Xử lý sạt lở ven sông ở Tiền Giang

ThienNhien.Net – Nhằm bảo vệ vườn cây ăn trái, phòng chống sạt lở và kiểm soát lũ, tỉnh Tiền Giang đang tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình kiểm soát lũ và hệ thống thủy lợi vùng ảnh hưởng lũ; đồng thời đầu tư hơn 10 tỉ đồng khắc phục tình trạng sạt lở, khẩn trương xử lý trước khi nước lũ từ thượng nguồn tràn về.


Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 18 điểm sạt lở lớn nhỏ ven sông, tập trung chủ yếu ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành. Để khắc phục tình trạng sạt lở, tỉnh Tiền Giang sẽ đầu tư hơn 10 tỉ đồng, khẩn trương xử lý những đoạn sạt lở trước khi nước lũ từ thượng nguồn tràn về.

Để phòng chống sạt lở và bảo vệ hệ thống đê bao ngăn lũ, phòng tránh thiên tai hữu hiệu, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân, tỉnh Tiền Giang khuyến khích nhân dân trồng cây chắn sóng và chắn gió, phòng chống sạt lở đồng thời với thực hiện tốt các giải pháp ngăn chặn tình trạng khai thác cát lậu bừa bãi trên sông Tiền làm thay đổi dòng chảy. Được biết, hàng năm tỉnh đầu tư khoảng 10 tỉ đồng để khắc phục và xử lý các điểm sạt lở ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Lũ chưa cao đã ngập sâu từ 0,3 – 0,4 m, đó là tình cảnh của cụm dân cư vượt lũ xã Vĩnh Bưu (Tân Hưng, Long An). Hiện nay, mực nước lũ ở huyện Tân Hưng mới đạt 2,19 m, thấp so với cùng kỳ 20 cm, nhưng cụm dân cư vượt lũ này đã không vượt được lũ. Nguyên nhân là do cụm dân cư nằm trong tuyến đê bao của xã Vĩnh Bửu, san lấp mặt bằng thấp hơn so với đỉnh lũ năm 2000, khi mực nước lũ ở thượng nguồn đổ xuống, mực nước ở bên ngoài dâng cao, không có hệ thống thoát nước ra ngoài làm toàn cụm bị ngập.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng Hồ Văn Dân cho biết: “Cụm dân cư Vĩnh Bửu san lấp mặt bằng có thấp hơn so với mực nước lũ hàng năm, nhưng hiện nay chưa có dân vào ở, huyện đang khắc phục đắp thêm cao hơn đỉnh lũ năm 2000, gia cố tuyến đê bao của xã và triển khai xây dựng các hạng mục công trình như: công thoát nước, đường nội bộ, điện để sau mùa lũ năm 2009 bố trí dân vào ở ổn định cuộc sống”.

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, đến nay tỉnh đã đầu tư bán kiên cố được gần 900 cống đập ngăn lũ ở các huyện vùng lũ như: Cái Bè, Tân Phước, Châu Thành, Cai Lậy. Nhờ chủ động xây dựng hệ thống cống đập ngăn lũ, nên gần 47.000 ha vườn cây ăn trái và 42.000 ha lúa ở các huyện vùng lũ trên địa bàn tỉnh được bảo vệ an toàn, tránh được thiệt hại khi có lũ lớn xảy ra.

Ngoài ra, để chủ động đối phó với mùa lũ năm nay, tỉnh cũng đầu tư 3 tỉ đồng triển khai đắp 7 đập thép để chống chống lũ và triều cường ở huyện Cai Lậy, nhằm bảo vệ hơn 13.000 ha vườn cây ăn trái ở phía Nam Quốc lộ 1A.