Mô hình lúa lai hiệu quả ở Bình Định

ThienNhien.Net – Trung tâm khuyến nông khuyến ngư (KNKN) Bình Định cùng với Trạm khuyến nông huyện An Lão vừa tổ chức hội thảo tồng kết mô hình gieo trồng lúa lai trong vụ thu năm 2009 tại xã An Hòa huyện An Lão, theo chương trình mục tiêu giảm nghèo năm 2009 được UBND tỉnh phê duyệt để phổ biến nhân ra diện rộng.


Mô hình có diện tích 1 ha; gieo trồng giống lúa lai Nhị ưu 838, xuống giống ngày 28-30/05/2009, thực hiện tại thôn Vạn Xuân – thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã An Hòa, có 12 hộ trực tiếp tham gia. Mặc dù gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện: lần đầu bà con nơi đây trồng lúa lai nên còn ngần ngại, nhất là về vấn đề mật độ sạ chỉ 2,5 kg thóc giống/sào, kỹ thuật canh tác chưa quen, lúa mới sạ gặp mưa lớn sau tiểu mãn đã ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển, các đối tượng sâu bệnh lúa trong vụ khá nhiều, nhất là bọ trĩ, sâu cuốn lá, sâu đục thân, khô vằn, đạo ôn, nhưng do có sự quan tâm phối hợp tốt của lãnh đạo địa phương; việc tập huấn đầy đủ về kỹ thuật sản xuất và quản lý chặt chẽ của cán bộ khuyến nông, sự đầu tư chăm sóc của những hộ tham gia, lúa mô hình sinh trưởng phát triển tốt, sâu bệnh không đáng kể. Tại thời điểm hội thảo (ngày 11/09/2009) lúa sắp được thu hoạch, năng suất thực thu ước đạt 75,8 tạ/ha, lãi 8,8 triệu đồng/ha, trong khi các giống lúa thuần cấp 1 cùng vụ trong cùng khu đồng chỉ đạt 50,5 tạ/ha và lãi khoảng 3,4 triệu đồng/ha.

Sau khi thăm ruộng lúa, nghe báo cáo kinh tế kỹ thuật mô hình, các đại biểu và bà con nông dân có mặt đều phấn khởi khẳng định lúa lai rất thích hợp với đồng ruộng ở địa phương, kỹ thuật canh tác không có gì phức tạp và khác nhiều so với lúa thuần, chống chịu sâu bệnh khá tốt, năng suất cao, chất lượng gạo cơm tương đối ngon.

Mô hình không những chỉ cho bà con thấy được lợi ích của lúa lai mà giúp bà con nắm bắt được kỹ thuật gieo trồng lúa lai để yên tâm và chủ động sản xuất trong thời gian tới, góp phần tăng nhanh diện tích gieo trồng lúa lai lại xã và huyện, tăng năng suất và sản lượng lương thực ở địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của bà con nơi đây.