Dự thảo Luật Thuế tài nguyên bị "chê" nhiều

ThienNhien.Net – Sự thiếu chính xác và bất hợp lý trong dự thảo khung thuế suất tài nguyên là lý do chính khiến nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại. Thậm chí, có vị còn thẳng thắn khẳng định <i>“Tôi không chấp nhận”</i> hoặc <i>đề nghị Quốc hội chưa nên thông qua dự Luật trong kỳ họp này</i>.


Căn cứ tính thuế thiếu chính xác

Theo ĐB Nghiêm Vũ Khải (Điện Biên), sự thiếu chính xác được thể hiện ngay trong việc đưa ra căn cứ để tính thuế tài nguyên (bao gồm các căn cứ về sản lượng, giá và thuế suất).

Lẽ ra, các căn cứ này phải rất cụ thể, chi tiết và rõ ràng, nhưng theo ông Khải, chúng vẫn chỉ ở dạng khung, thiếu chính xác, nhiều sơ hở và không bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên: nhà nước, chủ đầu tư, địa phương và nhân dân địa phương. Ông đề nghị Quốc hội cân nhắc, có thể chưa thông qua dự thảo luật ngay trong kỳ họp này.

… Và nhiều điểm còn bất hợp lý

Thứ nhất: Việc xếp loại các tài nguyên vào các bảng để xác định khung thuế suất còn rất lộn xộn. Có những loại tài nguyên rất quí hiếm như vàng, bạch kim, coban… lại được xếp cùng bảng với những loại tài nguyên tương đối phổ biến như sắt, kẽm…, thậm chí cả “củi”.

Riêng về tài nguyên nước, nhiều đại biểu cho rằng, khung thuế suất với nước thiên nhiên khai thác dưới đất hay gọi là nước ngầm quy định từ 1 – 8% là quá thấp. ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị tăng thuế suất từ 5 – 10%, nhằm hạn chế tình trạng khai thác, sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên này.

Đa số các đại biểu đều đề nghị liệt kê cụ thể các loại tài nguyên cần đánh thuế, sau đó, áp cho mỗi loại tài nguyên một cột thuế, trong đó có nhiều dòng thể hiện sự khác nhau về địa bàn khai thác, chất lượng tài nguyên. Có như vậy mới đảm bảo công bằng về thuế suất đối với việc khai thác, kinh doanh, sử dụng tài nguyên ở những địa bàn khác nhau, với những chất lượng tài nguyên khác nhau.

Thứ hai: Việc quy định biên độ thuế suất quá rộng (có trường hợp mức sàn và mức trần chênh nhau tới 30 lần) sẽ dễ gây ra sự vận dụng tùy tiện, tạo chênh lệch lớn trong cùng một nhóm hàng, giữa các thời điểm khác nhau. Do dó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét thu hẹp biên độ khung thuế suất; đồng thời phân loại chi tiết từng mặt hàng trong cùng một nhóm hàng để quy định cụ thể khung thuế suất riêng biệt.

Về ý kiến cho rằng, mức thuế suất thuế hiện nay chưa đủ hạn chế tình trạng khai thác và xuất thô nhiều loại khoáng sản (nhất là mặt hàng than), Bộ trưởng Vũ Văn Ninh lý giải: “Than là loại nhiên liệu mà nhiều ngành sản xuất trong nước có nhu cầu lớn nên tinh thần là áp dụng thuế suất cao nhưng phải có lộ trình để các doanh nghiệp trong nước chịu được”.

Thứ ba, cũng liên quan đến chủ đề thuế suất, nhiều đại biểu tỏ ra ngạc nhiên, khó hiểu và không đồng tình khi Ban Soạn thảo có ý định hạ trần thuế suất.

Theo Pháp lệnh thuế tài nguyên sửa đổi năm 2008, thuế suất áp dụng đối với nhóm các tài nguyên khoáng sản kim loại như sắt, mangan, titan, vàng, bạch kim, thiếc… quy định trong khoảng 5-30%. Cũng nhóm khoáng sản này, trong dự thảo luật, thuế suất được hạ xuống chỉ còn 5-25%.

Tương tự, dự thảo quy định nhóm sản phẩm rừng tự nhiên có mức trần thuế suất cao nhất chỉ là 35% (gỗ nhóm I) trong khi mức trần hiện hành áp dụng cho gỗ thuộc tất cả các nhóm từ nhóm I đến nhóm VIII đều là 40%.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thẳng thắn phát biểu: “Tôi không chấp nhận việc hạ trần thuế suất đối với một số loại khoáng sản quý hiếm. Đơn cử, trần thuế suất thuế tài nguyên đối với vàng hạ từ 30% xuống còn 25% vô hình trung khuyến khích khai thác vàng tràn lan, mà trong khi hoạt động này hiện nay đã rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến môi trường, xã hội”.

Hầu hết các đại biểu đều đề nghị phải điều chỉnh lại mức thuế suất cho hợp lý, ít nhất cũng không được thấp hơn thuế suất hiện hành.

Riêng đối với nhiều loại tài nguyên không tái tạo, vốn được xem là nguồn xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dầu khí, than đá… , cần phải đánh thuế thật cao thì mới có thể hạn chế được tình trạng “chảy máu” tài nguyên thô.

Tuy nhiên, với những tài nguyên khoáng sản đã được chế biến tinh rồi bán thì cần được giảm, hạ thuế.

Đặc biệt, cần miễn thuế tài nguyên đối với người dân khai thác phục vụ đời sống hàng ngày như lấy củi, đánh bắt cá xa bờ…Bởi vì đây là những loại tài nguyên dễ tái tạo, chỉ cần khai thác hợp lý là được. Mặt khác, việc khuyến khích ngư dân đánh bắt biển xa còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Nhiều ý kiến tán thành với việc quy định tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản xa bờ được miễn thuế trong 5 năm kể từ khi được cấp giấy phép và giảm 50% trong các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) lại cho rằng, nếu hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ được miễn thuế tài nguyên trong 5 năm, sau đó giảm thuế. Vậy sau 5 năm hoạt động, nếu doanh nghiệp đổi giấy phép khác, coi như hoạt động lại từ đầu để xin miễn tiếp 5 năm nữa thì sao? Rất khó kiểm soát. Ông Xuân đề nghị miễn luôn ngay từ đầu. 

Quốc hội hay Chính phủ sẽ quy định thuế suất?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, Quốc hội nên cho phép Chính phủ quyết định mức cụ thể trên cơ sở khung thuế suất được Quốc hội phê duyệt với lý do “trong cơ chế thị trường, mặt bằng giá cả thế giới biến động từng ngày, Chính phủ cần có sự chủ động, linh hoạt trong điều hành để đảm bảo lợi ích quốc gia”.

Trong khi đó, đa phần các đại biểu cho rằng, qui định như vậy vừa không hợp Hiến pháp, pháp luật, vừa khó thực thi, đòi hỏi phải có nhiều văn bản Nghị định, hướng dẫn phức tạp. Vì vậy, nên giao cho Uỷ ban Thường vụ quyết định thuế suất cụ thể, sau khi Quốc hội đã thông qua khung thuế trần và sàn đối với một số loại tài nguyên. Qui định như vậy vừa đảm bảo tôn trọng luật pháp, vừa đảm bảo sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, vì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể điều chỉnh thuế suất cụ thể trong các phiên họp thường kỳ hàng tháng của mình, trên cơ sở các đề xuất của Chính phủ.