Nguy cơ tiềm ẩn từ ngành nuôi trồng thủy sản

ThienNhien.Net – Theo một tổ chức chuyên nghiên cứu về các nước đang phát triển, nuôi tôm được coi là một ngành công nghiệp đầy tiềm năng cho xuất khẩu lại đang gây ra suy thoái môi trường và xã hội nghiêm trọng tại nhiều nước, chủ yếu ở Châu Á. Điều này làm nảy sinh một loạt các vấn đề về sản lượng bền vững cũng như khả năng tồn tại của ngành công nghiệp này sau vài năm nữa. Và câu hỏi đặt ra là liệu có thể cải thiện nó hay nên từ bỏ?

Ở một số nơi, ngư dân đã lên tiếng phản đối việc bị mất đi đất đai và nguồn nước để nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, một số công ty thương mại đã thành lập các trang trại nuôi trồng thủy sản dựa trên chính sách quốc gia và thường được hỗ trợ công nghệ hay tài chính bởi các cơ quan quốc tế. Các trang trại này được thành lập khoảng 5 đến 10 năm trước và nằm dọc theo bờ biển.

Từ những năm 1970, sản lượng tôm nuôi toàn cầu đã tăng vọt với tốc độ chóng mặt. Năm 1990, các nước Châu Á đã sản xuất 556.500 tấn tôm chiếm 80% sản lượng thế giới với 820.000 hecta đất ven biển đã được sử dụng để nuôi tôm.

Việc mở rộng nhanh chóng nuôi trồng thủy sản được gọi là “cuộc cách mạng màu xanh nước biển”, tiếp sau thuật ngữ “cuộc cách mạng xanh lá cây” được sử dụng để mô tả cho sự khởi đầu của nền nông nghiệp hóa học. Trong khi các vấn đề liên quan đến “Cuộc cách mạng xanh lá cây” hiện đang phát triển thì “cuộc cách mạng xanh nước biển” đã gây ra những hậu quả môi trường và xã hội trên diện rộng.

Hàng nghìn nông trại ở khu vực ven biển đang chịu những tác động rất nghiêm trọng. Các trang trại nuôi trồng thủy sản mọc lên đã xâm phạm đến đất đai. Chủ trương của nhà nước cũng buộc di dời các nông trại để dành chỗ cho nuôi trồng thủy sản với số tiền đền bù ít ỏi. Hơn thế nữa, nhiều nông trại lại bị đe dọa bởi nguồn nước nhiễm mặn từ các hồ nuôi tôm đổ vào các cánh đồng, làm suy giảm nghiêm trọng sản lượng nông nghiệp.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng các đầm tôm và trạm bơm, đất đai cũng như nhiều cánh rừng ngập mặn đã bị san phẳng và đào xới. Nước thải ô nhiễm từ các hồ nuôi tôm đổ thẳng ra biển làm suy thoái và gây độc cho môi trường sống của các loài thủy sản, đồng thời ngấm vào các vùng đất xung quanh gây ô nhiễm đất. Nguồn nước ngọt bị nhiễm mặn cũng sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và tưới tiêu của người dân.

Các cộng đồng ngư dân cũng chịu ảnh hưởng xấu do các hồ nuôi trồng thủy sản “khóa” đường ra biển từ làng họ, lấn chiếm đất đai, gây ô nhiễm nước hồ, đánh bắt tôm non làm giống và xâm phạm các khu vực neo đậu tàu thuyền cũng như vùng đánh bắt của họ.

Chuỗi vấn đề trên hiện đang được quan tâm ở các nước Nam Á, Đông Nam Á, Trung Quốc và một số quốc gia châu Phi. Ở Ecuador, các tổ chức bảo vệ môi trường thậm chí còn đề ra các chiến dịch chống lại nghề nuôi tôm và tẩy chay việc tiêu thụ tôm.

Trong khi các tác động xấu của việc nuôi trồng thủy sản đã được thấy rõ thì vẫn có quan niệm cho rằng các hoạt động nuôi trồng thủy sản là thân thiện với môi trường và tăng nguồn cung cấp thực phẩm cho dân nghèo. Điều này có thể do ngành nuôi trồng thủy sản đã tồn tại trong nhiều thế kỷ và nó giúp cải thiện điều kiện sống của ngư dân trong các ngư trường và trang trại nhỏ ở Châu Á. Tuy nhiên có sự khác biệt rất lớn giữa các phương pháp nuôi trồng truyền thống của người dân và hệ thống thương mại hóa mới.

Theo một cuộc khảo sát về thói quen và hiện trạng nuôi trồng thủy sản ở Châu Á, thì nuôi trồng thủy sản truyền thống thường có quy mô nhỏ và thay nước dựa vào thủy triều tự nhiên. Tại một số nước, như Ấn Độ, Băng–la–đét và Thái Lan có hệ thống nông nghiệp truyền thống lúa – tôm luân phiên, nghĩa là trồng lúa vào một số vụ trong năm và nuôi tôm cá vào các vụ còn lại. Các hóa chất, chất kháng sinh và thức ăn chế biến sẵn không được sử dụng. Tuy mang lại sản lượng thấp song phương pháp tự nhiên, được gọi là nuôi trồng quảng canh, lại bền vững trong 1 thời gian dài. Việc đánh bắt thường chỉ phục vụ cho gia đình tiêu dùng hay bán tại địa phương.

Phương pháp hiện đại có quy mô rộng hơn và thường thâm canh hay bán thâm canh trong tự nhiên. Phương pháp này đòi hỏi nhiều vốn hơn, nó được điều hành bởi các công ty thương mại và thường thuộc sở hữu nước ngoài, chủ yếu là công ty xuất khẩu tôm. Trong nuôi trồng thủy sản thâm canh, các loài được chọn làm giống được dự trữ dày đặc. Để duy trì quần thể đông đúc và đạt hiệu suất cao, thức ăn nhân tạo, các chất phụ gia hóa học và các chất kháng sinh được sử dụng. Điều này, cùng với phân tôm, làm cho nước thải từ các hồ bị nhiễm độc. Thâm canh tự nhiên cũng làm cho đời sống cá nuôi dễ bị bệnh.

Nora Ibrahim, nhà nghiên cứu sinh vật của Malaysia, cho biết: “Các nghiên cứu chỉ ra rằng tốc độ dự trữ dày đặc có thể gây ra vấn đề áp lực và tăng tính nhạy cảm đối với dịch bệnh. Mật độ lớn dẫn đến chất lượng nước xấu do giảm mức oxy, các sản phẩm của sự trao đổi chất tích lũy và phân cao, gây tăng trưởng đột biến và làm lan truyền các sinh vật ký sinh độc hại, các vi sinh vật và các mầm bệnh”.

Để duy trì chất lượng nước đối với quần thể lớn này, một lượng lớn nước ngầm và nước biển được bơm đều đặn đến các hồ để thiết lập điều kiện nước nhân tạo cần thiết cho sự sống của tôm hay cá. Nước thải tương ứng được bơm ra ngoài sẽ làm ô nhiễm môi trường nước xung quanh.

Bên cạnh các tác động xã hội và sinh thái, việc nuôi trồng thủy sản thâm canh cũng đang đối mặt với hàng loạt các vấn đề về bệnh tật và thiệt hại về môi trường tại nhiều nước Châu Á. Tại nhiều quốc gia ở Châu Á, sản lượng tôm có chiều hướng giảm mạnh và một loạt các bệnh dịch đang hoành hành tại Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan và Ecuador.

Các bệnh dịch này gây ra bởi virus, vi khuẩn và động vật nguyên sinh. Việc sử dụng hóa chất độc hại và các chất kháng sinh một cách bừa bãi cũng làm giảm khả năng kháng bệnh của tôm. Sản lượng giảm cũng do dự trữ quá mức, quá nhiều mùa vụ trong một năm, thức ăn chế biến sẵn được sử dụng không đúng cách và sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức .

Gần đây, Tòa án tối cao Ấn Độ đã đưa ra một phân tích về chi phí và lợi ích của vấn đề này, kết luận rằng việc nuôi tôm tại 2 bang của nước này đã gây ra tác hại đến nền kinh tế nhiều hơn là lợi. Tại vùng Andhra Pradesh, các chi phí xã hội và môi trường đã vượt quá 1/4 mức lợi ích kinh tế trong khi vùng Tamil Nadu chịu thiệt hại lớn gấp rưỡi những lợi ích.

Trên thực tế, nuôi trồng thủy sản tại nhiều nơi đã không mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn mà lại gây ra một chuỗi các thiệt hại tại các nước sản xuất. Đây là lúc các chính phủ cần xem xét lại các vấn đề liên quan đến nuôi trồng thủy sản cũng như các chính sách phát triển nông thôn của họ, và cũng là thời điểm cho các cơ quan quốc tế có các phản hồi thiết thực trước các tác động xấu do việc tài trợ và khuyến khích nuôi trồng thủy sản của họ gây ra.