Điện Biên: Hiệu quả trồng rừng chưa cao

ThienNhien.Net – Ở tỉnh Điện Biên, mùa trồng rừng bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc sau 3 tháng. So với mọi năm, thời tiết năm nay mưa sớm ngay từ đầu vụ, là điều kiện thuận lợi cho việc trồng rừng. Song, kết thúc mùa trồng rừng, diện tích rừng trồng mới toàn tỉnh không đạt kế hoạch giao, và so với năm 2007 diện tích rừng trồng mới giảm trên 40ha.

Theo ông Vũ Hồng Bài, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Lâm nghiệp tỉnh, kết thúc mùa trồng rừng, diện tích trồng mới toàn tỉnh chỉ đạt 897 ha, bằng 43% kế hoạch giao. Trong đó, diện tích rừng sản xuất là 658ha, đạt trên 41% kế hoạch và trồng được 239ha rừng phòng hộ, đạt 46,5% kế hoạch. Huyện Mường Nhé thiết kế được 115ha rừng trồng mới (bao gồm cả rừng phòng hộ và rừng sản xuất) nhưng chưa trồng được hécta nào. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp diện tích rừng trồng của tỉnh Điện Biên đạt thấp.

Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu vẫn là do cơ chế hỗ trợ chưa khuyến khích người dân tham gia. Mặc dù Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh mức hỗ trợ kinh phí cho người trồng rừng từ 2 triệu đồng/ha năm 1999 lên 6 triệu đồng/ha năm 2007 (Dự án trồng rừng 661), và 2 triệu đồng/ha (áp dụng cho rừng sản xuất), nhưng với đặc thù của tỉnh Điện Biên có phần chưa phù hợp.

Tính theo định mức chung, 1ha rừng phòng hộ cần được đầu tư từ 13 – 15 triệu đồng, song hiện nay Nhà nước mới chỉ hỗ trợ cho người dân là 6 triệu/ha (trọn gói từ công thiết kế, cây giống, công trồng, chăm sóc). Đối với rừng sản xuất, trồng mới một hécta cần đầu tư từ 15 – 16 triệu đồng, nhưng người dân chỉ được hỗ trợ 2 – 5 triệu đồng (tùy theo khu vực người dân sinh sống).

Như vậy, ngày công lao động của người trồng rừng chỉ đạt 12.000-15.000 đồng/người. Trong khi đó, ngày công lao động phổ thông ở tỉnh hiện nay khoảng từ 35.000 – 50.000 đồng/người/ngày. Đơn giá hỗ trợ đã thấp so với thị trường cộng với việc sau khi đã nghiệm thu tỷ lệ cây sống mới tiến hành quyết toán, làm cho người dân càng không mặn mà trồng rừng. Mặt khác, đời sống của người dân thuộc khu vực cần phát triển rừng đều là dân nghèo, chưa có kinh tế để đáp ứng trồng rừng, mà phải trông đợi vào vốn Nhà nước.

Khi Chính phủ mới triển khai dự án trồng rừng, những năm đầu, bà con nhiệt tình hưởng ứng, vì phần lớn diện tích đất quy hoạch trồng rừng gần bản, cụm dân cư; các quy định thanh toán kinh phí trồng rừng cũng “mềm” hơn bây giờ.

Từ năm 2006 đến nay, Nhà nước quy định: Sau khi trồng, tỷ lệ cây rừng phải sống từ 85% trở lên mới được thanh toán toàn bộ kinh phí. Nếu số lượng cây sống thấp dưới con số trên, bà con phải trồng dặm và đợi đến năm sau mới được thanh toán. Chúng ta đều biết, để cây rừng đạt tỷ lệ sống cao, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Kỹ thuật đào hố, biện pháp trồng, chăm sóc, chất lượng cây giống và nhất là điều kiện thời tiết. Các tỉnh phía Tây Bắc Bộ khí hậu hai mùa rõ rệt, nếu trồng rừng muộn, gặp thời tiết nắng hạn kéo dài cây khó sống.

Từ khi trồng rừng đến lúc thu hoạch mất 7 – 8 năm, phần lớn đồng bào các dân tộc trong tỉnh điều kiện kinh tế khó khăn, vì vậy họ đang tính trồng cây gì, nuôi con gì trong thời gian ngắn nhất cho thu hoạch để giải quyết cái ăn trước mắt, sau đó mới tính đến chuyện lâu dài. Điển hình như vụ bông vừa rồi, huyện Điện Biên Đông trồng không đạt kế hoạch, tất nhiên tổng sản lượng bông cũng thấp hơn năm trước. Nguyên nhân, do giá bán bông thấp hơn giá ngô. Cơ chế thị trường, nếu cây gì mang lại hiệu quả kinh tế thì bà con trồng cây đó, và ngược lại.

Theo phương châm: “Gần và dễ làm trước, xa và khó làm sau”, nhưng vài năm gần đây diện tích thiết kế rừng trồng mới của tỉnh chủ yếu là ở các địa bàn xa nơi dân ở, phải vượt nhiều núi cao, suối sâu, giao thông đi lại khó khăn. Cán bộ lâm nghiệp phải đi bộ cả buổi, thậm chí quá nửa ngày đường mới mang cây đến trồng được, trong khi tiền thù lao quá thấp, chỉ bằng 8% trong tổng số kinh phí Nhà nước cấp cho công tác trồng rừng hàng năm thì không đủ tiền mua xăng mỗi khi về cơ sở chỉ đạo công tác chứ nói gì đến cải thiện cuộc sống.

Một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng, là do diện tích thiết kế đất trồng rừng đa số nằm trên diện tích đất nương rẫy của người dân đã được giao khoán từ những năm 1999 theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp… Vì vậy, khi người dân đã không hào hứng với việc trồng rừng, thì đương nhiên diện tích đất nương rẫy này cũng không được chuyển cho các đơn vị chức năng để thực hiện trồng rừng. Một số người dân ở huyện Mường Nhé cho biết, việc hỗ trợ quá thấp, nếu lấy diện tích nương rẫy để trồng rừng, người dân nơi đây sẽ càng gặp khó khăn hơn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh chưa phát triển, chưa tiêu thụ được sản phẩm lâm sản, và nếu vận chuyển sản phẩm lâm sản về xuôi tìm nơi tiêu thụ thì… lỗ.

Đơn cử, việc trồng cây quế ở huyện Tuần Giáo được trồng cách đây 5 – 6 năm (thuộc rừng phòng hộ). Theo Quyết định 178/CP của Chính phủ, người dân nhận trồng rừng phòng hộ, sau vài năm được tận thu nguồn lâm sản trên diện tích rừng trồng. Song đến nay, người trồng quế đã đến thời kỳ được khai thác tận thu lâm sản, nhưng khi họ khai thác cũng không biết bán cho ai và bán ở đâu. Nên người dân nhận trồng quế ở Tuần Giáo chỉ còn cách để quế phát triển… tự nhiên. Điều này khiến người dân nảy sinh tâm lý chán nản và không khuyến khích được người dân nhận trồng rừng.

Trở lại vấn đề trồng rừng đạt thấp, các ban, ngành, nhất là chính quyền cấp cơ sở chưa có biện pháp chỉ đạo quyết liệt. Lãnh
đạo xã, bản cần phối hợp với các Ban quán lý trồng rừng khảo sát, quy hoạch cụ thể, chi tiết nơi nào là diện tích làm nương, đâu là vùng đất để trồng rừng. Công tác tuyên truyền cho người dân hiểu lợi ích của trồng rừng còn nhiều “khoảng trống”. Được biết, mặc dù thời gian qua, cán bộ các Ban quản lý trồng rừng về tận các xã, bản vận động nhân dân trồng rừng, nhưng kết quả không như mong muốn.

Bộ phận giúp Chi cục Phát triển lâm nghiệp khảo sát, quy hoạch trồng rừng sản xuất tại phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố chủ yếu là kiêm nhiệm, vì vậy hiệu quả công việc không cao. Trồng rừng là nghề đặc thù, điều tất yếu phải có cơ chế đặc thù; cán bộ chỉ đạo, điều hành và thực thi nhiệm vụ cần được độc lập chứ không nên kiêm nhiệm như thời gian qua.

Và hơn hết, việc khảo sát, quy hoạch diện tích trồng rừng hàng năm cần tiến hành sớm để tránh tình trạng gần cuối mùa mưa mới bắt đầu xúc tiến trồng rừng, như thế sẽ tránh được vấn đề tỷ lệ cây chết nhiều do thời tiết khô hạn. Bên cạnh vận động người dân tham gia trồng rừng, chúng ta cần có cơ chế, chính sách thu hút các công ty, xí nghiệp tham gia trồng rừng, nhất là những đơn vị đã có thâm niên trong nghề lâm sinh.

Hy vọng rằng, với việc thực hiện các chính sách mới hỗ trợ người dân trồng rừng sẽ mở ra một hướng đi cho việc phát triển rừng và để người trồng rừng sống được với rừng.