Hồ Lắk – Thiên nhiên huyền ảo

Không chỉ là nguồn lợi lớn đối với người Tây Nguyên mà hồ Lắk còn là điểm đến quyến rũ đối với du khách. Hồ rộng 500 ha nằm giữa đại ngàn hình thành một vùng đa dạng sinh thái rộng lớn đang được bảo tồn. Nếu như Tây Nguyên đẹp và thơ mộng bởi nét hoang dã thì hồ Lắk là điểm nhấn…

Theo người Ê-đê, Đắk có nghĩa là nước, Lắk có nghĩa là hồ; Đắk Lắk có nghĩa là nước hồ. Có lẽ vì đến Tây Nguyên, đâu đâu cũng thấy “hồ trên núi”. Trong số các hồ ở đây, hồ Lăk trở thành một địa điểm luôn được nhắc khi nói đến du lịch Tây Nguyên. Hồ Lắk luôn là sự lựa chọn của nhiều du khách, đặc biệt cho hoạt động dã ngoại.

Hồ Lắk nằm cao hơn mực nước biển khoảng 500 mét. Nhiều người nói rằng, nơi đây có đủ bốn mùa trong một ngày. Bắt đầu từ xuân ấm áp vào buổi sáng; cái nắng hanh hanh, có lúc đến oi bức vào buổi trưa; sắc vàng thu rực rỡ của trời chiều; và khi ánh nắng chợt tắt thì “nơi này chìm trong mùa đông”.

Du khách thường chọn thời điểm buổi chiều để tham quan hồ Lắk. Sắc vàng của nắng trải trên mặt hồ mênh mông rồi chuyển sang màu tím khi hoàng hôn xuống dần tạo nên một ấn tượng khó quên vì vẻ đẹp huyền ảo của thiên nhiên. Trong thung lũng sông Knô (Krông Knô), hồ Lắk nằm giữa đại ngàn bao phủ tạo ra một vẻ đẹp vừa hoang dã mà yên bình.

Hồ Lắk là hồ tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Từ khoảng năm 1995, hồ Lắk và hệ sinh thái xung quanh hồ đã được Nhà nước đưa vào diện bảo tồn để giữ lại sự đa dạng sinh học, động thực vật đặc hữu. Rừng nguyên sinh quanh hồ Lắk còn giữ được ổn định cho dòng chảy con sông Ana (Krông Ana) luôn hiền hòa…

Cạnh bờ hồ là Buôn Jun của người M’Nông. Jun theo tiếng bản địa có nghĩa là “thừa hưởng”, “lấy cái sẵn có mà ăn”. Bởi lẽ, hồ Lắk và sự đa dạng sinh thái đã mang lại nguồn lợi lớn, sự trù phú cho cư dân nơi đây.

Khu rừng quanh hồ Lắk rộng hơn 12.000 ha. Các nhà khoa học đã phát hiện tại rừng nguyên sinh này có 548 loài thực vật thuộc 118 họ, hệ động vật có 132 loài chim, 61 loài thú, 43 loài lưỡng cư-bò sát… Hệ sinh thái hồ Lắk đã mang lại màu mỡ cho đất đai. Người Ê-đê, M’Nông nhờ đó mà làm nông nghiệp rất tốt. Hồ nước quanh co tạo nên những đầm lầy, vùng trũng tạo thành những ao hồ lớn nhỏ.

Các cư dân quanh hồ có thể sống hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, nhờ vào khai thác thủy sản trong hồ và động, thực vật quanh hồ. Tại đây, có biệt điện của vua Bảo Đại, nhà dài đặc trưng của người M’Nông. Đất và người nơi đây sống hòa quyện tạo nên một không gian gây thích thú với với du khách và cả các nhà khoa học. Không gian này đã được xác định là Khu rừng lịch sử – Văn hóa và Môi trường hồ Lắk.

Tại khu du lịch hồ Lắk, du khách được cỡi voi vượt hồ, đi thuyền độc mộc… Con trai, con gái ở Buôn Jun không chỉ bắt cá, làm ruộng giỏi mà còn có tài văn nghệ gắn với văn hóa truyền thống. Đêm bên ánh lửa bập bùng trong tiết đông cuối ngày du khách cùng cư dân bản địa nhảy múa thì còn gì bằng. Tiếng cồng chiêng vang vọng giữa núi rừng. Đêm khuya, rượu cần đã ngà say. Những bài hát ngẫu hứng cất lên cao vút. Âm thanh như được đưa đi xa hơn và vang mãi bởi mặt hồ mênh mông và xanh thẳm đại ngàn. “Mùa đông” như dài hơn nhưng ấm áp tình người…