Việt Phủ – Điểm đến hấp dẫn ở Hà Nội

ThienNhien.Net – Không hẳn là bảo tàng, cũng không phải là điểm đến để vui chơi, giải trí… Việt Phủ Thành Chương là nơi gìn giữ, sưu tập tinh hoa văn hoá truyền thống Việt, cũng là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều du khách. Mới đây, Việt Phủ đã chính thức đề nghị thành phố Hà Nội ghi nhận hoạt động của mình với tư cách là một thành viên tham gia hưởng ứng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và Năm Du lịch Quốc gia 2010.


Việt Phủ Thành Chương hay thường gọi là Việt Phủ (ở dốc Dây Diều, xóm Cầu Gà, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) là công trình văn hóa nghệ thuật và tâm linh, được xây dựng từ năm 2001, từ ý tưởng ban đầu của họa sĩ Thành Chương là tạo dựng một không gian văn hóa, nghệ thuật, tâm linh rất Việt Nam dành cho riêng ông và gia đình. Nhưng ngay sau đó, công trình thu hút sự chú ý của công chúng vì sự hấp dẫn của một mô hình bảo tàng ngoài trời hết sức sống động, được coi là chưa từng có ở Việt Nam.

Năm 2003, đến thăm nơi này cùng phái đoàn của Hoàng gia, Hoàng hậu Thụy Điển đã nói: “Đến đây tôi đã hiểu thế nào là văn hóa truyền thống Việt Nam” và bày tỏ mong muốn xây dựng một không gian tương tự tại đất nước Thụy Điển. Kể từ đó, Việt Phủ trở thành điểm đến của nhiều nhân vật nổi tiếng trong và ngoài nước, và quan trọng hơn, đã trở thành một niềm tự hào về quê hương đất nước của nhiều người Việt Nam, cũng như sự khám phá đầy ấn tượng với du khách quốc tế.

Sự ra đời của Việt Phủ thực sự góp phần quan trọng cho văn hóa của Thủ đô. Bên cạnh những nhà hát, viện bảo tàng, di tích cổ của Thành phố, lần đầu tiên xuất hiện một “lâu đài” Việt cổ, một không gian văn hóa Việt truyền thống, thể hiện sự đầu tư nghệ thuật đầy tâm huyết.

Sau 6 năm mở cửa đón bạn bè thân hữu tới thăm, rồi phải tạm thời hạn chế vì lượng người đến thăm quá đông, cách đây mấy tháng, Việt Phủ đã mở cửa rộng rãi trở lại để đón tiếp du khách. Nhưng lần mở cửa này, Việt Phủ đã được đặt dưới sự quản lý và điều hành của Công ty TNHH Việt Phủ Thành Chương và có thu vé tham quan.

Những hoạt động gần đây của Việt Phủ bắt đầu chứng tỏ sự chuyên nghiệp hóa trong khâu tổ chức đón tiếp khách du lịch. Với công nghệ hướng dẫn tham quan chuyên nghiệp và thông dụng nhất trên thế giới, du khách có thể tham quan không cần người hướng dẫn và tùy chọn những nội dung cần nghe từ một chiếc máy nhỏ gọn, thông minh. Sự khác biệt của Việt Phủ là ở chỗ mọi hoạt động, sự kiện tổ chức ở đây đều nằm trong khuôn khổ một cuộc tham quan văn hóa và đón khách với số lượng hạn chế.

Về phía Thành phố, đáp lại lời đề nghị của Việt Phủ, Thành phố đã tổ chức những chuyến thăm, khảo sát và làm việc tích cực với Việt Phủ nhằm xúc tiến, quảng bá Việt Phủ như một điểm đến văn hóa tiêu biểu của thành phố.

Theo họa sỹ Thành Chương, tuy giá trị tài sản của Việt Phủ thuộc gia đình, nhưng giá trị văn hóa thì lại thuộc xã hội. Cho nên, ghi nhận Việt Phủ là một điểm du lịch văn hóa mới của thành phố theo mô hình xã hội hóa sẽ có tác dụng hỗ trợ Việt Phủ trong việc quảng bá hình ảnh và bảo tồn Việt Phủ.