.


Trích Báo cáo “Tìm kiếm nơi trú ẩn: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên tình trạng di cư và mất chỗ ở của con người” (In Search of Shelter: Mapping the Effects of Climate Change on Human Migration and Displacement) của Tổ chức Care.

 

Độc giả có thể tham khảo Báo cáo đầy đủ tại đây.