Các nhà tài trợ quan tâm đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam

ThienNhien.Net – Cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đã mạnh mẽ thể hiện sự ủng hộ chính sách phát triển của Việt Nam bằng cam kết viện trợ ODA dành cho Việt Nam hơn 8 tỷ USD, khoản viện trợ kỷ lục từ trước đến nay. Công bố này được đưa ra tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam kết thúc chiều ngày 04/12/2009 tại Hà Nội.


Gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức tài chính đa phương và tổ chức quốc tế đã cam kết dành 8.063,85 tỷ USD vốn ODA năm 2010 cho Việt Nam. Ngân hàng Thế giới là nhà tài trợ lớn nhất với mức công bố 2.498 tỷ USD; tiếp theo đó là Nhật Bản (1.640 tỷ), Ngân hàng Phát triển Châu Á (1.479 tỷ) và Liên minh Châu Âu (1.082 tỷ). Các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGOs) cũng đã cam kết tài trợ 250 triệu USD.

Nguồn vốn ODA này, bao gồm vốn vay ưu đãi (6,6 tỷ) và vốn viện trợ không hoàn lại (1,4 tỷ), sẽ ưu tiên giúp Việt Nam chi tiêu cho phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong các nội dung đối thoại và thảo luận với Chính phủ, biến đổi khí hậu (BĐKH) là chủ đề được các nhà tài trợ quan tâm nhất với hơn 20 ý kiến được đưa ra. Hầu hết đại diện các nhà tài trợ đều đánh giá cao và cam kết ủng hộ Chính phủ Việt Nam triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Ứng phó Biến đổi khí hậu (NTP) ban hành năm 2008.

Các nhà tài trợ đề nghị Việt Nam nhanh chóng thể chế hóa và lập kế hoạch thực hiện NTP; xây dựng cơ chế điều phối, phối hợp giữa các bộ ngành; huy động và sử dụng các nguồn tài trợ hiệu quả; thúc đẩy lồng ghép BĐKH vào chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2010-2020; tăng cường sự tham gia và giám sát của nhân dân.

Các nhà tài trợ mong muốn Việt Nam sẽ có những tuyên bố và lập trường rõ ràng tại Hội nghị liên chính phủ về BĐKH (COP15) sẽ diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch), nhất là vấn đề năng lượng.

Kết luận hội nghị, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhấn mạnh rằng việc triển khai thực hiện NTP của Việt Nam còn một số điểm chưa rõ ràng, cần tiếp tục mở rộng đối thoại với Chính phủ, tránh sử dụng phí phạm các nguồn tài trợ. Bà cũng lưu ý việc giải quyết vấn đề BĐKH phải gắn bó chặt chẽ với công tác giảm nghèo, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý lưu vực sông, sự tham gia của xã hội dân sự, và mong muốn sẽ có nhiều khoản vay không hoàn lại để giải quyết BĐKH dành cho Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, Võ Hồng Phúc đã khẳng định rằng Chính phủ Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề BĐKH trong chiến lược phát triển KT-XH, và đã nhận thức rằng đây không chỉ là nguy cơ cho Việt Nam, mà còn là mối đe dọa an ninh lương thực cho cả thế giới nếu Việt Nam bị tác động.

Bên cạnh nỗ lực của Việt Nam, ông kêu gọi các nhà tài trợ và các quốc gia phát triển phải chia sẻ và thực thi trách nhiệm, cùng chống lại tác động tiêu cực của BĐKH. Bộ trưởng đã nhấn mạnh “tài trợ là tiền thuế của nhân dân các bạn. Chính phủ Việt Nam có trách nhiệm giải ngân và sử dụng vốn ODA hiệu quả nhất, và chúng ta cùng nhau giám sát các nguồn tài trợ này”.