Chuyên gia nói về hiệu quả giảm nguy cơ tử vong khi tiêm vaccine COVID-19

Với tình hình dịch bệnh COVID-19 có nhiều biến động như hiện nay, việc tiêm chủng mang lại lợi ích bảo vệ tốt hơn so với việc không tiêm chủng.

TP.HCM đang triển khai tiêm 1 triệu liều vaccine Sinopharm cho người dân. Đến nay (16-8), TP đã triển khai tiêm hàng trăm ngàn mũi. Dù vậy, vẫn còn nhiều người dân băn khoăn về an toàn và hiệu quả của vaccine Sinopharm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ThS.BS Nguyễn Hiền Minh, Đơn vị Tiêm chủng Bệnh Viện ĐH Y Dược TP.HCM, đã cung cấp các chỉ số đánh giá mức độ an toàn, hiệu quả của các loại vaccine được sử dụng ở Việt Nam thời gian qua, trong đó có vaccine Sinopharm đang được triển khai tiêm chủng rộng rãi hiện nay tại TP.HCM.

Hiểu đúng hiệu lực các loại vaccine

Phóng viên: Việt Nam đã đưa vào sử dụng 4 loại vaccine: Astrazeneca, Moderna, Pfizer và Sinopharm. Mức độ an toàn và hiệu quả của từng loại vaccine này ở các nghiên cứu lâm sàng là như thế nào, thưa bà?

+ ThS.BS Nguyễn Hiền Minh: Công bố của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) về hiệu lực bảo vệ của các vaccine phòng COVID-19 sau nghiên cứu lâm sàng. Theo đó, hiệu lực bảo vệ chống lại bệnh COVID-19 có triệu chứng sau một liều tiêm của vaccine AstraZeneca là 73% , của vaccine Moderna là 85%, của vaccine Pfizer là 82%

Hiệu lực bảo vệ chống lại bệnh COVID-19 nặng hoặc nhập viện từ 21 ngày sau liều đầu tiên của vaccine AstraZeneca là 100% , của vaccine Moderna là 100%, của vaccine Pfizer là 83%, của vaccine Sinopharm là 79%.  Hiệu lực bảo vệ chống lại COVID-19 có triệu chứng sau 2 liều tiêm của vaccine AstraZeneca là 67% , của vaccine Moderna là 95%, của vaccine Pfizer là 94%, của vaccine Sinopharm là 78%.

Những nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng này được thực hiện trong những điều kiện khác nhau về cỡ mẫu, quốc gia, sự lây lan COVID-19 thời điểm nghiên cứu nên không thể so sánh đối đầu trực tiếp để đánh giá hiệu lực giữa các vaccine với nhau. Quan trọng là các thử nghiệm lâm sàng chỉ là để thiết lập tính an toàn và khả năng bảo vệ của vaccine phòng COVID-19.

Người dân được khám sàng lọc và tư vấn kỹ, được thông báo rõ ràng về loại vaccine trước khi họ quyết định có tiêm hay không. Ảnh: Nguyệt Nhi

Giữa kết quả nghiên cứu lâm sàng và hiệu lực vaccine khi áp dụng trong cộng đồng liệu có khác nhau hay biến động gì không, thưa bà?

+ Hiệu lực của vaccine như tôi nói ở trên không cho chúng ta biết vaccine sẽ hoạt động như thế nào trong thế giới thực. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều quốc gia bắt tay vào các chiến dịch tiêm chủng và thu thập dữ liệu từ các bệnh viện, cơ sở đăng ký vaccine, giấy chứng tử và các nguồn khác, nên chúng ta đang bắt đầu có được bức tranh rõ ràng hơn về hiệu quả của vaccine COVID-19 trong thế giới thực, kể cả sau một liều duy nhất.

Đối với những nghiên cứu về hiệu quả của vaccine trong thế giới thực thì vaccine sẽ được đánh giá tuỳ theo từng quốc gia, khu vực hoặc nhóm đối tượng được nghiên cứu khác nhau.

Theo một đánh giá gần đây về dữ liệu được thu thập từ Israel, Thụy Điển, Mỹ và Vương quốc Anh (bao gồm cả dữ liệu riêng biệt từ Anh và Scotland), cả ba loại vaccine Astrazeneca, Moderna, Pfizer có hiệu quả giảm hơn 80% khả năng nhiễm trùng và nhập viện của mọi đối tượng – bất kể tuổi tác.

Trong một số trường hợp, hiệu quả của vaccine có thể cao hơn mong đợi so với kết quả thử nghiệm lâm sàng. Vào tháng 5-2021, ở Anh đã thông báo rằng hai liều vaccine AstraZeneca có hiệu quả khoảng 85% đến 90% chống lại bệnh COVID-19 có triệu chứng (vào thời điểm đó phần lớn là do biến thể Alpha gây ra).

Tuy nhiên, mức độ hiệu quả chính xác khác nhau tùy thuộc vào quốc gia được điều tra, một phần là do các nhóm được ưu tiên trong các chiến dịch tiêm chủng khác nhau và cách thức khác nhau khi các quốc gia phát hiện, xử lý và phân loại các trường hợp COVID-19.

Dữ liệu thu thập được trong chiến dịch tiêm chủng ở Israel cho thấy vaccine Pfizer có hiệu quả chống nhiễm SARS-CoV-2 là 95% sau bảy ngày tiêm liều thứ hai vaccine. Trong khi đó, dữ liệu của Thụy Điển cho thấy vaccine này có hiệu quả phòng ngừa là 87% nhiễm SARS-CoV-2, và dữ liệu của Mỹ cho thấy rằng hai liều vaccine Pfizer hoặc Moderna có hiệu quả 88,7%.

Trong khi đó, dữ liệu thực tế từ Đan Mạch cho thấy rằng hai liều vaccine Pfizer chỉ có hiệu quả 64% ở những người sống ở viện dưỡng lão có độ tuổi trung bình là 84, nhưng hiệu quả 90% khi được tiêm cho nhân viên y tế (những người thường trẻ hơn và khỏe mạnh hơn).

Việc tiêm vaccine ở Việt Nam, dù là loại vaccine nào đã được Bộ Y tế phê duyệt, đều sẽ dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân. Ảnh: Hoàng Giang

Các biến chủng của virus SARS-CoV-2 có ảnh hưởng đến hiệu lực vaccine ra sao?

+ Đúng là hiệu quả trong thế giới thực của vaccine có thể khác nhau là do sự xuất hiện và lan rộng của các biến thể mới ở các quốc gia khác nhau. Ví dụ, một nghiên cứu về hiệu quả vaccine từ Qatar chỉ ra rằng vaccine Pfizer có hiệu quả 90% trong việc ngăn ngừa nhiễm virus SARS-CoV-2 biến thể Alpha sau ít nhất 14 ngày tiêm liều thứ hai, nhưng hiệu quả 75% trong việc ngăn ngừa nhiễm virus SARS-CoV-2 biến thể Beta sau ít nhất 14 ngày tiêm liều thứ 2.

Với biến thể Delta có khả năng lây truyền cao đang nhanh chóng lan rộng khắp thế giới, nghiên cứu của Public Health England ghi nhận vaccine Pfizer có hiệu quả 96% đối với giảm nhập viện sau 2 liều tiêm; trong khi vaccine AstraZeneca có hiệu quả 92% đối với giảm nhập viện sau 2 liều – tương đương với hiệu quả của vaccine chống nhập viện từ biến thể Alpha.

Tháng 7-2021, các nhà khoa học của Mayo Clinic (Mỹ) qua so sánh tỷ lệ lây nhiễm ở những người đã tiêm đủ hai liều vaccine Moderna với những người đã tiêm đủ hai liều vaccine Pfizer tại nhiều bang phát hiện vaccine Moderna đạt hiệu quả 76% trong ngăn chặn lây nhiễm do biến chủng Delta, so với mức hiệu quả 42% của vaccine Pfizer.

Vaccine Sinopharm cũng được đánh giá hiệu quả trong một nghiên cứu ở Peru từ tháng 2 đến tháng 6-2021, đúng vào thời điểm Peru đang chống chọi với làn sóng đại dịch COVID-19 do các biến thể Lambda và Gamma. Nghiên cứu được thực hiện trên gần 400.000 nhân viên y tế tuyến đầu tại nước này. Vaccine Sinopharm đạt hiệu quả chống lây nhiễm 50,4% và hiệu quả ngừa tử vong 94%. Theo vài chuyên gia, hiệu quả của các vaccine virus bất hoạt như Sinopharm được dự đoán có thể giảm đi khoảng 20% đối với biến thể Delta.

Các vaccine an toàn ra sao?

Bên cạnh hiệu quả, người dân cũng rất quan tâm về vaccine có an toàn ra sao. Bà nhận xét như thế nào về độ an toàn các loại vaccine Việt Nam đã và đang sử dụng?

+ Vaccine Pfizer: Trong các nghiên cứu lâm sàng của vaccine Pfizer, sau khi tiêm sẽ có các phản ứng phổ biến như đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, nhức đầu.

Một số triệu chứng khác có mức độ phổ biến từ gần 40% và giảm dần, bao gồm: đau cơ, ớn lạnh, đau khớp, sốt, sưng chỗ tiêm, mẩn đỏ vết tiêm, buồn nôn, khó chịu, và nổi hạch. Ngoài ra, khi đưa vào sử dụng vaccine Pfizer rộng rãi cũng ghi nhận các phản ứng rất hiếm gặp như viêm cơ tim cấp và viêm màng ngoài tim cấp (lần lượt chiếm tỷ lệ 0,76 và 0,79 phần triệu ca),  phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bao gồm cả phản ứng phản vệ.

Vaccine Moderna: Với vaccine Moderna, các phản ứng thường được ghi nhận nhiều nhất đối với vắc xin này trong các nghiên cứu là đau ở nơi chích vaccine, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ, đau khớp và lạnh run.

Các phản ứng khác cũng có nhưng ít hơn là buồn nôn hoặc ói mửa, sưng các hạch bạch huyết trong nách, sốt, sưng và đỏ ửng ở nơi chích vắc xin. Triệu chứng nổi mẩn thông thường cũng như nổi mày đay, đỏ ửng, hoặc nổi mẩn ở nơi chích vaccine thường xuyên cũng được ghi nhận. Thi thoảng có tình trạng ngứa ở vùng chích vaccine. Tỉ lệ viêm cơ tim cấp và viêm màng ngoài tim cấp rất hiếm gặp (tỷ lệ tương ứng là 0,84 và 0,95 phần triệu ca).

Vaccine Astrazeneca: Các phản ứng ngoại ý của vaccine AstraZeneca thường được ghi nhận là nhạy cảm đau chỗ tiêm, đau chỗ tiêm, nhức đầu, mệt mỏi, đau cơ, khó chịu, sốt (bao gồm sốt nhẹ và sốt từ 38 độ C trở lên, ớn lạnh, đau khớp, buồn nôn.

Phần lớn các phản ứng ngoại ý ở mức độ nhẹ đến trung bình và thường hết vài ngày sau khi tiêm. Khi so sánh với liều đầu tiên, các phản ứng ngoại ý được báo cáo sau liều thứ hai nhẹ hơn và ít xảy ra hơn.

Các phản ứng ngoại ý thường nhẹ hơn và ít gặp hơn ở người lớn tuổi (người từ 65 tuổi trở lên). Rất hiếm gặp là tỷ lệ huyết khối sau tiêm vaccine AstraZeneca là 4,6 phần triệu ca tiêm liều tiêm thứ nhất. Tỷ lệ đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca ở người trẻ cao hơn so với người lớn tuổi, đặc biệt lứa tuổi 20-29 tuổi, khoảng 0,2 phần triệu ca tiêm mũi đầu tiên.

Vaccine Sinopharm: Loại vaccine này có những phản ứng bất lợi sau tiêm chủng được ghi nhận như sau: Phản ứng tại chỗ tiêm (thường là đau tại chỗ tiêm, ít trường hợp đỏ, sưng, cứng, ngứa, phát ban).

Ngoài ra, phản ứng đau đầu là rất phổ biến (từ 10% trở lên); các phản ứng phổ biến gồm sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, ho, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy, ngứa. các phản ứng ít gặp gồm chóng mặt, chán ăn, đau hầu họng, khó nuốt, chảy nước mũi, táo bón, quá mẫn cảm.

Các phản ứng hiếm gặp bao gồm phản ứng dị ứng cấp tính, hôn mê, buồn ngủ, khó ngủ, hắt hơi, viêm mũi họng, nghẹt mũi, khô họng, giảm cảm giác, đau chân tay, đánh trống ngực, đau bụng, phát ban, niêm mạc da bất thường, mụn trứng cá, đau mắt, đau tai, nổi hạch.

Cá biệt, có các phản ứng rất hiếm gặp bao gồm: Ớn lạnh, rối loạn chức năng vị giác, mất vị giác, dị cảm, run, rối loạn chú ý, chảy máu cam, hen suyễn, kích ứng cổ họng, viêm amidan, khó chịu, cổ đau, đau hàm, u cổ, loét miệng, đau răng, rối loạn thực quản, viêm dạ dày, đổi màu phân, kích ứng mắt, đau tai, căng thẳng, tăng huyết áp, hạ huyết áp, tiểu tiện không tự chủ, chậm kinh nguyệt.

Mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ được quan sát trong các thử nghiệm lâm sàng của vaccine Sinopharm chủ yếu ở cấp độ 1 (nhẹ). Trong khi đó, tỉ lệ ở các cấp độ ba và cao hơn là 0,54%.

Dù sau tiêm, tất cả các loại vaccine đều tạo ra các phản ứng phụ không mong muốn. Nhưng người được tiêm vẫn sẽ được tư vấn, theo dõi và hỗ trợ. Các loại vaccine ở Việt Nam đều được đánh giá là an toàn. Ảnh: Nguyệt Nhi

Vaccine là cách tốt nhất miễn dịch cộng đồng

Nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo rằng “vaccine tốt nhất chính là vaccine mà chúng ta có thể tiếp cận được sớm nhất”. Trong bối cảnh dịch bệnh tại TP.HCM và sự khan hiếm vaccine như hiện nay, đồng thời dựa vào mức độ an toàn, hiệu quả của các loại vaccine hiện hữu, bà nhận xét như thế nào về quan điểm này?

+ Miễn dịch cộng đồng là khi hầu hết mọi người trong cộng đồng đã có miễn dịch với một bệnh truyền nhiễm (thông qua tiêm chủng hoặc đã mắc bệnh trước đó). Khi một số lượng nhất định dân số có miễn dịch, chu trình lây nhiễm bị phá vỡ: virus không truyền dễ dàng từ người này sang người khác nữa. Nhờ vậy, sự lây nhiễm bệnh chậm lại hoặc dừng lại.

Quan niệm sai khi nghĩ rằng tạo miễn dịch cộng đồng bằng cách cho virus lây truyền tự nhiên. Điều đó dẫn đến thật nhiều người mắc bệnh và tử vong, gây ra gánh nặng y tế và thảm hoạ do dịch bệnh như những thế kỉ trước đây. Chắc chắn đó không phải là chiến lược và lựa chọn đúng đắn đối với dịch COVID-19. Tiêm vaccine là cách tốt nhất để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Nếu có miễn dịch cộng đồng thì chúng ta sẽ bảo vệ được những người không thể tiêm vaccine, những người nhạy cảm với bệnh và dễ tử vong vì bệnh như trẻ nhỏ, người già, người có hệ miễn dịch yếu. Càng nhiều người được tiêm vaccine COVID-19, càng ít người bị bệnh và càng bảo vệ thêm được nhiều người trong cộng đồng.

Tuỳ vào mục tiêu và mô hình bệnh tật của từng quốc gia mà độ bao phủ của vaccine cần đạt được từ 70-95% dân số để có được miễn dịch cộng đồng (nghĩa là số người dân ở nước đó được tiêm vaccine đạt tối thiểu từ 70-95% trong tổng số người), khiến virus không còn có thể lây lan đáng kể cho dân số còn lại.

Với tình hình dịch bệnh COVID-19 có nhiều biến động như hiện nay, việc tiêm chủng mang lại lợi ích bảo vệ tốt hơn so với việc không tiêm chủng. Đặc biệt, miễn dịch cộng đồng càng cao sẽ càng bảo vệ được những người có bệnh nền, những có hệ miễn dịch suy yếu hoặc người có nguy cơ tử vong do COVID-19. Vì vậy, khi tiêm chủng vaccine an toàn, mỗi mũi tiêm đều giúp nâng cao khả năng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh nặng và bảo vệ những người xung quanh.

Xin cám ơn bà!