Nghèo đói, BĐKH và ô nhiễm – Không dừng ở cảnh báo

ThienNhien.Net – “Nghèo đói, biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí không chỉ dừng lại ở những lời cảnh báo” – Nhận định này đang trở thành hiện thực và được chứng minh bằng hàng loạt kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước và quốc tế vừa được công bố tại Hội thảo do Chương trình hỗ trợ phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Bộ Tài nguyên & Môi trường và Hội Bảo vệ thiên nhiên & Môi trường Việt Nam (VACNE) cùng phối hợp tổ chức, tại Hà Nội vào đầu tháng 10/2009. PGS. TS Trương Mạnh Tiến, Giám đốc Dự án Đói nghèo và Môi trường (PEP) đã đọc diễn văn khai mạc Hội thảo


Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Hài hòa các mục tiêu giảm nghèo và môi trường trong chính sách và lập kế hoạch hướng tới phát triển bền vững” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc và Cơ quan phát triển Vương quốc Anh tài trợ, nhằm mục tiêu nâng cao năng lực của Chính phủ trong việc lồng ghép các mục tiêu giảm nghèo và bảo vệ tài nguyên môi trường, hướng tới phát triển bền vững.Vì thế, sau khi nhóm chuyên gia tư vấn nước ngoài trình bày báo cáo “Xây dựng năng lực phục hồi các chiến lược thích ứng cho các sinh kế ven biển chịu nhiều rủi ro tác động nhất của biến đổi khí hậu tại miền Trung Việt Nam” đã có rất nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, nhằm tiến tới hoàn thiện hơn.

Hầu hết các ý kiến của các nhà khoa học, cán bộ quản lý và đại diện các địa phương đều đánh giá cao kết quả của Báo cáo dự án này, bởi phương pháp tiếp cận đi từ cơ sở và đáp ứng được nhu cầu bực thiết của xã hội, nhất là khu vực dân cư ven biển do tác động của biến đổi khí hậu. Song với tinh thần trách nhiệm cao, các ý kiến này cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề liên quan đến khái niệm về dịch thuật, giới hạn không gian và thời gian nghiên cứu của Dự án, nhất là tránh sự chồng chéo giữa các dự án và cần phải gắn kết với các kế hoạch của địa phương.

PGS TS Nguyễn Đình Hòe, đại diện VACNE – một đơn vị đồng tổ chức Hội thảo này cũng bày tỏ quan điểm chung với ý kiến của các chuyên gia, song ông cũng chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức, mà nó còn là cơ hội đối với một số cộng đồng dân cư ven biển. Nên rất cần những khảo sát kỹ, phản ánh sâu sắc hơn tính đặc thù của địa phương. Ví dụ như địa động lực học hình thành các vùng cồn bãi, sự di cư của các loài sinh vật khi trái đất ấm dần lên…để từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực cho cộng đồng cư dân.

Tại hội thảo, các đại biểu còn được nghe thông tin và trao đổi hàng loạt các vấn đề khác như: Cách tiếp cận hiệu quả để giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng kiểm soát ô nhiễm không khí; Kiểm soát khí thải mô tô, xe máy tại các thành phố lớn ở Việt Nam, Đánh giá gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí.

Hội thảo diễn ra cùng lúc các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang phải hứng chịu cơn bão số 9 tàn phá, cũng là dịp để các đại biểu có cái nhìn khách quan và đúng đắn đối với vấn đề biến đổi khí hậu.