Nông nghiệp hữu cơ – nền nông nghiệp hòa bình

ThienNhien.Net – Vandana Shiva, người phụ nữ bền bỉ với 22 năm trăn trở và nỗ lực để xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ cho Ấn Độ. Triết lý của bà rất đơn giản, đó là cần duy trì một nền nông nghiệp đa dạng, hòa bình với thiên nhiên.


Từ nỗi đau chứng kiến bạo lực đến triết lý về nền nông nghiêp hòa bình

Vandana Shiva đến với lĩnh vực nông nghiệp bền vững xuất phát từ những nỗi đau khi phải chứng kiến một nền nông nghiệp đầy những bạo lực và đau thương của Ấn Độ trong những năm thập kỷ 80 của thế kỷ trước.

Khủng bố lan tràn mọi nơi, và một trong những phản ứng cực đoan đầu tiên là nhằm vào cuộc Cách Mạng Xanh tại Punjab (phong trào nâng cao sản lượng nông nghiệp bằng cách tăng sử dụng phân bón hóa học và các yếu tố đầu vào khác thế kỉ 20). Kế tiếp đó là thảm họa Bhopal – thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử Ấn Độ – xuất phát từ một nhà máy thuốc trừ sâu.

Bạo lực quá khích đã lấy đi 30.000 sinh mạng ở Punjab và 30.000 ở Bhopal, tất cả đều có liên quan đến nông nghiệp. Shiva trăn trở đau xót và mò mẫm tìm lối đi cho một ngành nông nghiệp không bạo lực. Bà xác định “Đó là nhiệm vụ của cả cuộc đời tôi.”

Tổ chức Navdanya Trust do Shiva sáng lập, trong tất cả mọi hoạt động của mình đều luôn tôn chỉ 3 điều triết lý.

Thứ nhất – thiết lập một nền nông nghiệp hòa bình với thiên nhiên, mang đến cho nông dân một cuộc sống bình yên, không đẩy họ vào bất kì một thứ bạo lực nào.

Thứ hai – coi trọng tính đa dạng, bởi trên cùng một diện tích, các hệ thống đa dạng sinh học tạo ra nhiều chất dinh dưỡng hơn so với một hệ thống công nghiệp chuyên sâu nhất và cũng có tỉ lệ tương đương với đất cao hơn. Nghĩa là bạn có thể trồng nhiều hơn trên cùng một mảnh đất vì bạn đang tạo ra mối quan hệ cộng sinh giữa các loài thực vật.

Thứ 3 – coi trọng việc giữ cho những thứ gì thuộc về lợi ích chung thì luôn là của chung, cũng như tính đa dạng sinh học và tri thức. Triết lý thị trường nội địa hiện đại dựa trên sự cạnh tranh, nhưng đối với Shiva, thứ duy nhất để giúp người nông dân tồn tại lâu dài chính là nền kinh tế đoàn kết- dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, cho và nhận.

Navdanya Trust đang nỗ lực để xây dựng một nền nông nghiệp đa dạng sinh học và không bạo lực- đó là nông nghiệp hữu cơ. Tổ chức đã đào tạo gần nửa triệu nông dân trên khắp đất nước hoặc thông qua hình thức giáo dục chính thống qua trường lớp, hoặc thông qua các chương trình huấn luyện. Trung tâm cũng tiến hành hoạt động nghiên cứu và thành lập các ngân hàng hạt giống miễn phí cho cộng đồng, giúp nông dân có được thị trường trực tiếp và mậu dịch công bằng.

Nông nghiệp hữu cơ sẽ là mũi tên trúng nhiều đích

Shiva tin rằng có 3 giới hạn của cuộc Cách Mạng Xanh thế kỷ 20 cần được khắc phục. Thứ nhất, phân bón hóa học và thuôc trừ sâu không cấp miễn phí, vì vậy nó tạo ra các khoản nợ cho người nông dân, có thể khiến họ phải bán đi nông trại, đất đai canh tác. Thứ hai, nông nghiệp hóa học hay nền nông nghiệp công nghiệp hóa cần rất nhiều nước, nó hoàn toàn đắt đỏ và không khả thi trong tình trạng khủng hoảng về nước như hiện nay. Thứ ba, nông nghiệp hóa học góp phần gia tăng biến đổi khí hậu.

Những giới hạn này có thể giải quyết nếu được thay thế bằng một nền nông nghiệp hữu cơ.
Trước hết, cần loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong nông nghiệp. Phân bón hóa học có gốc nguyên liệu hóa thạch làm cho đất dễ bị xói mòn, bạc màu hơn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự thích nghi với biến đổi khí hậu thông qua duy trì tính đa dạng sinh học cho nền nông nghiệp. Hệ thống nông nghiệp đa dạng này cũng sẽ cung cấp nguyên liệu thô cho ngành thủ công, và một nền nông nghiệp kết hợp với ngành thủ công sẽ tạo nên một khối lượng công việc khổng lồ. Đó là cách mà Shiva cho rằng sẽ góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm hiện nay.

Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải đảm bảo được quyền của người nông dân và cộng đồng ở nông thôn đối với tài nguyên của họ. Người nông dân cần an ninh về đất đai và an ninh cả về hạt giống. Hạt giống cần phải được coi là tài sản chung như một hàng hóa công cộng.

Shiva cũng cho rằng cũng cần bảo đảm quyền lợi cho những người nông dân có ruộng đất manh mún bằng việc đảm bảo thị trường công bằng, giá cả công bằng. Hiện tại, phần quỹ công cho ngành nông nghiệp của Ấn Độ đang được sử dụng để trợ cấp cho các công ngiệp không bền vững và nguy hại cho môi trường. Những khoản đầu tư cho nông nghiệp bị cắt xen cần phải được trả lại cho nông nghiệp.

Nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp và tái sinh rừng không chỉ giúp biến đất đai và thực vật thành một bể hấp thụ và dự trữ cacbon từ khí quyển một cách bền vững mà còn giải quyết được các vấn đề về đói nghèo, chẳng hạn sử dụng nguồn tài nguyên khan hiếm hiệu quả hơn để cung cấp lương thực, thực phẩm.

Đói nghèo và biến đổi khí hậu đều có chung một lời giải. Bất kỳ mô hình nào, dù ở bất kỳ đâu nếu tách rời con người đất đai và sự đa dạng sinh học đều không thể chấp nhận, nó càng không phù hợp với một nước như Ấn Độ . “Con người – đất đai – đa dạng sinh học”, đó chính là thông điệp mà Shiva muốn đưa đến với mọi người.