Cà Mau: Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

ThienNhien.Net – Hơn 02 năm qua, Phòng Kinh tế thành phố Cà Mau đã phối hợp với Hội Nông dân và các cấp, các ngành hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương, với nhiều hoạt động thiết thực.


Phòng Kinh tế thành phố đã cùng các ngành chức năng củng cố và phát triển tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; duy trì và xây dựng mới được 05 Hợp tác xã, 07 tổ hợp tác sản xuất và công nhận 05 hộ đạt tiêu chí kinh tế trang trại; vận động, khuyến cáo nhân dân trong vùng dự án sản xuất lúa – tôm thực hiện nuôi tôm, trồng lúa đúng kỹ thuật, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững cho vùng nuôi.

Trước đây, sau khi thu hoạch lúa, người dân thường chọn lúa tốt để lại làm giống cho năm sau nên năng suất không cao. Hiện nay, do được khuyến cáo của ngành nên có khoảng 50% hộ dân đã thay đổi tập quán cũ, chuyển sang sử dụng giống cấp xác nhận. Hàng năm, Phòng Kinh tế khuyến cáo người dân các xã sử dụng giống lúa có thời gian sinh trưởng phù hợp với điều kiện của từng vùng. Đối với các xã như: Hòa Thành, Hòa Tân, Định Bình, phường 6 nên sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày như: PAC 807, OM 1490, OMCS 2000, vì đây là khu vực chịu ảnh hưởng thủy văn của sông Gành Hào, nên khi gặp nắng hạn cục bộ thì độ mặn nước sông tăng rất nhanh, ảnh hưởng đến sinh trưởng cây lúa. Riêng các xã: An Xuyên, Tân Thành có thể sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng dài ngày, nhưng phải thích nghi với điều kiện đất đai như: BTE 1, Một bụi đỏ, Thần nông gốc tím…

Ngoài ra, còn tổ chức 230 lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, hội thảo đầu bờ, xây dựng mô hình trình diễn chuyển giao kỹ thuật trong thâm canh lúa cao sản, phòng trừ sâu bệnh, quản lý môi trường nước…thu hút trên 7.000 lượt hộ dân tham gia; tập trung hướng dẫn người dân cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, đưa màu xuống ruộng ở các xã vùng ngọt; vận động nhân dân phát triển mô hình nuôi cá chình, bống tượng, từng bước phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ vậy, năng suất lúa bình quân năm 2008 của thành phố tăng lên 4,36 tấn/ha. Diện tích nuôi cá chình, cá bống tượng phát triển nhất tỉnh. Đời sống nông dân ở các xã ngày càng được nâng cao.

Với những hoạt động thiết thực, Phòng Kinh tế thành phố đã góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua và Chương trình Nông nghiệp – nông dân – nông thôn trong thời kỳ mới.