Tiếc nhớ một dòng sông giàu có

ThienNhien.Net – Được thiên nhiên ưu đãi, Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là một vùng đất trù phú với những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những khoảng vườn xum xuê cây trái và dòng sông đỏ nặng phù sa nuôi sống bao người. ĐBSCL cũng từng được mệnh danh là xứ sở “trên cơm dưới cá”, “rẽ cá thấy nước”, một vùng đất đã đi vào ca dao bằng những hình ảnh rất đẹp: "Gió đưa gió đẩy. Về rẫy ăn còng. Về sông ăn cá. Về đồng ăn cua." Song đến nay, vì nhiều nguyên do, nguồn cá tự nhiên ở sông Cửu Long không còn dồi dào như xưa nữa, những mùa nước nổi lấp lánh cá tôm dần chỉ còn trong hoài niệm.

Đại Ngãi (Sóc Trăng) một buổi sáng đẹp trời, trên cả một khúc sông rộng, chỉ có một con thuyền lẻ loi đang quăng lưới.
 
Vợ chồng anh thuyền chài này đã làm nghề cá được hơn 20 năm nay. Dù nghề chài lưới ngày càng khó khăn, anh chị vẫn gắn bó và lam lũ với nghề. Theo lời kể của anh chị, những năm trước trung bình mỗi ngày họ thu về chừng 5 kí cá tôm, chủ yếu đem bán. Nhưng nay mỗi ngày anh chị chỉ bắt được chừng nửa kí, vỏn vẹn đủ dùng cho gia đình bé nhỏ của anh chị.
 
Cả một mẻ lưới toàn cá nhỏ, chỉ có một “chiến lợi phẩm” đáng kể duy nhất là con tôm này đây.
 
Ngược dòng sông Hậu đi lên các nhánh sông thuộc tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang đâu đâu chúng tôi cũng gặp những ngư dân bồi hồi nhớ tiếc dòng sông xưa, một dòng sông hào phóng, chở đầy tôm cá.
 
Hơn bốn mươi năm gắn bó với nghề, đôi vợ chồng người thuyền chài này từng chứng kiến bao mùa con nước lên đòng với vô vàn cá linh, cá sặc, cá rô, cá lóc, cá bông, cá tra, cá cóc, cá hô, cá vồ, cá bông lau… nhưng những mùa nước nổi ấy giờ chỉ còn trong ký ức. Hiện nay, trong gia đình cũng chỉ có họ là những người còn trọn lòng với nghề cá vì… không còn lựa chọn nào khác.
 
Trong khi con cái họ và biết bao ngư dân xưa hiện đang phải bươn trải với đủ thứ nghề không tên giữa các mùa nước nổi.
 
Không chỉ nguồn cá tự nhiên, số lượng các bè nuôi cá cũng đang giảm đáng kể. Người chủ bè cá này (P.Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thuỷ, TP.Cần Thơ) cho biết mấy năm trước đây, cũng ở dòng sông này các bè cá còn san sát nhưng nay đã dần thưa bóng.
 
Người nuôi trồng thủy sản đã phải bỏ nghề vì rất nhiều nguyên do: giá cả thức ăn biến động, giá đầu ra sản phẩm không đảm bảo lãi ổn định, cá mắc bệnh… Cách đây 1-2 năm tỷ lệ cá chết chỉ ở mức 1 nhưng đến nay con số đã là 50.  
 
Cá tự nhiên suy giảm, cá nuôi gặp nhiều khó khăn… do rất nhiều nguyên nhân, nhưng không khó khăn gì để thấy ngay một số “thủ phạm” nhãn tiền ở những lò gạch và các nhà máy công nghiệp san sát bờ sông như thế này.
 
 
Vỏ trấu và tro trấu đen ngòm từ lò gạch được thải thẳng xuống sông (Huyện Chợ Mới, An Giang)
 
Khai thác cát trên sông cũng được coi là một nguyên nhân gây ô nhiễm lòng sông bởi làm khuấy bùn đáy sông, tăng độ đục của nước và ảnh hưởng đến các loài thủy sinh.
 
Và đây là một khúc Sông Cái Lớn vào mùa khô, khi nước chuyển sang màu đen xám xịt.
 
Đó là chưa kể tới những nguyên nhân sâu xa và khó thấy, nhưng chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng do việc phát triển hàng loạt đập thủy điện và tưới tiêu ở dòng chính và các nhánh của sông mẹ Mê Kông gây ra. Nằm ở hạ nguồn, dòng Cửu Long chắc chắn sẽ chứng kiến những xáo trộn lớn trong hệ sinh thái và môi trường thủy sinh. Nguồn lợi thủy sản sẽ bị ảnh hưởng vì dòng di cư sinh sản của cá bị các đập nước chặn lại, lượng phù sa bồi đắp châu thổ và là nguồn dinh dưỡng nuôi cá cũng sẽ vơi dần. (Ảnh chụp thủy điện Pak Mun, Thái Lan)
 
Nhớ da diết một dòng sông giàu có! Bao giờ cho đến… ngày xưa:
Ai về dưới miệt Tháp Mười
Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn.”

ĐBSCL có diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, chiếm 12% diện tích cả nước. Toàn vùng có khoảng 750 km chiều dài bờ biển với 22 cửa sông, cửa lạch và hơn 800.000 ha bãi triều. Điều kiện giao thoa mặn, lợ, ngọt cũng đã tạo nên một vùng sinh thái đặc thù, hiếm thấy trên thế giới, rất thuận lợi cho khai thác và nuôi trồng thủy sản. Đây là ngư trường, vựa tôm cá lớn nhất của cả nước.


Nguồn ảnh: theo thứ tự từ trên xuống, ảnh 9,10,11,12: Huỳnh Nguyễn, các ảnh còn lại: ThienNhien.Net