Đất rừng, đất lúa cần được bảo vệ và phát triển

Đại biểu Quốc hội cho rằng không thể vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi môi trường, bởi chúng ta còn có trách nhiệm gìn giữ tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ sau.

Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế.

Phát biểu tại Hội trường, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng cả về kinh tế, môi trường, xã hội có tính liên kết vùng, nhất là quan tâm đến sinh kế cho những người dân sống từ nghề nông, nghề rừng trên địa bàn; tuyệt đối không đánh đổi bằng mọi giá, phải coi phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu, không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, bởi chúng ta còn có trách nhiệm gìn giữ tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh: Phải coi phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu, không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường. Ảnh: QH.

“Trước hết tôi đồng tình về chủ trương đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển 4 địa phương là Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên- Huế với các lý do như Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách đã nêu”.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, bốn địa phương đều có tiềm năng, thế mạnh, nếu có thêm cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo thêm cú hích phát triển, có tác động lan tỏa, đóng góp lớn cho tăng trưởng không chỉ của địa phương mà còn cho vùng và cả nước.

“Tôi xin nhấn mạnh và đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các địa phương quan tâm đến quản lý đất đai trong các dự thảo Nghị quyết về trao thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho HĐND cấp tỉnh quyết định đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên và đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ”, bà Nguyễn Thị Kim Anh nói.

Canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu có chi phí thấp hơn so với đối chứng khoảng 3 triệu đồng/ha. Ảnh: Võ Việt.

Đại biểu của Bắc Ninh cho rằng đây là giải pháp nhằm tăng thẩm quyền, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương trong việc chủ động phản ứng nhanh, giảm phiền hà, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nắm bắt thời cơ, cơ hội để thu hút các nhà đầu tư, tạo bứt phá để phát triển.

Thanh Hóa và Nghệ An là hai địa phương đề nghị được trao quyền chuyển đổi đất rừng, cũng là hai tỉnh có diện tích rừng rất lớn (tỉ lệ che phủ rừng của Thanh Hóa là 53,46%; Nghệ An là 58,50%, cao hơn độ che phủ rừng bình quân cả nước hiện là 42%). Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, môi trường, là môi trường sống của hàng triệu đồng bào qua hàng ngàn năm.

Việt Nam có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 33 triệu ha (phần đất liền), chủ yếu là đất đồi núi (chiếm khoảng 70%). Đất có thể trồng lúa, có tiềm năng cho năng suất cao không nhiều, phần lớn là ở những lưu vực phù sa của các con sông lớn, các vùng đất bằng phẳng, gần các thành phố, khu vực đông dân cư… nên diện tích đất lúa bị chuyển đổi sang các mục đích khác tăng cao trong thời gian gần đây.

Để hình thành đất trồng lúa 2 vụ trở lên cần phải có thời gian bồi đắp, cải tạo tương đối dài (hàng chục năm), ngay cả với các loại đất thích hợp cho trồng lúa, khi chuyển đất trồng lúa sang mục đích khác, sẽ phá vỡ cấu trúc đất, phá vỡ tầng đế cầy.

Đất rừng, nhất là rừng phòng hộ, là nguồn sinh thủy, cần được bảo vệ và phát triển để bảo đảm an ninh nước – tài nguyên chiến lược thứ hai sau tài nguyên con người.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị Quốc hội phân quyền nhưng phải có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, có cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng; phân cấp phải gắn liền với trách nhiệm – phải cá thể hóa trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, của cấp ủy HĐND trong việc thực hiện quyền Quốc hội giao.

Chính phủ phải xây dựng cơ chế thường xuyên kiểm tra, thanh tra để đảm bảo việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phải được HĐND cấp tỉnh xem xét, cân nhắc, quyết định khi không còn phương án lựa chọn nào khác.