Không né tránh, kiểm điểm cán bộ trong vụ Formosa gây ô nhiễm

ThienNhien.Net – Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 3.11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, các cơ quan chức năng đang xem xét, kiểm điểm trách nhiệm quản lý nhà nước ở các cấp liên quan trong sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung do Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội

Thưa ông, trong phiên thảo luận hôm qua (2.11), ĐB Trần Công Thuật (Trưởng Đoàn ĐBQH Quảng Bình) đặt vấn đề tại sao đến nay chưa có ai phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước trong vụ Formosa xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Toàn bộ công việc trong xử lý sự cố môi trương này được Đảng, nhà nước làm hết sức khẩn trương, triệt để, đồng bộ mọi vấn đề, trong đó có việc xem xét lại trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

Việc này, đòi hỏi khách quan theo đúng quy định, làm rất kỹ, có sự thống nhất, công bố cho toàn dân, không né tránh gì cả.

Vậy, đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chỉ đạo kiểm điểm xử lý thế nào?

Hiện nay, Bộ đang phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương trực tiếp kiểm tra lại các dấu hiệu. Còn về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Ban Cán sự đảng đã kiểm điểm, báo cáo và đang chờ cấp trên xem xét có kết luận. Tất cả đang làm theo trình tự. Khi phải làm về tổ chức, đánh giá tổ chức con người phải làm đúng quy định liên quan. Như Thủ tướng nói, tất cả sẽ làm, làm tới đâu công bố tới đó

Có thông tin Bộ trưởng đã ký quyết định kỷ luật một số cá nhân có lên quan? 

Việc ấy đang được triển khai. Hiện nay Bộ trưởng chưa ký một quyết định nào cả.

Trong số các cá nhân có liên quan thì có một số lãnh đạo đã về hưu, vậy việc xử lý sẽ theo hướng nào, thưa ông? 

Đối với những người đã nghỉ hưu có cấp ủy ở đó xử lý, có Ủy ban kiểm tra Trung ương theo thẩm quyền sẽ xử lý. Tất cả mọi việc đều làm theo quy định về công tác kiểm tra của Đảng, về quy định xử lý kỷ luật cán bộ.

Trước Quốc hội, Bộ trưởng phát biểu, trong tái cơ cấu tới đây phải đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường. Vậy tới đây, việc này sẽ triển khai thế nào?

Quan trọng nhất là mô hình phát triển của chúng ta. Trong báo cáo đã nhận định, trước đây nền kinh tế ưu tiên cho phát triển, huy động đầu tư nước ngoài, chủ yếu thâm dụng vào tài nguyên, chi phí môi trường do luật chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả, nhiều quy chuẩn và tiêu chuẩn môi trường thấp hơn so với các nước. Thế nên phải rà soát lại tất cả các cơ sở sản xuất trừ trước tới nay, trên cơ sở đó có lộ trình giải pháp để các doanh nghiệp chấp hành, tuân thủ. Thứ hai, phải rà soát lại danh mục các nhà đầu tư, ngành công nghiệp để lựa chọn những ngành có tiềm năng ô nhiễm cao đưa vào danh mục và sẽ có tập trung quản lý, kiểm soát riêng. Đặc biệt, phải nâng quy chuẩn tiêu chuẩn môi trường của mình lên ngang bằng và kèm theo đó nó sẽ huy động nguồn lực nước ngoài, dòng vốn công nghệ hiện đại đáp ứng được vấn đề về môi trường, tiết kiệm năng lượng.

Chúng ta cũng phải hình thành ngành công nghiệp về xử lý môi trường, ngành dịch vụ về đầu tư xử lý môi trường, tạo công ăn việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội và đóng góp nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông! 

Nguồn: