Trung Quốc: Năng lượng xanh và bầu trời xám

ThienNhien.Net – Trung Quốc đang trên đà trở thành quốc gia số 1 thế giới về năng lượng tái tạo, song trớ trêu thay, đến nay quốc gia này vẫn là một trong những nước ô nhiễm nặng nhất thế giới. Một năm sau Thế vận hội Olympic Bắc Kinh, sự kết hợp giữa sức mạnh kinh tế và chính trị đã biến Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu về năng lượng thay thế và cả ô nhiễm nước, không khí.


Một năm sau Thế vận hội Olympic Mùa Hè 2008, bầu trời Trung Quốc được bao phủ bởi một màu xám mờ mịt. Bước xuống đường phố, người ta không khỏi có cảm giác khó chịu ở cổ họng và mắt. Theo một nghiên cứu gần đây do Đại học Bắc Kinh và Đại Học Bang Oregon cùng tiến hành, khoản đầu tư 20 triệu USD của Trung Quốc để làm sạch bầu trời phục vụ cho Olympic 2008 thực tế lại khiến chất lượng không khí phần nào bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, xét trên toàn cảnh, các khoản đầu tư của chính phủ và nước ngoài đã giúp Trung Quốc đạt được nhiều bước tiến về môi trường. Các thành phố của Trung Quốc đã thâm nhập sâu vào ngành công nghiệp năng lượng gió. Công suất năng lượng gió được lắp đặt ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong tám năm qua.

Nhiều chuyên gia còn lạc quan cho rằng Trung Quốc có thể thực hiện được kế hoạch năng lượng tái tạo đầy tham vọng của mình là tăng tỉ tọng năng lượng tái tạo lên ít nhất 15% tổng năng lượng vào năm 2020. Trung Quốc cũng đang cố gắng giảm mức độ tiêu thụ điện trên mỗi một đơn vị GDP khoảng 20% trong thời gian 5 năm tới.

Đây là hai trong số những mục tiêu “xanh” tham vọng nhất thế giới và có thể biến Trung Quốc trở thành nước sản xuất và tiêu thụ năng lượng thay thế lớn nhất chỉ trong hơn một thập kỷ nữa.

Nhìn từ bên ngoài, có vẻ như Trung Quốc đã vượt mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo một cách ngoạn mục. Song nhìn sâu vào bên trong, sự phát triển ấy lại vẽ lên một bức tranh không mấy sáng sủa. Chất lượng nước và không khí ở Trung Quốc hiện rất thấp. Sau Thế vận hội, tình hình có cải thiện chút ít ở một số khu vực, song nhiều nơi vẫn giữ nguyên trạng và thậm chí tình hình còn tồi tệ hơn ở một số nơi.

Thật mâu thuẫn khi Trung Quốc vừa là nơi “xanh” nhất, song cũng lại là nơi ô nhiễm nhất trên thế giới – nước dẫn đầu thế giới về phát triển năng lượng thay thế, song cũng đồng thời là nước phát thải khí CO2 lớn nhất thế giới. Tỉ lệ năng lượng thay thế trong tống năng lượng sử dụng đang tăng lên ở Trung Quốc, tuy nhiên nó chỉ có tính bổ sung chứ không thể thay thế nhiệt điện.

Thống kê cho thấy, trong một thập kỉ qua nhiệt điện đã cung cấp 70% năng lượng cho Trung Quốc. Với lợi thế tuyệt đối về quy mô và sự đa dạng, Trung Quốc có tiềm năng để tạo những bước nhảy vọt về công nghệ xanh, đặc biệt là vươn tới mục tiêu về năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, bất chấp thực tế rằng các dòng sông của Trung Quốc thì vẫn đen ngòm và chất lượng không khí rất đáng báo động.

Ở một chừng mực nào đó, những nghịch lý này là có thể hiểu được, bởi là một nước đang phát triển, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc dung hòa giữa lợi ích môi trường và kinh tế.

Theo nhà bình luận chính trị Zhao Jing ở Bắc Kinh, thực sự có 2 vấn đề “xanh” ở Trung Quốc: vấn đề toàn cầu và vấn đề trong nước. Theo đó, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến nổi bật so với các nước trên thế giới, nhưng lại chưa đạt được nhiều tiến triển đối với vấn đề trong nước.

Báo cáo hàng năm của Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đã thừa nhận rằng nỗ lực cải thiện chất lượng nước trên bảy con sông chính của Trung Quốc đã thất bại. Trong khi đó, số người tử vong do bệnh ung thư liên quan tới ô nhiễm tiếp tục tăng, theo thống kê của Bộ Y Tế nước này.

Sương khói đang bao phủ khắp các thành phố của Trung Quốc. Ngành công nghiệp độc hại nhập và xử lý rác thải điện tử nguy hiểm tiếp tục phát triển ở Guiyu, làng rác thải điện tử lớn nhất Trung Quốc, bất chấp các luật định được thực thi để ngăn chặn hoạt động thương mại đầy lợi nhuận này.

Trung Quốc đang rót hàng tỉ USD vào phát triển năng lượng thay thế – một con số cao gấp 10 lần Mỹ, tính theo phần trăm GDP. Số liệu thống kê của chính phủ cũng cho thấy mức tiêu thụ năng lượng trên mỗi đơn vị GDP đã giảm xuống 10% từ năm 2006 đến năm 2008.

Tuy nhiên, có một số khác biệt quan trọng. Ở Trung Quốc, năng lượng thay thế được quan niệm bao gồm cả thuỷ điện và năng lượng hạt nhân, nguồn năng lượng không được coi là năng lượng thay thế ở nước khác. Trong tháng 10 này Trung Quốc cũng đã thông báo kế hoạch tăng công suất điện hạt nhân lên gấp 10 lần trong thập kỉ tới.

Một nghịch lý nữa là trong khi việc lắp đặt các tuốc-bin gió đang diễn ra rầm rộ ở Trung Quốc, không phải tất cả các trạm lắp đặt mới đều đến được với người tiêu dùng, đơn giản chỉ vì những nhà cung cấp năng lượng điện thay thế không thể tiếp cận được thị trường thông qua hệ thống truyền tải điện.

Theo Tạp chí Forbes, khoảng 30% năng lượng gió ở Trung Quốc không được kết nối với hệ thống truyền tải. Vướng mắc một phần là do kỹ thuật (hệ thống hiện tại không được thiết kế cho năng lượng gió), một phần là do chính trị, bởi những công ty lớn kiểm soát việc tiếp cận hệ thống truyền tải điện thường có mối quan hệ thân thiết với các nhà cung cấp điện địa phương và có thể cản trở những nhà sản xuất năng lượng xanh mới.

Cuối cùng, cũng cần lưu ý rằng tất cả các dữ liệu cho thấy các bước tiến trên cả năng lượng thay thế và sử dụng năng lượng hiệu quả ở Trung Quốc đều do chính phủ cung cấp và các số liệu này trên thực tế chưa được kiểm chứng.

Trong khi những ưu tiên quốc gia của Trung Quốc đang thay đổi, thì các chính sách lại không thay đổi. Khi ưu tiên về môi trường và kinh tế ngang nhau, tình thế hiện nay có thể có một bước chuyển đáng kinh ngạc, nhưng khi các mối lợi này cạnh tranh lẫn nhau thì lợi ích kinh tế vẫn thường lấn lướt.

Christina Larson Christina Larson là một nhà báo chuyên viết về các vấn đề môi trường quốc tế, làm việc tại Bắc Kinh và Washington D.C. Cô từng viết cho The New York Times, International Herald Tribune, The New Republic, Washington MonthlyForeign Policy. Cô là thành viên của Quỹ New America.