Điện Biên: Mô hình khuyến lâm đạt hiệu quả cao

ThienNhien.Net – Năm 2004, bằng nguồn vốn của Trung tâm khuyến nông Quốc gia, Trung tâm khuyến nông Điện Biên đã phối hợp với phòng Nông nghiệp huyện, UBND xã Sam Mứn – huyện Điện Biên triển khai mô hình trồng tre lấy măng (21 ha) và mô hình trồng trám ghép, dẻ ván (24 ha). Cho đến nay, mô hình khuyên lâm đã có những thành công nhất định.


Bước đầu triển khai mô hình, Trung tâm khuyến nông cùng với Đảng uỷ, UBND xã vận động nhân dân tham gia gặp không ít khó khăn, người dân không muốn trồng cây lâm nghiệp sợ mất đất làm nương trong khi những mảnh nương đã bạc màu. Đối với măng tre người dân cho rằng 1 ngày lên rừng khai thác măng về bán cũng được vài chục nghìn, đâu cần phải trồng. Sau quá trình tuyên truyền vận động mô hình cũng đã được triển khai tại 3 bản Yên Cang, Sam Mứn, Na Hai, ký hợp đồng cho 3 nhóm với 61 hộ nông dân tham gia.

Đánh giá hiệu quả kinh tế mô hình, ông Vi Việt Phú chủ hộ tham gia mô hình tâm sự, những năm đầu thực hiện mô hình trồng cây tre, cây dẻ còn nhỏ ông trồng xen sắn, ngô, đậu đỗ vẫn có thu nhập từ 2 – 15 tấn/vụ. Sau 4 năm trồng, chăm sóc tre, dẻ ván theo đúng quy trình kỹ thuật do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, cây măng phát triển tốt, phù hợp với đất đai và điều kiện kinh tế gia đình. Năm thứ 3, 4, tre đã cho thu hoạch trên 1,5 tấn/ha, ông dự kiến năm nay gia đình sẽ thu trên 3 tấn/ha. Ngay đầu vụ được giá 15.000 đồng/kg tươi, đúng vụ giá rẻ, gia đình sẽ sấy làm măng khô bán vào dịp cuối năm ước tính trừ chi phí thu trên 50 triệu đồng.

Mô hình trồng dẻ ván là cây trồng mới tại Điện Biên đã bói quả 2 năm nhưng khả năng phát triển rất tốt. Nếu vài năm nữa sai quả với giá 30.000 đồng/kg như hiện nay thì đây cũng là mô hình khả quan và cho thu nhập tốt. Ông Phú cho biết, 2 mô hình khuyến lâm do Trung tâm khuyến nông triển khai chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho hộ gia đình. Sẵn có kiến thức kỹ thuật nhân giống đã được cán bộ Khuyến nông trang bị, tới đây, gia đình ông sẽ mở rộng diện tích trồng và nhân giống bán cho các hộ nông dân khác.

Sau hơn 4 năm triển khai mô hình, vừa qua, Trung tâm khuyến nông đã tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng mô hình, Ông Phạm Đình Kiên – Bí thư đảng uỷ xã cho biết: “Một vài năm gần đây do khai thác bừa bãi quá nhiều, cây tre trên rừng đã quá già, bị bệnh và ra hoa hết người dân không còn khai thác được nữa, các hộ được tham gia mô hình đến nay đã có thu nhập phấn khởi, tích cực chăm sóc và bảo vệ tốt mô hình”.
Ông khẳng định 2 mô hình khuyến lâm tại xã Sam Mứn bước đầu đã thu được những thành công nhất định, không những cho thu nhập, giảm bớt khó khăn cho người dân sống với nghề trồng rừng. Thông qua việc triển khai thực hiện, tập huấn phổ cập những kiến thức chung cho cộng đồng trong công tác cải tạo đất, quản lý bảo vệ rừng và đất rừng sẽ giúp nhân dân trong xã nâng cao nhận thức về kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc, sản xuất Nông – Lâm nghiệp ổn định và bền vững, đây cũng là mô hình phủ xanh đất trống góp phần nâng cao độ che phủ rừng của xã.