Không thể có nông thôn mới nếu người dân đói

ThienNhien.Net – Trong buổi tọa đàm ngày 16/09 về chủ đề "Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020", do Bộ NN&PTNT tổ chức, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng đã nói: “Khó nhất hiện nay của chương trình xây dựng nông thôn mới là làm sao tăng thu nhập cho nông dân. Không thể có nông thôn mới nếu người dân đói”.


Ông Tăng Minh Lộc, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn, cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới kỳ vọng đến năm 2020, trên 50% số xã đạt chuẩn, cơ bản xây dựng kết cấu hạ tầng theo chuẩn nông thôn mới, tăng thu nhập của người dân lên gấp 2,5 lần hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%… Từ nay đến 2010, phấn đấu sẽ quy hoạch xong 100% xã nông thôn mới.

Để đạt được mục tiêu này, các xã phải đáp ứng được 19 tiêu chí. Sẽ có 11 đề án để hiện thực hoá chương trình này. Trung bình mỗi xã cần đầu tư 120-150 tỷ đồng, trong đó có khoảng 6-7 hạng mục dự kiến được Nhà nước hỗ trợ 100% hoặc một phần (30-90%) tuỳ từng vùng và nội dung hỗ trợ.

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ NN&PNTT Hồ Xuân Hùng muốn xin ý kiến các nhà tài trợ về một số vướng mắc của Việt Nam hiện nay, như hỗ trợ của Nhà nước như thế nào là hợp lý; huy động nội lực của dân ra sao; cách thức giám sát chương trình?

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, để thực hiện chương trình, Nhà nước không nên hỗ trợ 100% vốn vào các hạng mục mà nên phát huy tính tự chủ của người dân.

Ý kiến này cũng bày tỏ sự quan tâm về mối quan hệ giữa chương trình nông thôn mới với các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Hiện có 11 chương trình quốc gia khác đang hoạt động, nhiều dự án kết thúc năm 2010, nếu triển khai tiếp sẽ thế nào, có lồng ghép đến chương trình Nông thôn mới không?

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng, về vốn, có những công trình buộc Nhà nước phải đầu tư 100%, như đào tạo nhân lực, xây trụ sở xã, quy hoạch…

Ngoài ra, 11 chương trình trên nếu có triển khai tiếp sẽ có một cơ quan điều phối chung, tránh trùng lắp và không có chuyện lồng ghép vào Nông thôn mới.

Ông nhận định, khó nhất hiện nay của chương trình xây dựng nông thôn mới là làm sao tăng thu nhập được cho người nông dân. Không thể có nông thôn mới nếu người dân đói. Hơn nữa, làm sao mà cuộc sống được nâng cao nhưng không phá vỡ sinh thái, bản sắc dân tộc tại các làng quê.

Theo ông Lã Văn Lý, Cục trưởng Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã tiến hành 3 đợt thí điểm xây dựng nông thôn mới.
Năm 2000-2003 Bộ NN&PTNT cùng Ban Kinh tế Trung ương Đảng thực hiện tại 18 xã điểm; năm 2007-2009 triển khai ở 17 thôn, ấp, bản và năm 2009-2011 là thí điểm ở 11 xã. Song, về tầm quốc gia, Việt Nam vẫn chưa có một chương trình toàn diện nhằm phát triển nông thôn mới.

Do vậy, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới lần này nhằm hoàn tất lý luận, phương pháp, cơ chế chính sách đúc kết từ thực tiễn vừa qua.