ThienNhien.Net – Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn là vấn đề quan tâm của toàn xã hội vì nó gắn liền và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của tất cả mọi người. Bảo đảm VSATTP vì sức khỏe của mọi người đang là nhiệm vụ cấp bách của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó ngành Y tế giữ vai trò quan trọng. PGS, Tiến sĩ Nguyễn Công Khẩn – Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có buổi trao đổi về vấn đề này.
Xin Cục trưởng đánh giá khái quát về tình hình VSATTP ở nước ta trong những năm gần đây?
Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực trạng: nền nông nghiệp của nước ta còn manh mún, đại đa số thực hiện trên mô hình hộ nông dân nhỏ lẻ, do vậy việc đầu tư đồng bộ từ giống, cây trồng vật nuôi đến việc áp dụng các biện pháp canh tác, nuôi trồng theo quy cách đảm bảo an toàn thực phẩm như GAP, HACCP còn hạn chế. Mặt khác, đầu ra của sản phẩm an toàn còn chưa được chấp nhận phổ biến khi giá của các sản phẩm này cao hơn so với sản phẩm canh tác thông thường. Do vậy, khi kiểm tra các chỉ tiêu VSATTP của sản phẩm lưu thông trên thị trường vẫn có tồn dư hoá chất BVTV vượt giới hạn cho phép, trong rau chiếm từ 11,65-13%, trong quả từ 5-15,15%.
Với chính sách mở, người người có thể kinh doanh nên việc kiểm tra các cơ sở buôn bán hóa chất BVTV, thức ăn chăn nuôi, phụ gia thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn, và chủ yếu chính quyền địa phương phải có trách nhiệm kiểm soát.
Thực tế đã chỉ ra nhiều bức xúc về VSATTP như các vụ ngộ độc tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp không giảm. Ví như trong tuần từ 14-19/06/2009 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đã có tới 5 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể. Năm 2006: 22 vụ, năm 2007: 21 vụ, năm 2008: 32 vụ với 3.589 người bị ngộ độc.
Gần đây nhất, tại cơ sở giết mổ lợn tập trung ở Thịnh Liệt – Hoàng Mai, Hà Nội công suất 1.000 con/đêm, qua kiểm tra 22 ô của 20 chủ hộ kinh doanh giết mổ chỉ có 25% số lợn đưa vào giết mổ được kiểm dịch, giết mổ trực tiếp trên sàn sân, giết mổ không đảm bảo vệ sinh, khu sạch và khu bẩn là một, gây ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh ATTP nghiêm trọng.
Nguyên nhân chủ yếu là do: người trực tiếp sản xuất, kinh doanh không chấp hành các quy định vệ sinh an toàn cho nông hải sản, thực phẩm; Việc kiểm soát, mua nguyên liệu đầu vào chưa đảm bảo đúng yêu cầu vệ sinh an toàn cho thực phẩm (ví dụ mua phải cá ngừ, cá nục đã bị hư hỏng do vi sinh vật nên gây ngộ độc thực phẩm và trong quá trình phân hủy thịt cá đã tạo ra nhiều chất histamine gây dị ứng); Người tiêu dùng vẫn chủ quan, chấp nhận những quán hàng ăn không đảm bảo vệ sinh; Vai trò quản lý của các cấp, các ngành trong từng khu vực địa giới chưa được đề cao, chưa có tác dụng; Lực lượng thanh kiểm tra và chế tài xử lý còn chưa phù hợp với từng nơi, từng đối tượng, chưa đủ sức răn đe.
Trước những bức xúc về VSATTP, Cục VSATTP đã và sẽ có những biện pháp gì để thực hiện vai trò quản lý nhà nước của mình?
Theo kinh nghiệm của các nước, muốn quản lý tốt về VSATTP cần phải có 3 công cụ, đó là:
– Pháp luật: Luật Thực phẩm và các tiêu chuẩn, quy chuẩn thực phẩm buộc tuân thủ.
– Hệ thống thanh tra chuyên ngành, giám sát việc thực thi pháp luật và chế tài xử lý nghiêm minh.
– Hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm có đủ bằng chứng thuyết phục trong xét xử vi phạm và có đủ cơ sở khoa học để xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn thực phẩm.
Trong những năm qua, Cục VSATTP đã cố gắng hết sức để tham mưu cho Bộ Y tế, giúp Chính phủ bước đầu hình thành hành lang pháp lý (ví dụ ban hành Pháp lệnh VSATTP năm 2003 và hiện nay đang xây dựng dự thảo Luật VSATTP dự kiến trình Quốc hội năm 2010); Ban hành Nghị định số 79/2008/NĐ-CP về hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm VSATTP, theo đó hệ thống thanh tra chuyên ngành về VSATTP đang được hình thành trên cả nước. Chính phủ đang đầu tư cho hệ thống kiểm nghiệm VSATTP với sự đầu tư tập trung xây dựng Viện kiểm nghiệm VSATTP quốc gia và 3 viện khu vực đạt chuẩn quốc gia và quốc tế. Tại các tỉnh, sẽ đầu tư nâng cao năng lực kiểm nghiệm cho các Labor kiểm nghiệm thực phẩm tại các Trung tâm y tế dự phòng.
Đối với hệ thống thanh tra chuyên ngành VSATTP, Cục đã và đang tích cực phối hợp với Trường Cán bộ Thanh tra để đào tạo bài bản cho các cán bộ làm công tác VSATTP trên cả nước để có thể trở thành các thanh tra viên về VSATTP.
Có ý kiến cho rằng tình trạng VSATTP thường xuyên báo động và mất kiểm soát. Cục trưởng có bình luận gì về ý kiến này? Cục trưởng có thể nói rõ hơn về những tồn tại, khó khăn và bất cập trong quá trình quản lý ATVSTP ở nước ta hiện nay?
Vấn đề kiểm soát VSATTP sẽ không thể một sớm một chiều giải quyết ngay được. Nước ta là nước đang phát triển, thu nhập còn thấp. VSATTP chịu sự chi phối tác động bởi rất nhiều yếu tố: Môi trường ô nhiễm, theo đó sẽ ô nhiễm vào nông sản và vật nuôi và tồn dư trong thực phẩm; cơ sở vật chất, quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, không đồng bộ, không được cải tiến đáp ứng điều kiện vệ sinh sẽ dẫn đến ô nhiễm thực phẩm; con người còn thiếu ý thức, trách nhiệm, không chấp hành các quy định về vệ sinh cá nhân, có những hủ tục lạc hậu trong ăn uống hoặc vì lợi nhuận mà sử dụng phụ gia, chất bảo quản ngoài danh mục của Bộ Y tế ban hành trong sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm cũng sẽ lại gây ô nhiễm vào thực phẩm.
Trước mắt, ngoài việc tuyên truyền nhằm thay đổi ý thức, hành vi, tập quán ăn uống lạc hậu, cần có những chế tài và sự giám sát chặt chẽ để buộc người sản xuất, người kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ các quy định về VSATTP. Trong khi lực lượng chuyên ngành còn rất mỏng (0,5 người làm công tác quản lý VSATTP cho 1 tỉnh, 0,9 người cho 1 huyện) thì chính quyền địa phương cần vận dụng, quan tâm huy động mọi lực lượng trong tay để kiểm tra, kiểm soát hoạt động VSATTP trên địa bàn mình quản lý.
Các bộ ngành trong vai trò, trách nhiệm của mình cần tham mưu xây dựng những chính sách thích hợp để đầu tư, áp dụng được những cách thức quản lý tiên tiến như GAP, HACCP trong sản xuất, chế biến nông lâm, thủy sản và thực phẩm.
Để làm tốt công tác ATVSTP, Bộ Y tế có kiến nghị gì với Chính phủ để hoàn thiện hơn nữa những quy định và chế tài xử lý về vi phạm ATVSTP?
Về vấn đề này Bộ Y tế kiến nghị với Chính phủ như sau:
– Tăng cường biên chế cán bộ chuyên ngành về VSATTP từ tuyến xã, huyện đến tỉnh; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật về kiểm nghiệm chất lượng VSATTP đến tuyến huyện; tăng cường lực lượng thanh tra chuyên ngành VSATTP nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý chất lượng VSATTP.
– Sửa đổi Nghị định số 45 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cho phù hợp vì hiện nay nhiều quy định về hành vi và mức phạt còn thiếu và không phù hợp.
– Theo Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg ngày 07/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ: Hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới, hàng hóa đưa vào chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ khu kinh tế cửa khẩu không phải kiểm tra nhà nước về chất lượng. Do vậy, số lượng hàng hóa trên rất khó kiểm tra, kiểm soát. Trên thực tế, sau khi hàng đã vào chợ cửa khẩu sẽ vào nội địa rất nhiều nhưng không kiểm soát được, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi quy định cho phù hợp.
– Tăng kinh phí hoạt động cho chương trình mục tiêu quốc gia VSATTP vì kinh phí hiện nay còn quá hạn hẹp, hầu như chưa có kinh phí cho tuyến cơ sở hoạt động nên hiệu quả chưa thể cao.
– Chính phủ cần có sự chỉ đạo kiên quyết và thống nhất, đồng bộ đối với UBND các cấp trong việc quy hoạch và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thú y, quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn.
Nhân dịp này, ông có khuyến cáo gì đối với cộng đồng nâng cao nhận thức về VSATTP?
VSATTP rất quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ bao gồm cả thể chất và trí tuệ, ảnh hưởng đến giống nòi người Việt Nam; ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do vậy, đối với vấn đề VSATTP, mọi người hãy quan tâm hơn, có trách nhiệm hơn ở mỗi vị trí của mình. Ví dụ: Đầu tiên, người dân cần đặc biệt chú ý tới việc ăn chín, uống sôi. Hãy biết chọn, mua, và chế biến sử dụng thực phẩm an toàn, chỉ mua thực phẩm có đầy đủ nhãn mác, còn hạn sử dụng, rõ nguồn gốc, không có mùi vị lạ, không bị ôi thiu, mốc hỏng… Biết chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, không gây ngộ độc cho người sử dụng.
Người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm cần phải tuân thủ các quy định của nhà nước để đảm bảo VSATTP. Chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trước người tiêu dùng và xã hội.
Các bộ, ngành cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc tham gia quản lý nhà nước về VSATTP.
Chính quyền địa phương cần quan tâm, chỉ đạo thực hiện và giám sát các hoạt động VSATTP trên địa bàn mình quản lý.
Xin cảm ơn Cục trưởng.