Làm giàu dưới tán rừng

Bảo vệ rừng luôn gắn liền với việc tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Chẳng hạn như Quảng Nam – một địa phương giàu tài nguyên rừng – đang triển khai mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Nuôi rừng là nuôi sinh kế

Phước Sơn là một trong những huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Quảng Nam với tỉ lệ nghèo rất cao, một số xã có tỉ lệ nghèo cao hơn 60%. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân nơi đây sống phụ thuộc vào tài nguyên rừng với các hoạt động như xâm lấn đất rừng để canh tác, săn bắt động vật hoang dã, khai thác tận diệt các sản phẩm từ rừng tự nhiên. Các hoạt động này đã và đang gây mất và làm suy thoái rừng, tác động xấu đến sự cân bằng của hệ sinh thái rừng và đe dọa đến tính đa dạng sinh học của khu vực.

Trồng cây dược liệu vừa bảo vệ rừng vừa tạo sinh kế cho người dân miền núi. (Ảnh: Thanh Chung)

Với diện tích rừng lớn, Phước Sơn có tiềm năng để phát triển các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, cụ thể là cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên. Trong những năm gần đây, nông dân được khuyến khích phát triển cây dược liệu thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ như Quyết định số 2950, ngày 17.8.2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về “Cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 – 2020”.

Dự án Trường Sơn Xanh của USAID và Tổ chức Tầm nhìn thế giới hướng đến mục tiêu hỗ trợ cải thiện sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị cây dược liệu trồng dưới tán rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý. 75 hộ (tương đương khoảng 300 người) thuộc 2 xã Phước Xuân và Phước Mỹ – hai xã nghèo nhất của huyện Phước Sơn – được mong đợi sẽ hưởng lợi trực tiếp từ mô hình sinh kế này. Đây là mô hình sinh kế vừa có thể tạo nguồn thu nhập thay thế cho người dân vừa góp phần vào việc bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Tình – Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Mi – cho biết, đơn vị ông đang xây dựng kế hoạch bảo tồn và nhân giống đại trà để cung cấp cho người dân trồng ở những khu rừng khác trên địa bàn huyện, từ đó phát triển vùng dược liệu kết hợp với việc bảo vệ rừng. Cây sâm ba kích thuộc loại dây leo có thể nhân giống bằng thân, dây bám vào những cây nhỏ nên không ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ sinh thái rừng.

“Giá sâm ba kích tím tự nhiên hiện nay khoảng 400 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/kg, nếu nhân giống, mở rộng diện tích trồng sau này sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho dân, xóa đói giảm nghèo” – ông Tình nói

Tiến tới phát triển bền vững

Với những kết quả thực tế đạt được, về mặt kỹ thuật, có thể nhận thấy tính phù hợp và khả thi của mô hình trồng ba kích dưới tán rừng so với mô hình tương tự nhưng trồng trên đất nương rẫy tại huyện Phước Sơn. Với vườn ươm đã được xây dựng và kỹ thuật nhân giống đã được chuyển giao, các nhóm hộ còn có thể chủ động nhân giống ba kích tím bằng phương pháp giâm hom để mở rộng diện tích hoặc bán cây giống để tăng thêm thu nhập.

Theo Tổ chức tầm nhìn Quốc tế, sẽ cần thêm thời gian khoảng 2 năm nữa để mô hình này có thể trở thành một nguồn thu nhập thay thế cho người dân hai xã Phước Xuân và Phước Mỹ, nhưng với những điều kiện nền tảng đã được thiết lập kết hợp với sự quan tâm, đôn đốc của chính quyền địa phương cùng với quyết tâm của cộng đồng, mô hình trồng ba kích tím dưới tán rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý có tiềm năng lớn để thành công và nhân rộng, giúp cải thiện kinh tế cho người dân tham gia, giúp họ giảm bớt sự phụ thuộc vào rừng, qua đó góp phần tăng cường bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại huyện Phước Sơn.

Theo ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam: “Sở cũng đã có cơ chế, chính sách cho người dân, hỗ trợ 80% giống và kỹ thuật trồng cây dược liệu. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ nhiều chính sách cho các doanh nghiệp tạo đầu ra cho người dân. Từ đó, người dân và doanh nghiệp cùng hợp tác thực hiện việc gieo trồng và tiêu thụ”.

Việc trồng cây dược liệu dưới tán rừng góp phần nâng cao đời sống người dân, giải quyết tình trạng thiếu việc làm ở miền núi. UBND các huyện sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung tâm kỹ thuật nông nghiệp hỗ trợ, hướng dẫn UBND các xã trong việc thẩm định phương án, chọn đơn vị bán giống, nghiệm thu cây giống đảm bảo chất lượng theo quy định; phải tuân thủ hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu. Bên cạnh đó rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây dược liệu trên địa bàn theo hướng nâng cao năng lực sản xuất giống tại chỗ bằng nguồn giống bản địa và đảm bảo chất lượng trước khi sản xuất.