Ong châu Á tấn công châu Âu

ThienNhien.Net – Sau hàng loạt nỗ lực diệt ong <i>Vespa velutina</i> đến từ Trung Quốc bị thất bại, các chuyên gia đang lo ngại trước nguy cơ loài này mở rộng phạm vi cư trú ở nhiều vùng thuộc Châu Âu. Chúng hiện đang di chuyển về phía bắc qua Pháp và tiến tới Anh.


Loài ong có tên khoa học là Vespa velutina này được cho là đã tới Bordeaux (Pháp) vào năm 2004 trên một chuyến tàu công-te-nơ từ Trung Quốc và từ đó đã chúng đã nhanh chóng phát triển cả về số lượng lẫn phạm vi cư trú.

Những con ong này là thủ phạm sát hại gần một phần ba số ong mật vùng Gironde nước Pháp, và tấn công cả con người tại Lot-et-Garonne.

Hiện ong Vespa velutina đã có mặt ở gần Paris và các chuyên gia cảnh báo rằng chúng có thể bay qua kênh đào tới vùng ven biển phía Nam nước Anh.

Ông Stuart Hind, giám đốc Bảo tàng lịch sử Tự nhiên về Đa dạng sinh học Anh cho biết, rất có thể đàn ong này sẽ tấn công vào Anh, nhưng ông cũng lạc quan nhận xét rằng “sẽ phải mất 10 đến 15 năm nữa trước khi chúng có thể “gõ cửa nhà chúng ta” bởi điều duy nhất có thể ngăn sự tấn công của đàn ong này chính là mùa hè đặc trưng của nước Anh, vì loài ong này không chịu được những cơn mưa lớn.

Nói về những hậu quả để lại khi bị loài ong Vespa velutina tấn công, ông Raymond Saunier, chủ tịch Công đoàn Nuôi ong vùng Gironde cho biết: “Đó quả là một thảm họa. Chỉ trong vòng hai đến bốn năm vừa qua, chúng tôi đã mất 30% số tổ ong mật.”

Ông cũng cảnh báo rằng sự tàn phá của những con ong Vespa velutina này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng tới vai trò thụ phấn của ong mật.

Denis Thiery, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia Pháp cho biết loài ong Vespa velutina có vẻ đang định cư ở rất nhiều vùng Châu Ấu và còn tiếp tục mở rộng phạm vi cư trú.

Vespa velutina được coi là loài ong “sát thủ”, có kích thước dài chừng 3cm. Chúng chuyên tàn sát các loài ong mật để hút chất prôtêin nuôi ấu trùng. Ong vespa velutina còn tấn công cả các giống ong vò vẽ, bướm và các loài côn trùng thụ phấn khác. Tổ của lchúng có kích thước lớn, cao khoảng 1m và đường kính 80cm, nằm tít trên ngọn cây, cách mặt đất từ 10 đến 20m. Mỗi tổ có đến hàng ngàn con ong. Loài ong này bị coi là một thảm hoạ về sinh vật ngoại lai đối với các hệ sinh thái.