Bảo vệ tri thức truyền thống từ cộng đồng bản địa

ThienNhien.Net – Đối với nhiều người bản địa ở khắp thế giới, những tri thức truyền thống dựa vào tài nguyên thiên nhiên đã hình thành nên nền tảng văn hóa và bản sắc dân tộc họ. Song kho tàng kiến thức phong phú ấy hiện đang phải chịu một áp lực mạnh mẽ. Các cộng đồng bản địa đang ngày càng dễ tổn thương trước những xâm phạm, suy thoái môi trường và những ham muốn độc quyền kiểm soát nguồn tài nguyên truyền thống của họ từ các thế lực bên ngoài. Tuy nhiên, các quyền sở hữu trí tuệ lại không giúp bảo vệ tri thức truyền thống vì mục đích thương mại của chúng mâu thuẫn với những nguyên tắc bản địa cơ bản.

Luật tục địa phương trong trường hợp này lại phù hợp hơn trong việc bảo vệ tri thức truyền thống và những kết quả nghiên cứu thực địa đã chỉ ra cách thức hoà hợp quyền sở hữu trí tuệ và luật tục địa phương trên thực tế1. Nghiên cứu này đã xác định những yếu tố chung và những điểm khác biệt cơ bản trong luật tục nên đưa vào chính sách bảo vệ tri thức truyền thống và nguồn gen.

Bằng sáng chế – Nghịch lý trong bảo vệ tri thức bản địa và câu chuyện phía Nam bán cầu

Đối với hầu hết các cộng đồng nông nghiệp Quechua sống trên dãy núi Andes ở Peru thì khoai tây là thứ tài nguyên tuyệt vời nhất. Khoai tây có gốc rễ từ những thung lũng vùng cao này, và hơn 2000 giống được trồng ở đây là tâm điểm di sản văn hóa sinh học của vùng. Tài sản vô cùng phong phú này – từ những “thư viện” giống tới các biện pháp canh tác thích ứng với các điều kiện khắc nghiệt của thời tiết – được bảo hộ theo thỏa thuận của cộng đồng với Trung tâm Khoai tây Quốc tế ở Lima, nhằm tôn vinh truyền thống chia sẻ tri thức của người Quechua.

Viện Nghiên cứu Quốc tế về Môi trường và Phát triển (IIED) là viện nghiên cứu độc lập, phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực phát triển bền vững. IIED cung cấp những kiến thức chuyên môn và đi đầu trong nghiên cứu và phát triển bền vững ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu. Bài tóm lược này được thực hiện với sự hỗ trợ tích cực từ Danida (Đan Mạch), DFID (Anh), DGIS (Hà Lan), Irish Aid, Norad (Na-Uy), SDC (Thụy Sỹ) and Sida (Thụy Điển).

Thỏa thuận này rất khác biệt so với loại bảo hộ mà các bằng sáng chế thiên về tính thương mại đưa ra. Nhưng hiện nay, những thay đổi trong chính sách do Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) ký kết gần đây giữa Peru và Hoa Kỳ đang khiến các cộng đồng dễ bị tổn thương trước nguy cơ bị người ngoài độc quyền kiểm soát các tài nguyên truyền thống.

Đây là câu chuyện đã quá phổ biến. Quyền được nắm giữ tri thức truyền thống của con người ngày càng bị xâm phạm do các bằng sáng chế thiếu công bằng và việc mở rộng các tiêu chuẩn về Quyền Sở hữu trí tuệ của Phương Tây (IPR) thông qua các FTA.

Trong khi có rất nhiều hiệp ước ràng buộc pháp lý bảo hộ phát minh của các nước công nghiệp, lại không có sự bảo hộ nào đối với những người nắm giữ tri thức truyền thống, vốn sinh sống chủ yếu ở phía Nam bán cầu.

Đây không chỉ là rào cản đối với sự phát triển của các cộng đồng và các quốc gia thường là nghèo và chậm phát triển, mà còn là cản trở đối với việc thực hiện mục tiêu của Công ước Đa dạng Sinh học (CBD) liên quan tới bảo hộ tri thức truyền thống và chia sẻ lợi ích từ các nguồn gen. Điều này hạn chế những động lực tiềm năng của địa phương trong bảo tồn đa dạng sinh học.

Các cộng đồng người bản địa ở nông thôn vốn dựa chủ yếu vào hệ sinh thái khoẻ mạnh để sinh tồn, vì thế bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với nền văn hóa của họ. Trong khi đó, sự bấp bênh trong quyền sở hữu đất đai, hiện tượng di cư và các nhân tố khác đang phá vỡ và chia rẽ các cộng đồng và văn hóa bản địa, cùng với tri thức và những hệ thống cải tiến, sáng tạo và thích nghi. Nhiều tri thức truyền thống đang nhanh chóng biến mất. Ước tính tới năm 2100 sẽ có khoảng 50% đến 90% số ngôn ngữ trên thế giới, một chỉ số của tri thức truyền thống, sẽ biến mất. 2

Tại sao luật tục là yếu tố then chốt?

Các nền văn hóa có tri thức truyền thống liên quan tới đa dạng sinh học cũng có những giá trị, luật định và tập quán riêng. Các luật tục này nằm trong khuôn khổ địa phương, được truyền miệng, và đưa ra để chỉ dẫn mọi lĩnh vực của đời sống.3 Chúng đề cập tới quyền lợi và trách nhiệm liên quan đến tri thức truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và đảm bảo kiến thức được truyền bá.

Song dù có vai trò quan trọng đối với cộng cồng, những phong tục và luật định thường bị gạt sang một bên vì những lợi ích bên ngoài. Điều này cũng góp phần làm suy giảm tri thức truyền thống đồng thời đi ngược lại CBD, một hiệp ước đòi hỏi các bên phải ”bảo vệ và khuyến khích các luật tục sử dụng tài nguyên sinh học phù hợp với tập quán văn hóa truyền thống”.

Tại sao những luật tục đó lại được xem là quan trọng như một chiếc phao cứu sinh?

Tri thức truyền thống được phát triển theo hình thức tích lũy và sưu tầm, trước hết là vì sinh kế và sau nữa là để tồn tại trong cuộc đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên. Tuy nhiên những IPR, như các bằng sáng chế và bảo tồn các giống cây chẳng hạn, có nguy cơ làm mai một tri thức truyền thống và xói mòn các giá trị truyền thống khi chúng đặc biệt thiên về lợi ích thương mại. Vì thế chúng phần nhiều là không phù hợp với việc bảo vệ lợi ích của những người nắm giữ tri thức truyền thống, cũng như việc khuyến khích cải tiến truyền thống.

Chính vì những IPR hiện nay gắn liền với lợi ích của một nhóm người nhất định, như những người trồng trọt hay những công ty công nghệ sinh học, nên các cộng đồng bản địa cần bảo hộ tri thức truyền thống để đáp ứng nhu cầu của chính họ. Và đó là lúc luật tục ra đời.

Những nguyên tắc chung phía sau luật tục

Mặc dù các luật tục riêng giữa các nền văn hóa cũng như các cộng đồng là rất khác nhau, chúng cũng có những nguyên tắc chung nhất định, đó là: tính qua lại, tính hai mặt và tính cân bằng. Trong đó:

Tính qua lại hay trao đổi công bằng: là nguyên tắc đảm bảo cân bằng giữa trao và nhận.
Tính hai mặt: mọi thứ đều có mặt đối lập mang tính bổ trợ.
Tính cân bằng: sự cân bằng, hòa hợp cần được duy trì trong cả tự nhiên và xã hội.

Những nguyên tắc này hình thành hàng loạt tập tục chung trong nhiều nền văn hóa bản địa, khiến chúng có tiềm năng chính làm cơ sở cho các chính sách quốc gia và quốc tế về tri thức truyền thống và các nguồn gen.

Những tập tục làm nhịp cầu văn hóa

Hiểu biết sâu sắc về các tập tục văn hóa sẽ mang lại cho các nhà hoạch định chính sách một số gợi ý.

Các quyền theo phong tục về nguồn gen: Các tài nguyên vô hình như kiến thức và hữu hình như cây trồng gắn bó chặt chẽ với nhau và không thể tách rời. Do vậy, một giống cây chịu hạn do một người nông dân sưu tầm và gieo trồng không chỉ là thành quả của hạt giống, mà còn là thành quả của bí quyết có được sau nhiều năm tích lũy. Các cộng đồng bản địa và địa phương cùng tiếp cận, sử dụng, bảo tồn, trao đổi, phát triển tri thức truyền thống và các nguồn gen như một phần của các hệ thống quản lý tài nguyên có khả năng thích nghi của họ. Nhiều giống cây trồng và gia súc trên thế giới là những cải tiến truyền thống đã được người nông dân thực hiện theo cách đó.

Vì thế trong khi các chính phủ thường nhấn mạnh “chủ quyền quốc gia” hơn là các tài nguyên thiên nhiên, các quyền theo tập tục tồn tại trước đó của người nông dân và người bảo vệ tài nguyên truyền thống cũng cần được công nhận. Ngoài ra, chính sách về bảo tồn, tiếp cận và chia sẻ lợi ích đối với tri thức truyền thống nên thừa nhận các quyền theo tập tục của cộng đồng hơn là các giống truyền thống hay ‘các loại đất’ và các nguồn gen liên quan tới tri thức truyền thống.

Quyền và quyết định tập thể: Các nguồn tri thức truyền thống và gen được phát triển theo hình thức tích lũy qua các thế hệ và quá trình sưu tầm trong cộng đồng. Do đó tri thức truyền thống là di sản tập thể của tất cả các cộng đồng trong khu vực, hoặc của một nhóm dân tộc thiểu số nói chung. Thậm chí nếu tri thức chuyên môn hoặc tri thức thuộc về một cá nhân hay một gia đình cụ thể, nó vẫn được coi là di sản tập thể vì được giữ gìn và sử dụng vì mục đích cao đẹp đối với cộng đồng.

Điều này có nghĩa là những quyết định về tiếp cận tri thức truyền thống (thỏa thuận đã được thông qua, gọi tắt là PIC) nên có sự thống nhất của tập thể; đồng thời cũng nên công nhận các quyền cá nhân đối với các tri thức truyền thống chuyên môn.

Mặt khác, nếu PIC là của một cá nhân hay cộng đồng đơn lẻ, nó sẽ làm mất những giá trị chung giúp duy trì tri thức truyền thống và những sinh kế dựa trên quyền cá nhân. Điều này cũng có thể dẫn tới sự thiếu công bằng trong chia sẻ lợi ích, chẳng hạn khi cá nhân chỉ được trả một khoản tiền ít ỏi. PIC nên do cấp đại diện cao nhất của một nhóm người thiểu số đưa ra, và có thể yêu cầu sự nhất trí của những người cao tuổi trong cộng đồng.

Chia sẻ lợi ích công bằng giữa các cộng đồng: Lợi ích cần được chia sẻ một cách công bằng giữa các cộng đồng để hỗ trợ và đẩy mạnh quyền tập thể và các hệ thống quản lý tài nguyên. Nếu các cộng đồng bên cạnh nắm giữ tri thức tương tự song không có sự tiếp cận và chia sẻ lợi ích giữa các cộng đồng thì mâu thuẫn và kiện tụng có thể nảy sinh. Điều này có thể làm chậm hoặc cản trở việc chia sẻ lợi ích. Chia sẻ lợi ích công bằng giữa các cộng đồng sẽ đảm bảo quyền lợi cho người nghèo và khuyến khích công tác bảo tồn.

Quản lý tiếp cận tri thức truyền thống giữa người sử dụng và cộng đồng: Một số cộng đồng đưa ra những luật lệ và thủ tục riêng để quản lý tiếp cận tri thức truyền thống và các tài nguyên, dựa trên luật tục và tập quán của họ. Điều này sẽ giúp những người ngoài cuộc có được sự hướng dẫn và hiểu biết đầy đủ. Đồng thời các luật lệ riêng này còn là công cụ giúp các cộng đồng tăng cường hiểu biết về quyền của họ khi nhà nước chưa có các chính sách phù hợp.

Hầu hết các nhà nghiên cứu và những người tìm kiếm tri thức truyền thống và nguồn gen khác trước hết sẽ tìm kiếm chúng ở ngoài cộng đồng bản địa. Nhiều tri thức truyền thống đã được ghi chép lại và được tự do sử dụng, trong khi nhiều giống cây và hạt giống truyền thống được cất giữ trong các vườn thực vật, các ngân hàng gen và các trung tâm nghiên cứu.

Nhưng quyền kiểm soát tri thức truyền thống do tổ tiên truyền lại và các tài nguyên liên quan không bị mất đi ngay cả khi chúng được chia sẻ với bên ngoài. Các cộng đồng vẫn có trách nhiệm đảm bảo sử dụng hợp lý và duy trì chúng cho thế hệ hiện tại và tương lai.

Tiềm năng tiếp cận và chia sẻ lợi ích nhằm mang lại những phần thưởng và khích lệ cho địa phương đối với công tác bảo tồn sẽ bị hạn chế, trừ phi các quyền đối với các tài nguyên của họ được công nhận bên ngoài cộng đồng. Vì vậy vẫn nên yêu cầu có PIC của cộng đồng nếu việc tìm kiếm tiếp cận là vì mục đích sử dụng khác với mục đích đã thỏa thuận ban đầu (ví dụ như mục đích thương mại).

Luật định về tri thức truyền thống – những gợi ý cho chính sách

Như chúng ta đã thấy, tri thức truyền thống gắn liền với các nguyên tắc chung và những tập quán chung trong di sản văn hoá sinh học của các nền văn hóa. Tuy nhiên, có các loại tri thức truyền thống khác nhau, và có các luật lệ khác nhau đối với từng loại tri thức truyền thống, chúng đều có vai trò quan trọng đối với việc hoạch định chính sách.

Tri thức và tài nguyên cộng đồng: Với loại tri thức truyền thống này, tiếp cận mở là cần thiết. Hạt giống, kiến thức trồng trọt và nhiều kiến thức y học được chia sẻ tự do vì lợi ích của cộng đồng. Đây là điều cần thiết để duy trì sinh kế trong môi trường thường là khắc nghiệt, vì nó cho phép tiếp cận nhiều loại tài nguyên hơn, và không một cá nhân nào có thể tồn tại với tri thức giữ cho riêng mình. Những ai đã tiếp cận tri thức truyền thống có nghĩa vụ phải chia sẻ cởi mở với những người khác.

Điều này có nghĩa là bên thứ ba không nên cản trở cộng đồng tiếp cận tri thức/tài nguyên hay các sản phẩm đã được chuyển giao để các tài nguyên tiếp tục là một phần của cộng đồng và của những hệ thống cải tiến.

Tri thức chuyên môn: Những tri thức truyền thống chuyên môn, thường về y học, được giới hạn trong phạm vi gia đình, bộ tộc hay dòng họ. Việc tiếp cận cũng đi kèm với trách nhiệm đảm bảo sử dụng hợp lý tri thức trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Các cộng đồng thường có những luật lệ đảm bảo rằng tri thức y học chỉ được truyền lại cho những người có tâm huyết và thích hợp để đảm bảo tri thức được sử dụng hợp lý.

Điều này có nghĩa là bên thứ ba cũng phải có trách nhiệm đảm bảo việc sử dụng tri thức hợp lý vì lợi ích của cộng đồng.

Tri thức linh thiêng: Tri thức truyền thống linh thiêng được các thầy thuốc hay người cao tuổi giữ bí mật để dùng trong chữa trị và sử dụng vào các nghi lễ mang giá trị tinh thần. Họ phải giữ bí mật để gìn giữ tính chất linh thiêng của nó, và có thể bị phạt nếu không làm như vậy.

Một số cộng đồng sử dụng mật mã hay một ngôn ngữ bí mật nào đó và người nắm giữ theo truyền thống phải thề không chia sẻ tri thức truyền thống ấy. Vì vậy, các cộng đồng nên được quyền từ chối việc tiếp cận tri thức truyền thống linh thiêng và các nguồn gen liên quan. Các chính sách cũng nên ngăn việc sưu tầm, sử dụng và phổ biến kiến thức đó.

Tương lai cho di sản văn hoá sinh học

Đối với những người nắm tri thức truyền thống, giữ không cho nó bị mai một cũng quan trọng như ngăn không cho nó bị chiếm đoạt. Nhưng điều đó phụ thuộc vào sự kế tục lối sống và thể chế truyền thống, cũng như việc tiếp cận đất đai của tổ tiên, với những địa điểm linh thiêng có tài nguyên truyền thống và có ý nghĩa về mặt tinh thần cũng như văn hóa.

Tri thức y học chuyên môn của người Yanadi chẳng hạn đang có nguy cơ biến mất. Người Yanadi đã bỏ đất trồng rừng, trở thành những lao động nông nghiệp và tri thức của họ không được các hệ thống y khoa thay thế của Ấn Độ công nhận. Các sáng kiến của địa phương nhằm phục hồi tri thức truyền thống đều thất bại. Điều này chỉ có thể thực hiện khi người Yanadi lấy lại được quyền tự do tiếp cận các khu vực rừng truyền thống và tri thức truyền thống của họ được chính thức công nhận.

Do đó, bảo hộ tri thức truyền thống nên tách biệt với quyền sở hữu trí tuệ. Các quyền đối với tất cả các yếu tố duy trì tri thức truyền thống cũng phải được bảo hộ – các nguồn gen, phong cảnh, giá trị văn hóa và luật tục.

Những yếu tố này cùng nhau làm thành ‘di sản văn hoá sinh học văn hóa chung” của một cộng đồng: tri thức, sự cải tiến và các tập quán của các cộng đồng bản địa, địa phương gắn bó với nhau và gắn liền với các tài nguyên truyền thống, lãnh thổ, nền kinh tế địa phương, đa dạng sinh học ở mọi hình thức cùng các giá trị văn hóa và tinh thần và các luật tục hình thành trong bối cảnh xã hội-sinh thái của cộng đồng.4 Khái niệm này xuất hiện từ các cộng đồng và nó phản ánh thế giới quan chính thể luận và bản chất liên hệ chặt chẽ với nhau của các hệ thống tri thức truyền thống.

Bảo vệ di sản sinh học văn hóa sẽ tăng cường quyền kiểm soát của cộng đồng đối với tri thức truyền thống. Qua đó, chắc chắn những hệ thống cải tiến của họ được duy trì để đảm bảo sinh kế và đáp ứng các nhu cầu thích nghi. Cuối cùng, quá trình cục bộ này làm phong phú thêm đa dạng gen và làm cơ sở cho việc thích nghi của người nông dân trên khắp thế giới. Nhưng đó không phải là một quá trình có thể có được chỉ bằng việc ghi chép lại tri thức truyền thống.

Rõ ràng là bảo hộ tri thức truyền thống một cách bền vững, linh hoạt và nhanh nhạy đòi hỏi phải có một phương thức quy mô trên toàn cầu. Phải có các công cụ pháp lý để bảo vệ quyền đối với tri thức truyền thống và các nguồn gen; đẩy mạnh công tác bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên có sự chỉ đạo của cộng đồng, đi đôi với các chính sách phát triển nhạy bén; đảm bảo sự nghiêm minh trong quyền đất đai.

Cuối cùng, những nỗ lực của địa phương sẽ nhanh chóng trở thành vô ích nếu không có các chính sách của địa phương, quốc gia và quốc tế nhằm bảo tồn tri thức truyền thống dựa trên khái niệm về di sản văn hoá sinh học chung.

Các quyền tập thể và luật tục đang bị vi phạm như thế nào?

Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, có rất nhiều áp lực đối với các nền văn hóa và cộng đồng bản địa – từ việc hòa nhập với xã hội và thị trường phương Tây cho tới những thay đổi trong chiếm hữu đất đai. Tuy vậy, thậm chí ở những nơi quyền lực truyền thống đang suy yếu hoặc bị các thể chế của chính phủ thay thế một phần, việc đưa ra những quyết định tập thể có thể vẫn đang diễn ra, đặc biệt ở những cộng đồng vùng xa xôi và có sự cố kết chặt chẽ.

Thêm vào đó, trong một số trường hợp các thể chế chính phủ là do người cao tuổi thiết lập hoặc người già được tiến cử để ra quyết định, và vì thế họ đã áp dụng phong tục và quy tắc truyền thống.

Tuy nhiên, trong những cộng đồng bản địa bao gồm cả người Yanadi ở Andhra Pradesh, Ấn độ và người Mijikenda ở Kenya, những người cao tuổi muốn phục hồi lại các thể chế theo phong tục, trong khi những người trẻ tuổi lại làm ngơ. Chính vì vậy, một số luật tục của người Mijikenda đã bị sửa đổi và những luật tục khác thì hoàn toàn biến mất.

Các doanh nhân trong những cộng đồng đó thường gặp rắc rối với quyền sở hữu cộng đồng đối với tài nguyên và có khuynh hướng vi phạm các thể chế truyền thống. Các luật tục được công nhận một cách có chọn lọc theo mối quan tâm cá nhân, bên cạnh luật chính thức, đặc biệt là khi luật chính thức không phù hợp – ví dụ trong việc giải quyết các mâu thuẫn.

Ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, luật tục giống với phong tục hơn là luật. Quá trình đưa ra quyết định của cộng đồng do một ủy ban trong làng thực hiện, theo hệ thống thể chế chính trị của chính phủ. Dù hệ thống này đang trở nên dân chủ hơn, nó vẫn không thể phục vụ đầy đủ cho lợi ích của người nông dân và các cộng đồng địa phương. ‘Cứu vãn’ và tăng cường việc ra quyết định tập thể là rất khả thi trong các cộng đồng đang trong giai đoạn thay đổi.

Tuy nhiên, trong nhóm người Mijikenda, những người ngày càng bị ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây và có những mối quan hệ ràng buộc bằng hôn nhân, một số thầy thuốc truyền thống đã hoạt động vì lợi ích thương mại. Trong hoàn cảnh này, các quyền cá nhân cần phải được công nhận thông qua PIC cá nhân, nhưng cũng nên tìm kiếm PIC tập thể càng nhiều càng tốt thông qua các thể chế truyền thống.


1. Bài viết này dựa trên nghiên cứu có sự tham gia của các cộng đồng bản địa và địa phương trong các khu vực đa dạng sinh học quan trọng: Mijikenda và Maasai, Kenya; Quechua, Peru; Kuna và Embera-Wounaan, Panama; Lepchas và Limbus, phía đông dãy Himalayas, Ấn Độ; Yanadi, Andhra Pradesh, Ấn Độ; Adhivasi, Chattisgarh, Ấn Độ; và Zhuang và Yao, Quảng Tây, tây nam Trung Quốc. Dự án được tài trợ bởi Trung tâm Phát triển Nghiên cứu Quốc tế và Quỹ The Christensen.
2. Posey, D. (ed.) 1999. Cultural and Spiritual Values of Biodiversity. ITP/UNEP, London/Nairobi.
3. Swiderska, K. 2006. Protecting Community Rights over Traditional Knowledge: Implications of customary laws and practices. Project Folder. IIED, London.
4. Swiderska, K. 2006. Banishing the Biopirates: A new approach to protecting traditional knowledge. IIED Gatekeepers Series no. 129. IIED, London.