Đấu giá gỗ huỳnh đàn tại Quảng Nam: Tiền có bù được tổn thất?

Huỳnh đàn là loại gỗ cực kỳ quý. Gỗ huỳnh đàn chôn dưới đất hàng trăm năm vẫn giữ được mùi hương. Một sự kiện mới diễn ra ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam ngày 23/01/2007: đấu giá hơn 9 mét khối gỗ huỳnh đàn. ThienNhien.Net xin giới thiệu lại bài báo về vấn đề này đã được đăng trên báo Sài gòn giải phóng
Sáng ngày 23/01/07 tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra phiên đấu giá gỗ huỳnh đàn (còn gọi trắc thối, sưa, huê mộc). Trên 60 đơn vị chuyên doanh gỗ trong cả nước đã tham gia qua 3 vòng đấu giá.

Vòng 1 mức khởi điểm 1,85 tỷ đồng, đấu giá được gần 2,9 tỷ đồng. Vòng 2 giá được đẩy lên gần 3,15 tỷ đồng; đến vòng 3, Công ty TNHH Việt Hà (56 Nam Trang, Hà Nội) trúng với giá cuối cùng là 3,516 tỷ đồng. Dù giá bán được cao gần gấp đôi mức khởi điểm, nhưng sau cuộc đấu giá này vẫn còn những băn khoăn…

Gỗ có “bốc hơi”?

Tính tổng cộng có 9,025m3 gỗ tròn cùng gỗ xẻ và 8.757kg gỗ vụn tại phiên đấu giá. Nhưng trước đó, khi trả lời báo chí hồi tháng 11/2006, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam – Diệp Thanh Phong đưa ra con số gần 10m3 gỗ tròn và gỗ xẻ (chênh lệch gần 1m3 – nhưng số tiền không hề nhỏ vì huỳnh đàn là gỗ cực kỳ quý). Tại công văn số 3798/UBND-KTN do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký ngày 4/12/2006, con số này lại cao hơn: trên 10m3 .

Đến tháng 1/2007, ông Phong lại đưa ra con số khác: chỉ còn hơn 7,91m3 gỗ tròn và gỗ xẻ. Có thể sự khác nhau ở đây tùy thuộc vào tiến độ báo cáo nhưng không thể con số báo cáo trước cao hơn con số báo cáo sau. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng một số gỗ quý hiếm đã bốc hơi? Có không những cuộc “điện thoại nóng” dội xuống Hạt Kiểm lâm Đông Giang để “kiếm miếng về coi thử” như chúng tôi từng ghi nhận? Nếu không, điều này chỉ có thể giải thích: đây là cuộc đấu giá số gỗ của riêng kiểm lâm huyện Đông Giang, chưa tính số gỗ tịch thu được tại hai Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang và Đại Lộc. Có hay không chuyện khuất tất đằng sau những con số lệch pha?

Ai định giá đấu thầu?

Theo một số tư nhân chuyên buôn gỗ, lô gỗ này “bét” lắm phải có giá trên 3 tỷ đồng nhưng tỉnh Quảng Nam chỉ đặt giá khởi điểm dưới 2 tỷ đồng – dù việc đặt giá đã có thay đổi từ 1,73 tỷ đồng lên 1,85 tỷ đồng. Hạt kiểm lâm Đông Giang giải thích việc này là do tỉnh định ra nhiều mức giá cho từng loại kích thước gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ vụn và do đường kính gỗ tròn chỉ từ 10cm đến 30cm nên không thể có giá cao như thị trường.

Lại có giải thích khó chấp nhận, do bảo quản không đúng nên lô gỗ còn ít giá trị. Ai cũng biết huỳnh đàn chôn dưới đất hàng trăm năm vẫn giữ được mùi hương, vì sao chỉ trong vài ba tháng bị kiểm lâm thu giữ lại giảm giá trị? Và nếu đúng vì lý do này thì cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị thu giữ.

Đặt tình huống các đơn vị dự đấu giá thông đồng không đẩy giá lên, liệu việc định giá như trên có làm thất thoát một khoản tiền không nhỏ? Cần biết rằng, từ tháng 8/2006, gỗ sưa (trắc thối) được các tay buôn gỗ mua tại Kon Tum với giá từ 200 đến 300 triệu đồng/m3.

Theo lực lượng kiểm lâm Kon Tum, toàn bộ gỗ sưa khai thác được ở đây đều cung ứng cho thị trường Trung Quốc để làm các mặt hàng gia dụng cao cấp hoặc dùng để ướp xác. Hồi giữa tháng 12/2006, cộng tác viên báo SGGP 12giờ đã vào vai người đi mua gỗ tại Đông Giang, nghe hét giá 1m3 gỗ vừa bị chặt hạ, bán tại cửa rừng là 120 triệu đồng, chở trót lọt về đến Đà Nẵng sẽ có giá 380 triệu đồng và ra đến Hà Nội, giá sẽ từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng!

Băn khoăn cuối cùng

Ngay sau bão Xangsane, Hạt Kiểm lâm Đông Giang đã phát hiện sự kiện rừng gỗ quý ở Macooih, Cà Zăng và Hang Dơi bị tàn phá. Khi trên núi đá A Sờ chỉ còn cây huỳnh đàn cuối cùng, chúng tôi đã đến tận nơi khảo sát. Anh Võ Văn Thẩm, Giám đốc Làng Thanh niên đồng thời là chủ đất rừng có cây gỗ quý đã báo động khắp nơi nhưng không rõ dựa vào sự bảo kê nào, hai ngày sau, lâm tặc ngang nhiên dùng cưa lốc triệt hạ.

Rừng có chủ mà như vô chủ và lực lượng liên ngành ở huyện Đông Giang gần như chỉ có mỗi động tác truy thu, truy giữ gỗ khi chúng sắp rời khỏi thị trấn Prao. Đến nay, rừng gỗ quý Macooih gần như không còn nữa. Có thể nói, đấu giá gỗ chẳng khác chi đấu giá rừng và thiết nghĩ tỉnh Quảng Nam cần làm rõ, xử lý những ai đã thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng. Bởi nếu lấy thắng lợi của phiên đấu giá làm tiền lệ thì tương lai gần, những khoảnh rừng còn lại tại Quảng Nam cũng sẽ không còn!.