Nửa chặng đến Copenhagen

ThienNhien.Net – Copenhagen 2009 là cột mốc quan trọng định đoạt tương lai của cả hành tinh. Thế nhưng tiến trình đàm phán tiến tới sự kiện này đến nay ra sao không mấy người biết bởi công tác truyền thông dường như đã bị xem nhẹ.


Mặc dù ở thời điểm này khi chúng ta đã đi được nửa chặng đường tới hội nghị Copenhagen, các cuộc đàm phán quốc tế vẫn bị coi là chưa đạt hiệu quả. Cho đến cuộc đàm phán tại Bonn hồi tháng sáu vừa qua, những nước giàu đơn vẫn phương đề xuất mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vô cùng khiêm tốn.

Những con số đáng buồn ấy lần lượt là: Canada 2,7%; Mỹ 0 – 4%; Nhật Bản 8%; Liên minh châu Âu 20%-30%; Na-uy 30%; và Nga 10-15% (*). Thực chất, những con số ở thời điểm năm 2020 này còn cao hơn so với mức hiện tại. New Zealand tuyên bố họ sẽ không đưa ra chỉ tiêu cho đến cuối năm nay còn Australia thì không rõ ràng vì họ dựa trên số liệu năm 2000.

Những con số đề xuất thấp kém hơn mong đợi này, theo các chuyên gia đánh giá, thậm chí vẫn còn cao hơn cả thực tế. Vì vậy, cũng không phải quá ngạc nhiên khi các nhà khoa học kết luận rằng những đề xuất này sẽ “giúp” nhiệt độ toàn cầu tăng cao hơn cả ngưỡng thảm họa 2oC

Cách tiếp cận từ dưới lên, do một số quốc gia chi phối như vậy sẽ không bao giờ mang lại kết quả mà thế giới trông đợi. Chính vì vậy mà ở vòng đàm phán Poznan tháng 12 năm ngoái, phần đàm phán về Công ước Kyoto các quốc gia đã yêu cầu cần ra chỉ tiêu cắt giảm khí nhà kính cho các nước giàu.

Tuy nhiên, sau 4 tuần họp kéo dài tại Bonn vừa qua, tâm nguyện đó đã không thể trở thành sự thực. Bởi vậy, nhóm 40 quốc gia đang phát triển đã chính thức đệ trình Liên hợp quốc yêu cầu các nước phát triển giảm 40% lượng khí nhà kính đến năm 2020. Hiệp hội các đảo quốc nhỏ thậm chí còn gay gắt yêu cầu mức giảm này phải là 45% để khống chế nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5oC, đảm bảo quyền sinh tồn của họ.

Nếu muốn thỏa hiệp đạt được sự công bằng – bởi không công bằng thì sẽ không có thỏa hiệp nào cả – thì những cắt giảm phải được tính toán một cách chuẩn xác. Hơn nữa, số ít các nước giàu cần hỗ trợ về tài chính cho phần đa các nước nghèo để giúp họ thích nghi, khắc phục hậu quả và thiệt hại, chuyển đổi dần sang nền kinh tế các bon thấp.
Một chương trình hành động thiết thực và một cuộc chuyển giao lớn về các nguồn lực là vô cùng cần thiết. Điều này rút ra từ thất bại của các nước phát triển trong việc thể hiện vai trò đầu tàu như đã được định rõ trong Công ước khung của Liên hiệp quốc về vấn đề biến đổi khí hậu từ năm 1990. Những thất bại đó đã đẩy loài người đến bờ vực của thảm họa khí hậu và thu hẹp cơ hội thoát nghèo của các nước đang phát triển.

Cho dù các nước giàu có tỏ ra cố gắng xoay vần ra sao thì sau 2 thập kỷ đàm phán, quả bóng lợi thế vẫn trong giỏ của họ. Peter Betts – Chủ tịch Ủy ban thay đổi khí hậu toàn cầu tại Cơ quan năng lượng và thay đổi khí hậu Anh, khi được hỏi rằng liệu nên đặt mức kỳ vọng bao nhiêu cho 6 tháng tới, đã trả lời rằng “con số 40% chỉ là trò cười”.

Trong chưa đầy 5 tháng còn lại, cần phải có sự biến chuyển đồng nhất từ phía các nước giàu. Xét trên quan điểm lợi ích, họ cũng chính là người hưởng lợi do sớm thiết lập được một nền kinh tế các bon thấp. Tránh tích tụ khí cacbon do khai thác thêm những mỏ than mới, xây dựng thêm đường xá, cầu cảng sẽ rẻ hơn và mang lại nhiều lợi ích hơn. Đó cũng là lựa chọn duy nhất giúp cho hệ thống tự nhiên hỗ trợ sự sống của loài người thoát khỏi nguy cơ bị hủy hoại.


(*): mức giảm phát thải ở năm 2020, so với mốc 1990.